Cập nhật: 21/02/2018 14:19:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Khi màn đêm buông, hay khi Mặt Trời vừa ló dạng, hòa vào lời kinh tiếng kệ là tiếng mõ cốc cốc vẳng lên từ các ngôi chùa Huế. Âm thanh thanh thoát, nhẹ nhàng, trong trẻo đến nao lòng…

 

Công nhân làm việc tại xưởng.

Nghệ nhân Lê Thanh Liêm (50 tuổi), trú tại KV5, tổ 20, phường Thủy Xuân, TP Huế là người có “duyên lành” với nghề làm mõ. Năm 18 tuổi, Liêm phải “gác bút” để học nghề mộc vì gia cảnh khó khăn. Vốn chăm chỉ, chí thú làm ăn, lại có chút tư chất thông minh nên chỉ vài năm sau đó, Liêm chuyển sang nghề chạm, rồi điêu khắc tượng. Nghệ thuật chạm khắc, tạo hình trang trí đã cuốn hút anh đam mê, gắn bó với nghề làm mõ cho đến ngày nay.

Gặp ông Liêm tại Festival nghề truyền thống Huế 2017 với nụ cười thân thiện, dễ mến khiến tôi chú ý và muốn tìm hiểu về cái nghề độc đáo làm mõ độc đáo. Ông Liêm tâm sự: “Mỗi kỳ Festival tôi đều có những sản phẩm mới để trưng bày”. Để tạo ra một chiếc mõ ưng ý, phụ thuộc vào nhiều yếu tố như: Chọn gỗ - gỗ mít thân già, gỗ ròng, có nhiều vân, phải được trồng ở những vùng đất khô cằn, sỏi đá - tiếp đến là công đoạn đục rỗng bụng là khâu khó nhất vì nó quyết định chất lượng âm thanh của tiếng mõ. Âm thanh vang lên từ một khối gỗ phải thanh thoát, giòn giã, ấm vang như thức tỉnh tâm thức con người. Đòi hỏi người thợ phải thanh tịnh thân-tâm, lắng đọng tâm hồn thì mới lấy được tiếng mõ hay.

Ở phường Thủy Xuân (TP Huế) trước đây có một số hộ gia đình đã từng làm mõ, nhưng cuối cùng chỉ còn vài ba hộ đứng vững với nghề. Ông Liêm cho biết: Chiếc mõ kỷ lục mà anh dày công chế tác để chào mừng Đại lễ 1.000 năm Thăng Long-Hà Nội. Đó là chiếc mõ được làm bằng mít ròng, được tuyển chọn kỹ càng về nguyên liệu. Chiếc mõ có trọng lượng 250 kg, cao 1,2 m, trên mõ chạm khắc hình “Ngư hóa song Long chầu” theo truyền thuyết trong dân gian. Âm vang rền, giòn giã như tiếng trống, hiện được đặt trang trọng trong vườn hoa Phật tích ở chùa Bái Đính (Ninh Bình) để khách thập phương chiêm ngưỡng. Mỗi lần các vị sư thầy ở đây dùng dùi gõ mõ, thì thanh âm của nó vang vọng, trầm hùng như tiếng trống trên đỉnh núi. Để làm nên chiếc mõ kỷ lục đó, anh Liêm và kíp thợ phải dày công săn tìm, lặn lội vào Nam, ra Bắc mua gỗ. Cuối cùng, phải sang tận nước Lào mới gặp được một cây mít thuộc dạng “khủng”, có đường kính thân 1,4 m, 150 năm tuổi.

Hàng năm, anh Liêm đã cho xuất xưởng hàng trăm chiếc mõ lớn, nhỏ. Cái nhỏ nhất có đường kính 10 cm. Cái lớn nhất khoảng 0,8 m. Để làm ra một chiếc mõ cao 1 m, đường kính 0,8 m thì phải mất 3 tháng (khoảng 90 công lao động). Chiếc nhỏ nhất 200.000đ/chiếc, lớn nhất là 200 triệu đồng/chiếc. Hoa văn trên chiếc mõ Huế thường là dây lá, cá hóa rồng, thư pháp. Đặc điểm chung của các chiếc mõ đều mang hình đầu cá, quai mõ được chạm khắc hình vảy cá hoặc vảy rồng. Hình tượng “Ngư hóa song Long chầu” trên mõ bắt nguồn từ sự tích đầy thú vị trong đạo Phật: vì muốn người tu Phật, học Phật phải nỗ lực tinh tấn tu hành, sớm thành chánh quả nên mõ được tạc hình con cá, bởi loài cá hoạt động liên tục, không ngơi nghỉ và không bao giờ nhắm mắt. Đó là hạnh nguyện muốn giác ngộ con người vượt ra khỏi vô minh, mê muội. Tu và học để hành đạo giáo huấn chúng sanh. Chính vì thế, tiếng mõ có tác dụng giúp người tụng kinh không bị phân tâm, giữ cho buổi lễ trang nghiêm. Mõ Huế có 2 màu chủ đạo: màu cánh dán và vàng đậm. Góp mặt tại Festival nghề truyền thống Huế năm 2017, sản phẩm mới của anh Liêm là hàng trăm chiếc mõ cỏn con, đường kính 10 cm, trên chạm khắc hình ảnh Huế thu nhỏ: chùa Thiên Mụ, cầu Trường Tiền, sông Hương, núi Ngự… được đông đảo du khách thích thú mua làm quà lưu niệm cho bạn bè, người thân.

Xưởng làm mõ của anh Liêm hiện có 7 nhân công, mỗi người thực hiện một công đoạn khác nhau: sẻ gỗ, ra phôi, hình thành phôi và sau đó là đục rỗng gỗ rồi đưa vào lò sấy, tiếp tục là việc mài láng, đánh bóng, chạm trỗ hoa văn. Cuối cùng là lấy tiếng. Nghệ nhân Lê Thanh Liêm trực tiếp thực hiện khâu quan trọng nhất, quyết định nhất là lấy tiếng, vì tiếng chính là “linh hồn” của chiếc mõ. Anh Liêm cho biết: “Để lấy tiếng của một chiếc mõ, trước hết phải vận dụng hết thảy kinh nghiệm nghề nghiệp, chỉ có “mắt nghề” mới biết, chứ rất khó diễn tả bằng lời. Người mới vào nghề không bao giờ lấy được tiếng. Trước khi lấy tiếng, người thợ phải gột rửa tâm hồn, phải thật sự thân tịnh, tâm an; không để ngoại cảnh quấy rầy, chi phối sẽ làm “lạc” đi cái tiếng mà mình đang cảm nhận. Có khi cả tuần cũng chưa lấy được tiếng ưng ý .Quả thật, khó mà dễ, dễ mà khó. Đó là đặc trưng của nghề làm mõ”.

Tiếng lành đồn xa, từ hình dáng bên ngoài đẹp, bắt mắt, hoa văn chạm khắc trang nhã, phù hợp, đặc biệt là thanh âm nhẹ nhàng, thanh thoát của những chiếc mõ do anh Liêm và các cộng sự của anh làm đã khẳng định chỗ đứng của mình trong các chùa Huế và ở nhiều tỉnh, thành trong cả nước. Không những thế, mõ anh Liêm đã lên máy bay đi đến mọi miền, có mặt ở nhiều quốc gia khác nhau trên thế giới: Ấn Độ, Pháp, Canada, Nhật Bản, Mỹ, Trung Quốc, Lào…

ST

Tệp đính kèm