Với gần 80 làng nghề, trong đó có 19 làng nghề truyền thống, Vĩnh Phúc có tiềm năng rất lớn để phát triển du lịch văn hóa tổng hợp, đưa du khách tới tham quan, cảm nhận các giá trị văn hóa và mua sắm sản phẩm đặc trưng của làng nghề. Tuy nhiên, để du lịch làng nghề thực sự thu hút khách tham quan, người dân tại các làng nghề cần có những kỹ năng cần thiết để vừa phát huy nghề truyền thống, vừa giữ vai trò là hướng dẫn viên du lịch nhằm quảng bá hình ảnh của địa phương mình.
Đây cũng chính là mục tiêu mà lớp đào tạo ngắn hạn hướng dẫn viên du lịch do trường Trung cấp văn hóa nghệ thuật phối hợp với Trung tâm học tập cộng đồng xã Vĩnh Sơn, huyện Vĩnh Tường muốn hướng tới. Học viên của lớp rất đặc biệt, với nhiều độ tuổi khác nhau nhưng họ có một đặc điểm chung là đều sinh ra, lớn lên và gắn bó mật thiết với làng nghề rắn truyền thống.
Tham gia lớp học, các học viên được trang bị những kiến thức cơ bản về cách thức làm du lịch, được trực tiếp thực hành hướng dẫn viên du lịch tại chính những địa điểm đặc biệt của địa phương mình. Vĩnh Sơn nổi tiếng có làng nghề rắn từ rất lâu đời. Toàn xã hiện có 700 hộ nuôi rắn, chiếm gần 80% tổng số hộ, thu nhập từ chăn nuôi rắn chiếm trên 50% tổng doanh thu toàn xã. Không chỉ giỏi trong chăn nuôi và kinh doanh rắn, người dân nơi đây còn muốn hướng tới việc cùng nhau tham gia phát triển làng nghề rắn thành một điểm du lịch nổi tiếng trong và ngoài nước.
Nếu xét về tiềm năng, trong thời gian tới, Vĩnh Sơn có thể trở thành điểm du lịch hấp dẫn du khách bởi những nét đặc trưng riêng mà không phải làng nghề nào cũng có được. Đặc biệt là với những du khách muốn thử “cảm giác mạnh” khi được tận mắt xem những con rắn bành mang, trợn mắt phì ra những tiếng khè khè tạo cho người xem cảm giác vừa sợ hãi vừa hứng thú. Chính vì vậy, việc tận dụng nguồn lao động làng nghề và đào tạo họ trở thành những hướng dẫn viên thực thụ sẽ đem lại hiệu quả lớn trong phát triển du lịch.
Một làng nghề được coi là phát triển du lịch khi thu nhập từ du lịch ít nhất chiếm 25% thu nhập của làng nghề, nhưng hiện nay chưa có làng nghề nào của Vĩnh Phúc làm được như vậy. Ngoài sự định hướng, quy hoạch của chính quyền địa phương, cần có sự tham gia tích cực của cộng đồng dân cư tại làng nghề vào quá trình hoạt động du lịch, để hình ảnh con người và làng nghề Vĩnh Phúc đến với đông đảo du khách trong và ngoài nước./.
ST