Làng nghề Sơn Đồng từ lâu đã nổi tiếng với những sản phẩm đồ thờ, tượng phật được tiêu thụ rộng rãi trong cả nước. Nghệ nhân tài hoa trong làng đã thổi hồn vào những khúc gỗ vô tri trở thành những bức tượng sống động. Dịp Tết đến, cả làng lại nhộn nhịp, vội vã để kịp cho ra thị trường những sản phẩm phục vụ nhu cầu người tiêu dùng.
Sơn Đồng là 1 làng cổ nằm ở trung tâm huyện Hoài Đức với truyền thống làm đồ thờ, tượng phật đến nay đã ngót 800 năm. Người làng Sơn Đồng tài hoa đã tạo ra những bức tượng sống động như: tượng Phật bà nghìn tay nghìn mắt, tượng ông Thiện, ông Ác, tượng La Hán, Đức Thánh Trần,...cùng nhiều loại đồ thờ thủ công mỹ nghệ nổi tiếng. Để duy trì và phát triển nghề truyền thống của làng, năm 2002, “Hiệp hội Làng nghề Mỹ nghệ Sơn Đồng” đã được thành lập. Ban đầu, Hội chỉ có 51 hội viên nhưng đến nay số hội viên chính thức đã tăng lên 500 người và hội viên trực thuộc lên đến trên 2000 người. Để tạo sự cạnh tranh cho sản phẩm trong thời kỳ hội nhập, năm 2013, làng nghề đã làm thủ tục Đăng ký nhãn hiệu nghề điêu khắc, tạc tượng và đồ thờ sơn son thếp vàng, bạc Sơn Đồng. Năm 2015, Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học Công nghệ) đã cấp giấy chứng nhận đăng ký Nhãn hiệu 20 nhóm sản phẩm làm từ gỗ sơn son thếp vàng, thếp bạc cho Hội làng nghề mỹ nghệ xã Sơn Đồng quản lý và sử dụng.
Làng nghề đồ thờ Sơn Đồng nhộn nhịp những ngày áp Tết
Dịp Tết đến xuân về, người người nhà nhà lại nô nức sắm sửa, trang hoàng lại nhà cửa; đặc biệt là mua sắm đồ thờ cúng tổ tiên. Đây là nét đẹp văn hóa, thể hiện truyền thống “uống nước nhớ nguồn”, lòng thành kính, biết ơn của người Việt ta với tổ tiên. Đến với làng nghề Sơn Đồng vào một sáng gần Tết, chúng ta sẽ bắt gặp con đường dài gần 200 mét toàn những cửa hàng buôn bán và làm đồ thờ, tượng phật. Tiếng đục đẽo của những người thợ, tiếng người mua bán, mùi thơm của gỗ,…tất cả hòa quyện lại cho chúng ta cảm giác háo hức của ngày Tết đang đến gần.
Nghệ nhân giữ lửa cho nghề truyền thống
Ông Nguyễn Trí Quảng - một nghệ nhân nổi tiếng của làng và là chủ của cửa hàng “Đồ thờ, tượng phật Quảng Đại” cho biết, cửa hàng của bác có diện tích cả nghìn mét vuông với đa dạng các mặt hàng: từ những bức tượng ông Thiện, ông Ác ai nghiêm; tượng Phật nghìn tay nghìn mắt,…đến những bộ bàn thờ, câu đối sơn son thếp vàng. Bác cho biết, gia đình bác làm nghề này đã mấy đời nay, bản thân bác cũng đã tiếp xúc và yêu nghề từ năm 15 tuổi. Quy trình chế tác các sản phẩm ngoài phương thức chung thì mỗi nghệ nhân trong làng lại có những thủ pháp riêng không giống nhau, đó là cái trời phú cho mỗi người. Nguyên liệu để làm tượng và đồ thờ là gỗ mít với đặc tính mềm, thớ dặm, ít nứt, dễ gọt và có độ bền cao.
Gỗ mít được thu mua từ nhiều tỉnh thành, khi đem về phải bỏ hết phần giác, chỉ sử dụng phần lõi để chế tác. Bên cạnh quá trình đục, đẽo tạo ra hình hài cho sản phẩm, quá trình sơn son thếp vàng cũng rất kỳ công. Người thợ hom tượng bằng sơn trộn đất phù sa rồi bó bằng sơn sống và sơn thí. Sau mỗi công đoạn , tượng lại phải được mài bằng đá và nước. Việc sơn và mài được thực hiện nhiều lần đến khi bề mặt tượng phẳng và mịn thì dùng một lớp sơn cầm thếp phủ lên. Khi sờ tay thấy hơi còn dính thì người thợ sẽ tiến hành dán bạc hoặc dán vàng tùy theo yêu cầu của khách hàng.
Tạo ra một sản phẩm đồ thờ, tượng phật là một quá trình dài, đòi hỏi người thợ không chỉ có lao động chân tay đục đẽo mà cần cả một khối óc sáng tạo và đôi bàn tay tài hoa. Niềm vui của họ không chỉ là bán sản phẩm cho người tiêu dùng để có hiệu quả kinh tế mà trên hết là lòng thành kính với tổ tiên tạo ra những tác phẩm nghệ thuật và sự tâm huyết với nghề truyền thống.
Theo báo cáo của UBND xã Sơn Đồng cho biết, làng nghề hiện có hơn 2.500 hộ thì 80% số hộ dân sống bằng nghề làm đồ thờ, tượng phật. Cả làng có trên 4.000 thợ lành nghề và nghệ nhân giỏi với gần 300 xưởng sản xuất. Tổng doanh thu bình quân cả xã đạt khoảng 350 tỷ/năm, mức thu nhập bình quân của người dân đạt từ 4-15 triệu VNĐ/ tháng tuỳ vào tay nghề.
ST