Cập nhật: 28/02/2018 10:14:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Mỗi năm Vĩnh Phúc có khoảng 520 lễ hội cổ truyền. Nhiều lễ hội tiêu biểu vẫn lưu giữ được nét đẹp văn hóa từ xa xưa. Phần lớn các lễ hội được tổ chức vào mùa xuân hàng năm, tiêu biểu như: Lễ hội Tây Thiên; chọi trâu (xã Hải Lựu- Sông Lô), lễ hội Đền Ngự Dội (xã Vĩnh Ninh - Vĩnh Tường), cướp phết (xã Bàn Giản - Lập Thạch); Bơi Chải (xã Tứ Yên - Sông Lô); bắt chạch trong chum (xã Tứ Trưng - Vĩnh Tường); Lễ hội Đền Thính (xã Tam Hồng - Yên Lạc); Trâu rơm, bò rạ (xã Đại Đồng - Vĩnh Tường); Đúc Bụt (xã Đồng Tĩnh- Tam Dương)…

 

Những năm qua, cùng với đẩy mạnh phát triển mạnh mẽ kinh tế - xã hội, cấp ủy chính quyền và các ngành cùng với người dân trong tỉnh luôn quan tâm chăm lo đến việc giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống nói riêng và nét đặc sắc của lễ hội nói chung.

Các địa phương đã đầu tư nhiều công sức, tiền của để xây dựng, tu bổ, tôn tạo các công trình văn hóa tâm linh như tu tạo lại các đền đình, chùa, các nghĩa trang liệt sĩ, các tượng đài kỷ niệm, các di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh; tổ chức các nghi lễ tri ân các anh hùng dân tộc, các liệt sỹ, đặc biệt là tổ chức lễ hội đầu xuân.

Nhiều nơi biết kết hợp giữa xây dựng các quần thể văn hóa tâm linh với xây dựng các cảnh quan du lịch, thu hút khách thập phương đến chiêm bái; kết hợp tổ chức nhiều lễ hội văn hóa - du lịch rất công phu, ấn tượng. Đó là những việc làm có ý nghĩa tích cực, cao đẹp, có tính giáo dục truyền thống rất cao, được lòng dân, đáp ứng một phần nhu cầu sinh hoạt tâm linh của nhân dân.

Ông Kim Văn Ngoan Quýnh, Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL tỉnh cho biết: “Hoạt động lễ hội chính là những hoạt động văn hóa truyền thống đã được gạn lọc qua nhiều thế hệ còn lại những giá trị văn hóa rất đặc sắc, vừa mang tính văn hóa cộng đồng vừa mang văn hóa tâm linh.

Đây là một loại hình văn hóa truyền thống mang tính tích cực, hướng thiện và nhân văn của con người.

Tuy nhiên, tại các đền, chùa, miếu mạo, khu di tích... vẫn còn hiện tượng lợi dụng lòng tin của đông đảo người dân để trục lợi ( chèo kéo, chặt chém du khách, bói toán, cờ bạc trá hình bằng trò chơi có thưởng). Trong các lễ hội vẫn còn hiện tượng phản văn hóa như: Tranh cướp lễ vật, để thùng công đức quá nhiều; đốt quá nhiều vàng mã; nhiều người tùy tiện vứt rác làm mất vệ sinh môi trường.

Vĩnh Phúc là miền đất có nhiều lễ hội văn hóa độc đáo và phong phú. Phải nhìn lễ hội từ góc độ cái đẹp, mang đậm bản sắc văn hóa thì mới bảo tồn và phát huy giá trị trường tồn của lễ hội".

Để chuẩn bị cho mùa lễ hội 2018 được tổ chức trang trọng, ý nghĩa thể hiện được nét đặc sắc của lễ hội với nội dung phong phú, đậm giá trị văn hóa truyền thống, UBND tỉnh đã có văn bản chỉ đạo các ngành, địa phương về công tác bảo đảm bảo ninh trật tự; ngăn chặn tình trạng lợi dụng lễ hội nâng giá, bắt chẹt khách du lịch.

UBND tỉnh cũng chỉ đạo ngành VH-TT&DL cùng cấp ủy chính quyền các địa phương tổ chức lễ hội đẩy mạnh tuyên truyền về mục đích ý nghĩa của lễ hội để mọi người nâng cao hơn ý thức tự giác giữ gìn vệ sinh môi trường, an ninh trật tự...góp phần giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa lễ hội.

ST

Tệp đính kèm