Cập nhật: 21/02/2018 10:58:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Lễ hội “rước người” độc đáo ở Quảng Ninh mang đậm văn hóa truyền thống của cư dân nơi cửa biển Bạch Đằng.

Ngày 20/2 (tức ngày Mùng 5 Tết), tỉnh Quảng Ninh tổ chức Lễ đón Bằng di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia và Khai hội Tiên công 2018. Đây là lễ hội “rước người” độc đáo mang đậm văn hóa truyền thống của cư dân nơi cửa biển Bạch Đằng.

 

Lễ hội Tiên công nhận Bằng công nhận Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia

Theo truyền thuyết, vùng đảo Hà Nam (thị xã Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh) là vùng đất do các Tiên Công và dân cư từ kinh thành Thăng Long đến đây quai đê, lấn biển mà tạo dựng thành.

Ra đời từ thế kỷ 17, Lễ hội Tiên Công nhằm tri ân công đức của 17 vị Tiên Công và tỏ lòng hiếu kính của con cháu đối với các bậc cao niên.

Điểm nhấn độc đáo nhất là nghi lễ rước các cụ Thượng thọ 80, 90, 100 tuổi bằng võng đào lên miếu thờ Tiên Công với sự tham gia của tất cả các dòng họ, tạo nên một lễ hội “rước người” đặc sắc, tiêu biểu cho văn hóa Thăng Long xưa nơi cửa biển Bạch Đằng.

 

Đây là sự công nhận, tôn vinh xứng đáng cho lễ hội độc đáo của người dân cửa biển Bạch Đằng

Ông Nông Quốc Thành, Phó Cục trưởng Cục Di sản, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch khẳng định: “Đây là một lễ hội hết sức độc đáo không chỉ riêng của Quảng Ninh mà trong toàn quốc. Lễ rước người sống là hình thức tôn vinh độc đáo có thể nói là duy nhất trên đất nước ta. Chúng tôi hy vọng rằng, việc di sản này được đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia sẽ góp phần cho cộng đồng dân cư cũng như chính quyền các cấp có những biện pháp, hành động cụ thể để bảo tồn di sản này”.

Là một trong những hoạt động mở đầu cho Năm du lịch Quốc gia Hạ Long – Quảng Ninh 2018, năm nay, Lễ hội Tiên Công diễn ra với quy mô cấp tỉnh cùng nhiều hoạt động đặc sắc.

Với chủ đề “Về miền di sản văn hóa Tiên Công”, nhiều hoạt động văn hóa, thể thao và các trò chơi dân gian Cờ người, Tổ tôm điếm, Chơi đu, Hát đúm giao duyên... sẽ diễn ra trong 4 ngày từ 19 - 22/2 (tức ngày 4 - 7 tháng Giêng năm Mậu Tuất).

 

Tái hiện hình ảnh chúc thọ cụ Thượng của các gia đình, dòng tộc Hà Nam

Đặc biệt, ngày chính hội mồng 7 tháng Giêng sẽ có lễ rước các cụ Thượng với 4 đoàn rước tập thể, 7 đoàn rước cá nhân, quy mô lớn nhất từ trước đến nay.

Ông Nguyễn Văn Niên, Trưởng tộc họ Nguyễn xã Cẩm La vui mừng: "Được đón Bằng Di sản phi vật thể cấp quốc gia, tôi và mọi người dân trên đảo rất phấn khởi cũng như biết bảo tồn bản sắc của vùng miền này, nhắc cho con cháu duy trì mãi mãi”.

 

Lãnh đạo Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh dâng hương khai hội

Quảng Ninh đã có kế hoạch bảo tồn, khôi phục một số phong tục độc đáo của lễ hội xưa đã mai một như Tục đắp đê tượng trưng, cụ Thượng đấu vật…/.

Theo Trường Giang/VOV.VN - Đông Bắc

Tệp đính kèm