Vùng đất Nghĩa Đô, Bảo Yên không chỉ nổi tiếng bởi phong cảnh nên thơ, nét văn hóa đặc sắc cùng nhiều món ăn truyền thống độc đáo mà còn bởi những sản phẩm thổ cẩm đầy màu sắc, trong đó có chăn len. Sự khéo léo, tỉ mỉ, tinh tế của phụ nữ Tày Nghĩa Đô được thể hiện rõ nhất trong sản phẩm đặc sắc này.
Phụ nữ Tày Nghĩa Đô giữ nghề dệt chăn truyền thống.
Chẳng ai nhớ nghề dệt chăn thổ cẩm có từ bao giờ, chỉ biết từ nhỏ, mọi người đã thấy các bà, các mẹ ngày ngày cần mẫn bên khung cửi. Việc dệt chăn của người Tày đòi hỏi sự kiên nhẫn nên chủ yếu do phụ nữ đảm nhận. Trước đây, sản phẩm làm ra không mang tính hàng hóa, chỉ phục vụ nhu cầu sử dụng trong gia đình. Do đó, công việc dệt vải thường được phụ nữ Tày thực hiện sau khi đã làm xong việc đồng áng, hoặc tận dụng khoảng thời gian nhàn rỗi vào buổi trưa hay ban đêm.
Tới thăm nhà chị Nguyễn Thị San ở xã Nghĩa Đô, huyện Bảo Yên, chắc chắn mọi người sẽ cảm thấy thích thú trước những tấm chăn sặc sỡ được trang trí khắp các gian nhà sàn. Chị San cho biết: Một thời gian dài, trong xã chỉ còn vài người thành thạo công việc này, một phần vì công việc đồng áng bận rộn, phần vì việc làm chăn khá vất vả, phải trải qua rất nhiều công đoạn và thời gian, nên dần dần bị mai một. Nhận thấy điều đó, chị San đã đưa ra ý kiến thành lập câu lạc bộ sản xuất chăn len để gìn giữ nghề truyền thống của dân tộc mình. Ý tưởng của chị nhận được sự ủng hộ rất lớn từ chính quyền xã. Từ đó, Câu lạc bộ dệt chăn len truyền thống ra đời, với 20 chị em thành thạo nghề tham gia.
Để làm được tấm chăn truyền thống như trước kia, đòi hỏi rất nhiều thời gian và công đoạn. Từ việc vào rừng kiếm cây lanh đem phơi khô rồi tách lấy vỏ, sao cho vỏ cây mảnh đều nhau và không bị đứt. Những bó vỏ được cuộn chặt rồi cho vào cối giã, đánh bong hết bột chỉ, để trơ lại sợi dai, sau đó tách thành những sợi dài, mảnh. Qua vài lần luộc nước tro bếp, sợi cây trắng và mềm hơn, lúc này mới đưa vào dệt. Khác một số dân tộc, họ sử dụng nguyên liệu chủ yếu là sợi lanh để dệt, người Tày ở Nghĩa Đô chỉ dùng lanh làm phần viền chăn, còn phần chính - mặt chăn và cũng là phần quan trọng nhất sẽ sử dụng tơ tằm, được dệt riêng theo cỡ khung cửi, mỗi tấm rộng khoảng 40 cm và dài khoảng 1,5 m. Chất liệu tơ tằm có ưu điểm ấm vào mùa đông nhưng lại mát vào mùa hè, nên có thể sử dụng được nhiều thời gian trong năm.
Ngày nay, nguyên liệu len có sẵn, bà con dần chuyển sang dệt chăn len với màu sắc đa dạng, bắt mắt mà chỉ mất thời gian khoảng 1 tuần. Trước kia không có phẩm màu công nghiệp, chủ yếu lấy chất liệu từ các loại cây cỏ trong tự nhiên, do đó màu sắc không được sáng như các loại len màu hiện nay. Họa tiết trên mặt chăn truyền thống của phụ nữ Tày cũng rất đa dạng, nếu biết cách bố trí hài hòa sẽ cho màu sắc tương phản cân đối, nâng tính thẩm mỹ cho tấm chăn. Các họa tiết gắn liền với cuộc sống lao động hằng ngày của đồng bào Tày. Hình tượng cây, hoa, con vật... được chị em cách điệu đưa lên tấm chăn của mình thông qua chiếc khung cửi truyền thống, để khi hoàn thành, nó không chỉ là một vật dụng thông thường, mà còn mang tính thẩm mỹ, nghệ thuật cao.
Tiếng lách cách thoi đưa, cùng đôi bàn tay khéo léo của những phụ nữ Tày đã giúp nghề dệt chăn truyền thống của đồng bào Tày lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác./.
ST