Cập nhật: 14/03/2018 10:28:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Cuộc nội chiến ở Syria sắp bước sang năm thứ 8 nhưng vẫn chưa có hồi kết khi các cuộc giao tranh vẫn không ngừng diễn ra ở quốc gia Trung Đông này.

Ngày 15/3/2018 sẽ đánh dấu tròn 7 năm nổ ra cuộc nội chiến ở Syria, cuộc xung đột chưa có hồi kết này đã lấy đi sinh mạng của hàng trăm nghìn người, khiến hàng triệu người mất nhà ở, tàn phá quốc gia Trung Đông này trên nhiều phương diện. Ngay cả khi tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) gần như đã bị đánh bại, các cuộc giao tranh vẫn còn diễn ra ở một số khu vực.

Cuộc nội chiến ở Syria sắp bước sang năm thứ 8 nhưng vẫn chưa có hồi kết khi các cuộc giao tranh vẫn không ngừng diễn ra ở quốc gia Trung Đông này. Ảnh: New York Times

Theo hãng tin Reuters của Anh, Tổ chức Giám sát Nhân quyền Syria (SOHR) ngày 12/3 công bố báo cáo cho biết cuộc xung đột bùng phát tại Syria từ ngày 15/3/2011 đến nay đã cướp đi sinh mạng của 511.000 người.

Báo cáo của SOHR có trụ sở ở London (Anh) được tập hợp dựa trên một mạng lưới thống kê cho biết trong khoảng 511.000 người thiệt mạng, có hơn 350.000 người đã được xác định danh tính, trong đó có hơn 106.000 dân thường. Cũng theo báo cáo số trẻ em thiệt mạng trong cuộc xung đột kéo dài tại Syria là hơn 19.800 trẻ em.

Báo cáo công bố ngày 10/7/2017 của Ngân hàng Thế giới (WB) cuộc nội chiến kéo dài 6 năm qua tại Syria đã tàn phá hệ thống cơ sở hạ tầng tại nước này và gây thiệt hại kinh tế ước tính lên đến 226 tỷ USD.

Báo cáo nêu rõ xung đột tại Syria đã gây thiệt hại lớn cho nền kinh tế ước tính lên đến 226 tỷ USD, gấp 4 lần Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) nước này trong năm 2010 – thời điểm chưa xảy ra cuộc nội chiến. Ngoài ra, cuộc xung đột cũng đã phá hủy và làm hư hại khoảng 27% các tòa nhà và khoảng một nửa công trình giáo dục và y tế. Thống kê dựa vào những hình ảnh vệ tinh tại một số thành phố và khu vực đang diễn ra giao tranh ác liệt tại Syria.

Đó là con số của 6 năm, và chắc chắn những con số của 7 năm nội chiến dai dẳng sẽ còn “thê thảm” hơn thế.

Một Syria “hoang tàn đổ nát”

Phát biểu với Sputnik, bà Jana Nakhal, thành viên Đảng Cộng sản Lebanon, đồng thời là trợ giảng tại Đại học Mỹ ở Beirut, người vừa kết thúc chuyến đi tới một số vùng chiến ở Syria cho biết, phải tới tận nơi mới thấy Syria đã bị tàn phá như thế nào sau 7 năm nội chiến.

 “Chúng tôi đã đi dọc từ Bắc xuống Nam, qua miền Tây Syria. Tôi đã sống trong cuộc nội chiến kéo dài nhiều năm của Lebanon và những gì diễn ra ở Syria rất giống những gì chúng tôi đã trải qua: sự tàn phá và sự hoang tàn. Những dặm đường mà chúng tôi đi qua là những dặm đường hoang vắng do người dân vẫn chưa trở lại vì chiến tranh vẫn còn tiếp diễn”, bà Nakhal cho biết.

Bà Nakhal nói rằng, không chỉ có những vùng đất bị phá hủy, mà còn cả những mối quan hệ xã hội, các mối quan hệ giữa con người với con người. Một trong những điều quan trọng nhất là quan hệ của người Kurd với Arab, có một sự thiếu niềm tin lớn giữa các cộng đồng người khác nhau.

“Lái xe xuyên qua Syria, bạn sẽ còn thấy thiếu cả niềm hy vọng. Mọi người không thể nói về ngày mai ở Syria, vì ngay cả khi khu vực mà họ đang sống không còn các cuộc giao tranh, thì nó vẫn có thể bùng phát trở lại bất cứ lúc nào. Nếu không phải là hòa bình thực sự ở Syria, thì sẽ không có bất cứ giải pháp nào, dù là giải pháp chính trị, xã hội hay kinh tế cho mảnh đất này”, bà Nakhal nói.

Ông Massoud Shadjareh, người sáng lập Ủy ban Nhân quyền Hồi giáo - một tổ chức phi lợi nhuận có trụ sở ở London, Anh, cho rằng, cuộc nội chiến ở Syria thực tế là do phương Tây làm dấy lên để đạt được mục đích của họ.

“Tôi nghĩ cuộc nội chiến này là công cụ để phá hủy và xóa bỏ toàn bộ đất nước Syria. Không chỉ là các tòa nhà, không chỉ cuộc sống con người, kết cấu xã hội, các mối quan hệ giữa con người hay các thành phần khác nhau của cộng đồng, mà nó là sự hủy hoại tổng thể”, ông Shadjareh nói.

Ông nhận định: “Bắt đầu là Iraq. Các nước phương Tây phá hủy kho vũ khí hủy diệt hàng loạt của Iraq, và sau đó họ hủy hoại toàn bộ đất nước này. Cho tới nay, vẫn có hàng nghìn người vô tội phải thiệt mạng. Sau đó kịch bản tương tự này lại được sử dụng ở Libya”.

Phương Tây luôn lấy cớ để can thiệp vào các nước Trung Đông, Bắc Phi. Họ muốn “thủ tiêu” một số thành phần nhất định ở Trung Đông và những nước kiên quyết không muốn cùng phe với phương Tây. Họ muốn tàn phá tới chừng nào “không còn gì”. Tất nhiên, “chiêu bài” này cũng được sử dụng ở Syria. Nhưng tình hình ở Syria không giống như Iraq và Libya, cho tới nay, Syria vẫn còn một chính phủ độc lập.

Cuộc nội chiến ở Syria trở thành cuộc chiến ủy nhiệm với nhiều bên từ nước ngoài. Không ai trả lời được cuộc nội chiến sẽ kéo dài bao lâu, nhưng nó càng kéo dài, thì sẽ không có ai là người thắng cuộc và bên phải chịu tổn thất nặng nề nhất chính là người dân Syria, đặc biệt là các thế hệ tương lai của quốc gia Trung Đông này.

 

Theo Thùy Linh/VOV.VN

Tệp đính kèm