Cập nhật: 19/02/2018 11:21:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Sự cố môi trường biển ảnh hưởng nặng nề đến ở Hà Tĩnh. Vượt qua khó khăn người dân đón Tết với niềm tin vững chắc sự cố môi trường đã ở lại phía sau.

Những ngày cuối năm rét buốt, gió lạnh thông thốc, thế nhưng không khí trên các đường làng, ngõ xóm vùng biển Cửa Sót, Thạch Kim, huyện Lộc Hà, Hà Tĩnh huyên náo và ấm cúng khác thường như muốn xua đi cái lạnh ngoài biển.

Mùi cá cơm, cá thu nướng sực nức từ các cơ sở chế biến hải sản, tiếng gọi nhau í ới của bạn chài chuẩn bị ngư cụ cho những chuyến tàu cá ra khơi đầu xuân xen lẫn mùi biển mặn mòi từ những vuông lưới giăng khắp nơi mang lại không khí Tết đặc trưng của miền biển.

 

Niềm vui được mùa ở làng nghề cá Thạch Kim- huyện Lộc Hà

Rạng rỡ bên tàu cá vừa được tu sửa lại sau hơn 1 năm nằm bờ, ông Phan Hữu Phú, (ngư dân ở xã Thạch Kim) cho biết: Gia đình có 4 người đều phụ thuộc vào thu nhập từ những mẻ cá gần bờ, sau hơn 1 năm không còn ra biển đánh bắt, kinh tế rất khó khăn. Sau khi được bồi thường 180 triệu đồng, ông đã đầu tư gần 100 triệu đồng để tu sửa con tàu, số còn lại đủ để trang trải cho gia đình và sắm sửa đón Tết.

Ngư dân vùng biển Cửa Sót, xã Thạch Kim, huyện Lộc Hà từ lâu đã nổi tiếng với truyền thống vươn khơi, bám biển.

Theo thời gian, các ngư dân nơi đây đã xây dựng những đội tàu đánh bắt, làng nghề truyền thống trở thành trung tâm nghề cá của tỉnh Hà Tĩnh.

Trong sự số môi trường vùng biển này có 800 tàu đánh bắt cá, trong đó có 300 tàu trên 90 CV đánh bắt xa bờ phải ngừng hoạt động. Bên cạnh đó là hàng loạt lồng bè nuôi trồng, cơ sở chế biến thủy sản bị ảnh hưởng, thiệt hại rất lớn. Đến nay huyện đã gần như hoàn thành việc chi trả tiền bồi thường với hơn 244 tỷ đồng cho gần 10 nghìn đối tượng bị ảnh hưởng, giúp bà con khôi phục sản xuất, ổn định đời sống, đặc biệt trong dịp Tết nguyên đán này.

Ông Phan Văn Thanh, Phó trưởng Phòng Nông nghiệp huyện Lộc Hà cho biết: “Bà con phục hồi sản xuất, mua sắm thêm ngư cụ, cải hoán tàu thuyền để tiếp tục ra khơi bám biển, đầu tư sản xuất vụ mới. Tâm trạng của bà con đều phấn khởi, yên tâm đón Tết cổ truyền của dân tộc”.

Nếu như Lộc Hà là trung tâm nghề cá và cũng bị ảnh hưởng nặng nề về khai thác cá ở Hà Tĩnh thì thị xã Kỳ Anh, nơi có Công ty Formosa nằm trong Khu kinh tế trọng điểm Vũng Áng là tâm điểm của sự cố môi trường biển.

9/12 xã, phường với hơn 16.000 người bị ảnh hưởng. Tác động lớn nhất là thu hút đầu tư vào Vũng Áng sụt giảm, năm 2017 chỉ thu hút được 6 dự án trong nước, 1 dự án nước ngoài với số vốn đăng ký 2,1 triệu USD.

Thương mại dịch vụ chịu tác động mạnh, nhất là hoạt động bán buôn bán lẻ hàng hóa, dịch vụ ăn uống và lưu trú, dịch vụ du lịch, trong đó thị xã Kỳ Anh bị ảnh nặng nề nhất.

Sau khi sự cố xảy ra, thị xã Kỳ Anh đã dành hơn 1 năm rưỡi tiến hành kê khai, rà soát, thẩm định, bồi thường cho bà con bị thiệt hại.

Đến thời điểm này đã bồi thường cho người dân với số tiền 453 tỷ đồng khôi phục sản xuất.

Bên cạnh đó thị xã còn hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề, giải quyết việc làm cho bà con ở các xã bị ảnh hưởng góp phần ổn định đời sống cho người dân trước Tết nguyên đán.

Hệ thống nhà hàng bè nổi ở thị xã Kỳ Anh đã đông khách trở lại sau sự cố môi trường.

Ông Phan Duy Vĩnh, Phó Chủ tịch UBND thị xã Kỳ Anh nói: “Chuẩn bị cho Tết nguyên đán thị xã đã rà soát, hỗ trợ các gia đình khó khăn, hộ nghèo, gia đình chính sách còn khó khăn. Không để người dân nào thiếu đói, không có Tết.”

Bên cạnh đó, thị xã cũng quyết tâm vực dậy hệ thống kinh doanh dịch vụ hải sản truyền thống, góp phần đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm đánh bắt của ngư dân. Đặc biệt là các nhà hàng bè nổi, mực nhảy đã trở thành thương hiệu về kinh doanh hải sản của thị xã.

Để khôi phục lại UBND thị xã Kỳ Anh đã quy hoạch xây dựng mặt bằng mới thay thế cho các nhà hàng bè nổi nằm trong khu xây dựng cảng biển Khu kinh tế Vũng Áng.

Sau thời gian khó khăn bộn bề do tâm lý e ngại hải sản, thời điểm cuối năm nay cùng với lượng du khách đông trở lại khi môi trường biển đã trong lành thì Tết này niềm vui đã đến sớm hơn với những chủ nhà hàng bè nổi nơi đây.

Ông Lý Hộ, một chủ nhà hàng bè nổi vui mừng: “Qua sự cố môi trường, từ đó đến giờ lượng khách đã trở lại bình thường, lấy lại được như những năm trước, giờ yên tâm để làm ăn, buôn bán, không nghĩ gì đến sự cố môi trường nữa. Ai cũng vui vẻ phấn khởi đón Tết. Hiện nay nhà hàng mua sắm nguyên vật liệu, chuẩn bị đón Tết tràn đầy hạnh phúc, cho một năm mới làm ăn thịnh vượng”.

Trong những ngày này UBND tỉnh Hà Tĩnh đang quyết liệt chỉ đạo công tác bồi thường, hỗ trợ và chi trả tiền cho các đối tượng bổ sung, phấn đấu hoàn thành trước Tết với tổng kinh phí dự kiến là 1.905 tỷ đồng.

Vượt lên những khó khăn bộn bề thời gian qua, người dân vùng biển Hà Tĩnh náo nức đón Tết nguyên đán với niềm tin vững chắc sự cố môi trường đã ở lại phía sau.

Vùng biển Hà Tĩnh những ngày giáp Tết đã ấm lên, ngư dân rộn ràng ra khơi bám biển, những chuyến tàu nặng đầy tôm cá hứa hẹn một năm mới khởi sắc. Biển đã ấm và lòng người cũng ấm lên sau bao ngày giá lạnh, trong sắc xuân phơi phới.     

 

 Theo Đình Hiếu/VOV.VN 

Tệp đính kèm