Cập nhật: 12/02/2018 14:15:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Với mong muốn có một mùa lễ hội trong lành, an toàn và ngày càng lan tỏa những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp, không còn nhiều nỗi lo biến tướng, phản cảm hay thương mại hóa, từ đầu năm công tác quản lý, tổ chức mùa lễ hội đã được triển khai đồng loạt tại nhiều địa phương.

Tăng cường quản lý, không để tái diễn những hình ảnh phản cảm trong mùa lễ hội năm 2018.

Tìm giải pháp tháo gỡ

Với tinh thần đổi mới, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) vừa tổ chức hội nghị triển khai công tác quản lý và tổ chức mùa lễ hội 2018 tập trung đánh giá những điểm nóng tồn tại trong những mùa lễ hội trước để tìm giải pháp tháo gỡ. Nhiều biện pháp nhằm hạn chế những hoạt động phản cảm tại các lễ hội truyền thống trong năm qua tiếp tục được đánh giá, rút kinh nghiệm như nạn chen lấn, tranh cướp lộc tại lễ hội Ðền Sóc (Hà Nội); phát lộc tại lễ hội chùa Hương (Hà Nội); tranh đua phết bạo lực tại Hội Phết xã Hiền Quan (Phú Thọ), lợi dụng trò chơi đá gà để đánh bạc tại hội Lim (Bắc Ninh), lễ hội chọi trâu Ðồ Sơn đã để xảy ra tai nạn chết người tại vòng đấu loại.

Theo Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Tô Văn Ðộng, không đâu nhiều lễ hội và đông đúc như Hà Nội. Chỉ ba tháng đầu năm đã có đến hơn một nghìn lễ hội, mỗi ngày có đến hàng chục lễ hội, trong khi đội ngũ quản lý còn mỏng, cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng được nhu cầu của hàng chục nghìn du khách đổ về cùng một thời điểm. Ðồng chí Tô Văn Ðộng nhận định: "Công tác thanh, kiểm tra đôi khi còn thiếu quyết liệt. Ban tổ chức lễ hội, trụ trì một số cơ sở tín ngưỡng đôi khi còn đối phó, hoạt động chưa chuyên nghiệp. Ðơn cử như ở lễ hội chùa Hương, khi có đoàn kiểm tra thì sạch sẽ, gọn gàng, nhưng ba giờ sau quay lại đã khác ngay rồi". Ðề cập hội Ðền Sóc, lãnh đạo Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội khẳng định, năm nay sẽ không còn tranh cướp lộc. Lộc hoa tre và trầu cau sau khi làm lễ sẽ được san sẻ, tán lộc cho người đi lễ trong khu vực thờ tự một cách trật tự, văn minh. Theo đó, hai lễ hội lớn là Ðền Sóc và Ðúc Bụt đã cam kết thay đổi phương thức tổ chức, thay vì tán lộc tập trung, dẫn đến cảnh tượng chen lấn, tranh cướp thì các ban tổ chức sẽ đưa lộc vào nơi thờ tự để đáp ứng nhu cầu xin lộc đầu năm của người đi lễ.

Ban tổ chức lễ hội chùa Hương (Hà Nội) cũng đã lên phương án bảo đảm vệ sinh môi trường, an ninh trật tự, an toàn giao thông, hạn chế tình trạng cố ý gây thương tích, móc túi trộm cắp. "Năm nay, Ban tổ chức sẽ chấn chỉnh nghiêm tình trạng chèo kéo du khách của các lái đò, "cò" chùa Hương. Ban tổ chức đã phối hợp với sư trụ trì chùa Hương - Thượng tọa Thích Minh Hiền tuyên truyền cho các nhà sư không để xảy ra tình trạng phát lộc tự phát như năm 2017" - Phó Chủ tịch UBND huyện Mỹ Ðức kiêm Trưởng Ban tổ chức lễ hội chùa Hương Nguyễn Văn Hậu cho biết.

Ðể chuẩn bị cho mùa lễ hội năm nay, Sở VHTTDL tỉnh Bắc Ninh cũng đưa ra một loạt giải pháp như nghiêm cấm mọi hình thức hát quan họ ngả nón nhận tiền; quy hoạch lại khu dịch vụ hàng quán ở Ðền Bà Chúa Kho, hạn chế đốt vàng, mã và nhất là sẽ không cho tổ chức đá gà - trò chơi dân gian đã bị lợi dụng biến thành cờ bạc ăn tiền tại hội Lim. Hội phết Ðình Ðông Lai, xã Bàn Giản (Vĩnh Phúc) không có nội dung tổ chức cướp phết mà chỉ thực hành trình diễn nghi lễ. Hội phết Hiền Quan (Tam Nông, Phú Thọ) cũng thay đổi hình thức tổ chức, chia đội và giới hạn khu vực chơi bảo đảm hoạt động lễ hội diễn ra an toàn.

Không cấp phép các lễ hội chọi trâu

Trong hai năm qua, mặc dù Bộ VHTTDL yêu cầu các địa phương không cấp phép tổ chức lễ hội, hội chọi trâu không phải là lễ hội truyền thống nhằm hạn chế những hoạt động phản cảm mang danh lễ hội chọi trâu. Thực tế, bùng phát từ năm 2014, lễ hội chọi trâu bắt đầu lan tới nhiều tỉnh miền bắc và có xu hướng ngày càng lan rộng kéo theo nhiều biến tướng khiến dư luận bức xúc.

Quyền Giám đốc Sở VHTTDL tỉnh Tuyên Quang Nguyễn Vũ Phan cho biết, nhiều lễ hội chọi trâu ở tỉnh đã cấp phép rồi, giờ dừng lại thì phải có căn cứ. Xét về mặt khoa học, Tuyên Quang đã tổ chức nhiều hội thảo về lễ hội chọi trâu và đều công nhận vùng Hàm Yên - Chiêm Hóa là đất của trâu chọi. Tại thời điểm này, đã có hàng trăm con trâu tập trung về các địa bàn dự kiến sẽ tổ chức hội chọi trâu ở địa phương, nếu không có ý kiến, dân cứ ăn Tết xong thường tổ chức chọi trâu, sẽ rất khó cho công tác tổ chức.

Những lý giải về khả năng tại tỉnh Tuyên Quang vẫn có thể có lễ hội chọi trâu trong mùa tới đã không nhận được sự đồng thuận từ các đơn vị quản lý. Thứ trưởng Bộ VHTTDL Trịnh Thị Thủy một lần nữa khẳng định: Ở một số nơi, việc tổ chức lễ hội không gắn với bất cứ di sản văn hóa cụ thể nào, thường giao cho doanh nghiệp như một hình thức kinh doanh. Lễ hội chọi trâu gây phản cảm không chỉ là cảnh bán thịt trâu, thậm chí biến cả thư viện, trường học, trụ sở chính quyền địa phương làm nơi xẻ thịt trâu để bán mà nó còn làm nảy sinh một số hiện tượng tiêu cực, biến tướng như cá cược, gây bất ổn trên địa bàn. Ở nhiều địa phương, Ban tổ chức chọi trâu chỉ nhìn thấy lợi ích trước mắt mà không thấy tác động từ mặt trái của loại hình lễ hội này.

Phó Chánh Thanh tra Bộ VHTTDL Phạm Xuân Phúc quyết liệt đề nghị, lãnh đạo Bộ cần giao cho đơn vị chức năng là Cục Văn hóa cơ sở nghiên cứu vì sao lại có nhiều doanh nghiệp xin tổ chức chọi trâu, chọi dê, chọi ngựa đến thế. Liệu có phải vì lợi nhuận kinh tế nên họ hăng hái, tích cực như vậy không? Ngay tại TP Hải Phòng, địa phương duy nhất có lễ hội chọi trâu được chính thức công nhận năm nay, cũng đã đưa ra một đề án tổ chức mới, điều chỉnh về quy mô theo hướng thu gọn số lượng trâu chọi, xóa bỏ vòng loại, hướng tới tính chất lễ hội, thay vì nhuốm màu thương mại.

Phạt nguội

Ðể xử lý dứt điểm các tiêu cực xảy ra trong mùa lễ hội, không chấp nhận tư tưởng bao biện rằng lễ hội "quá đông" không kiểm soát được, Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy đề xuất việc ghi hình xử lý các tình huống theo kiểu "phạt nguội" mà ngành giao thông đang áp dụng. Thứ trưởng dẫn chứng, thí dụ như lễ hội Ðền Trần (Nam Ðịnh), mặc dù đã làm tốt công tác phát ấn không để xảy ra chen lấn xô đẩy, thì vấn nạn cướp lộc, cướp đồ lễ, ném tiền lên kiệu rước… vẫn khiến dư luận nhức nhối. Cùng chung mong muốn một mùa lễ hội lành mạnh, bình yên, lãnh đạo tỉnh Nam Ðịnh cũng ngay lập tức thông báo tại lễ hội Ðền Trần đã lắp ca-mê-ra nơi đại biểu và du khách đứng để xác định người ném tiền và nếu có thể sẽ gửi thông tin về cơ quan quản lý.

Cùng với việc củng cố, siết chặt công tác tổ chức lễ hội xuân tại các địa phương theo phân cấp, năm nay, Bộ VHTTDL cũng tiến hành thanh tra, kiểm tra đột xuất, bảo đảm hỗ trợ tối đa cho các địa phương để có biện pháp xử lý kịp thời với những vấn đề nổi cộm. Bên cạnh đó, một số giải pháp cũng được đưa ra như đẩy mạnh tuyên truyền để nâng cao nhận thức của người dân tham gia lễ hội, khơi dậy giá trị nhân văn, hướng thiện, không chạy theo lợi ích vật chất ở lễ hội. Ðồng thời vẫn bảo tồn có chọn lọc những phong tục tập quán tốt đẹp của dân tộc theo xu hướng lành mạnh, tiến bộ, tiết kiệm, phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của địa phương, đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng của nhân dân. Phải có người chịu trách nhiệm trong công tác phân công, quản lý lễ hội có lẽ là một trong những giải pháp quan trọng để tránh tư tưởng đùn đẩy. Với sự vào cuộc sớm và mạnh mẽ của các cơ quan quản lý, sự đồng thuận của nhân dân, kỳ vọng bức tranh mùa lễ hội Xuân 2018 sẽ không còn những gam trầm.

 

Theo HÀ THU/nhandan.com.vn

Tệp đính kèm