Mùi thơm của gạo nếp cái hoa vàng, lạc, gừng được chọn lọc kỹ quyện với vị ngọt thanh từ đường mía đã tạo nên hương vị riêng của bánh gạo rang xã Tiên Lữ (Lập Thạch). Vì vậy, ai đã từng thưởng thức món bánh này khó có thể quên hương vị đặc trưng đó.
Đôi bàn tay khéo léo của người dân xã Tiên Lữ (Lập Thạch) đã làm ra sản phẩm bánh gạo rang, món quà quê được nhiều người ưa thích.
Ở vùng quê chiêm trũng Tiên Lữ, ngoài món cá thính, bánh gạo rang còn là một trong những đặc sản nổi tiếng được nhiều người biết đến. Ông Đào Quang Hà, Phó Chủ tịch UBND xã Tiên Lữ cho biết: “Bánh gạo rang Tiên Lữ đã có từ rất lâu. Các cụ cao niên trong làng kể lại, từ thời xa xưa, người dân nơi đây làm bánh gạo rang vào mỗi dịp lễ, Tết hay làm quà biếu những vị khách quý của gia đình.
Đóng gói sản phẩm
Cứ thế truyền từ thế hệ này đến thế hệ khác và cho đến nay, người dân xã Tiên Lữ coi đây là một món ăn không thể thiếu mỗi dịp lễ, Tết. Nguyên liệu làm món bánh gạo rang đúng hương vị cổ truyền phải có gạo nếp cái hoa vàng, quả dành dành, mật mía, mỡ lợn, lạc, gừng tươi. Nếu lỡ để sót hạt lạc mốc hay mật mía không đúng chuẩn coi như hỏng cả mẻ bánh, vì vậy, đòi hỏi người làm bánh phải rất tỉ mỉ".
Để hiểu hơn về quy trình làm bánh gạo rang, chúng tôi tìm đến nhà bà Trần Ngọc Lan, thôn Mới, là một trong số ít hộ dân còn duy trì và phát triển nghề làm bánh gạo rang bán ra thị trường.
Mặc dù, đã được đồng chí Phó Chủ tịch UBND xã giới thiệu về quy trình làm bánh, nhưng khi trực tiếp chứng kiến, chúng tôi mới thấy hết sự khéo léo của người dân nơi đây.
Từ khâu chọn nguyên liệu họ đã rất cẩn thận: Gạo phải loại nếp cái hoa vàng, quả dành dành không được non hoặc quá già để khi sát quả với nước tạo ra màu vàng tươi, sau đó, ngâm với gạo nếp từ 1 - 3 tiếng tạo màu và độ nở cho bánh.
Mật mía lấy ở Sơn Dương (Tuyên Quang), loại mật chưa bị lắng đường; ngoài ra, vừng, lạc, gừng cũng được chọn lọc kỹ. Để món bánh gạo rang thơm ngon, quy trình chế biến cũng công phu, đòi hỏi người làm phải có kinh nghiệm.
Bà Lan chia sẻ: "Gạo sau khi ngâm với quả dành dành sẽ có màu vàng nâu, để ráo nước và đem đồ thành xôi chín, rồi dàn mỏng, lấy vồ đã thoa mỡ lợn đập đều tay, liên tục sao cho các hạt xôi không bị dính vào nhau, sau đó đem phơi khô.
Khi các hạt xôi săn chắc mới đem rang trên chảo gang thành bỏng, sau đó, đổ mật mía, lạc, gừng đã nấu kết dẻo vào chảo đảo đều tay trên bếp lửa nhỏ đến khi mật mía và xôi rang phồng quyện đều vào nhau, sau đó, đem đi đổ khuôn tạo hình, cho vào túi nilon, bảo quản nơi thoáng mát, sạch sẽ".
Ngày nay, bánh gạo rang được làm quanh năm và trở thành mặt hàng được nhiều người trong và ngoài tỉnh ưa chuộng. Chị Nguyễn Thị Thủy, quê Lạng Sơn cho biết: "Năm 2016, tôi có dịp đi qua xã Tiên Lữ, được mọi người mời thưởng thức bánh gạo rang, tôi đã thích món ăn này ngay từ lần đầu và không thể quên được hương vị đặc trưng của nó.
Từ đó, tôi quyết định kinh doanh, giới thiệu bánh gạo rang Tiên Lữ đến với người dân Lạng Sơn và mọi người nhiệt tình đón nhận, từ người già đến trẻ nhỏ đều thích ăn, Hiện nay, mỗi tháng tôi tiêu thụ khoảng 100 - 150kg bánh gạo phân phối cho các cửa hàng bánh kẹo, tạp hóa ở thành phố Lạng Sơn và một số huyện lân cận trong tỉnh".
Nhận thấy tiềm năng có thể phát triển món bánh gạo rang thành sản phẩm hàng hóa cung cấp ra thị trường, năm 2017, Hội LHPN xã Tiên Lữ đã thành lập Tổ liên kết sản xuất bánh gạo rang nhằm liên kết các hộ sản xuất trên địa bàn hỗ trợ nhau về kỹ thuật sản xuất, vốn và quảng bá sản phẩm của địa phương ra các tỉnh, thành trong cả nước, giúp người dân mở rộng thị trường, quy mô sản xuất, nâng cao thu nhập cho gia đình.
Chị Đỗ Thị Thanh, Chủ tịch Hội LHPN xã Tiên Lữ cho biết: "Hiện nay, Tổ liên kết sản xuất bánh gạo rang đã có hơn 10 gia đình tham gia, bước đầu giới thiệu sản phẩm ra các tỉnh lân cận, được khách hàng đánh giá cao về chất lượng và độ an toàn của sản phẩm.
Tuy nhiên, hầu hết các hộ còn sản xuất bằng phương pháp thủ công, chưa có vốn đầu tư trang thiết bị hiện đại vào sản xuất. Vì vậy, thời gian tới, chúng tôi đề nghị với UBND xã tạo điều kiện ưu tiên người dân vay vốn ưu đãi từ Ngân hàng CSXH để đầu tư, phát triển sản xuất, tiến tới xây dựng thương hiệu bánh gạo rang Tiên Lữ".
ST