Kiểm soát dịch bệnh ngay tại cửa khẩu; tăng cường giám sát, phát hiện sớm các bệnh dịch nguy hiểm, các ổ dịch tại cộng đồng; nâng cao tỷ lệ tiêm chủng, đẩy sớm lịch tiêm chủng vaccine sởi… là các giải pháp ngành y tế đang thực hiện để phòng, chống các dịch bệnh mùa hè.
Phun thuốc diệt muỗi, bọ gậy
Phát hiện ca nhiễm cúm A/H7N4 đầu tiên trên thế giới
Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, theo thông tin từ WHO, Cơ quan đầu mối thực hiện Điều lệ Y tế quốc tế quốc gia và các nguồn thông tin khác, một số bệnh truyền nhiễm nguy hiểm và mới nổi trên thế giới đang diễn biến phức tạp.
Cụ thể, về cúm A/H7N4, Bộ Y tế Trung Quốc thông báo đã ghi nhận trường hợp mắc cúm A/H7N4 ở người với biểu hiện viêm phổi nặng. Đây là trường hợp mắc cúm A/H7N4 đầu tiên trên thế giới.
Kết quả giải trình tự gene cho thấy virus có nguồn gốc từ virus cúm gia cầm. Xét nghiệm các trường hợp tiếp xúc với bệnh nhân không phát hiện trường hợp nào dương tính với cúm A/H7N4.
Bệnh sởi tại Philippines đang có xu hướng gia tăng: Trong tháng 1 ghi nhận 877 trường hợp mắc sởi, cao gấp 3 lần so với cùng kỳ năm 2017, trong đó có 12 trường hợp tử vong.
Ngoài ra, bệnh do virus MERS-CoV đang gia tăng ở Ả rập Xê út, khiến 24 người tử vong; sốt vàng tiếp tục diễn biến phức tạp tại Brazil, làm 154 người chết; 1.081 người mắc bệnh do virus Lassa tại Nigeria, trong đó 90 trường hợp tử vong…
Dịch bệnh trong nước vào mùa ‘nóng’
Tại Hội nghị tăng cường công tác phòng chống bệnh sốt xuất huyết (SXH) và các dịch bệnh mùa hè năm 2018 do Bộ Y tế tổ chức tại Đà Nẵng ngày 21/3, lãnh đạo Cục Y tế dự phòng cho biết, SXH liên tục gia tăng về phạm vi và số lượng người mắc bệnh qua từng năm tại nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó khu vực Đông Nam Á chịu ảnh hưởng nặng nề. WHO đánh giá SXH là vấn đề y tế công cộng nan giải trên toàn cầu.
Tại Việt Nam, bệnh SXH đã giảm trong những năm gần đây; tỷ lệ mắc và tỷ lệ tử vong thấp nhất so với các quốc gia trong khu vực… tuy vậy, hằng năm vẫn ghi nhận trung bình 50.000-100.000 trường hợp mắc, 50-100 trường hợp tử vong.
Mặc dù từ đầu năm đến nay số ca mắc SXH trên toàn quốc giảm khá nhiều (36%) so với cùng kỳ năm trước, nhưng theo Cục Y tế dự phòng, nếu không thực hiện quyết liệt các biện pháp phòng, chống, thì căn bệnh này có thể diễn biến phức tạp và có nguy cơ gia tăng số mắc trong thời gian tới.
Ngoài SXH, các dịch bệnh hay gặp trong mùa hè như tay chân miệng, cúm, viêm não Nhật Bản, đau mắt đỏ, thủy đậu, liên cầu lợn, tiêu chảy, tả, lỵ… có thể lây lan nếu người dân không nâng cao ý thức phòng ngừa.
Tiêm vaccine là biện pháp tốt nhất để phòng ngừa các bệnh truyền nhiễm
Không thể lơ là phòng dịch
Trước tình hình dịch bệnh truyền nhiễm tiếp tục diễn biến phức tạp trên thế giới, để chủ động phát hiện, ngăn chặn trường hợp nghi ngờ mắc bệnh truyền nhiễm xâm nhập vào Việt Nam, Bộ Y tế chỉ đạo các trung tâm kiểm dịch y tế quốc tế, trung tâm kiểm soát bệnh tật/trung tâm y tế dự phòng các tỉnh, thành phố có hoạt động kiểm dịch y tế tăng cường thực hiện việc kiểm dịch đối với người, phương tiện và hàng hóa vận chuyển qua cửa khẩu, phát hiện sớm, cách ly và xử lý kịp thời các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh truyền nhiễm.
Đồng thời phối hợp chặt chẽ với các đơn vị liên quan tăng cường việc giám sát bệnh truyền nhiễm, côn trùng truyền bệnh tại các khu vực cửa khẩu và chủ động triển khai các biện pháp phòng chống dịch bệnh.
Cục Y tế dự phòng tiếp tục phối hợp chặt chẽ với tổ chức quốc tế, các đơn vị liên quan từ các quốc gia để giám sát tình hình dịch bệnh trên thế giới và kịp thời thông báo cho các đơn vị liên quan trong nước để triển khai các hoạt động phòng chống dịch một cách phù hợp, hiệu quả, ngăn ngừa mầm bệnh truyền nhiễm xâm nhập vào nước ta.
Đối với dịch bệnh trong nước, để tăng cường các hoạt động phòng chống dịch bệnh, Bộ Y tế đề nghị các đơn vị tập trung triển khai một số giải pháp như nâng cao vai trò trách nhiệm của chính quyền các cấp, các bộ, ban, ngành đoàn thể. Tăng cường công tác truyền thông nâng cao nhận thức của cộng đồng và thực hành các biện pháp vệ sinh phòng chống dịch bệnh.
Tăng cường giám sát, phát hiện sớm các bệnh dịch nguy hiểm, các ổ dịch tại cộng đồng, xử lý kịp thời, hiệu quả. Nâng cao tỷ lệ tiêm chủng, đạt ít nhất 95% quy mô xã, phường.
Sẵn sàng thu dung, cấp cứu, điều trị bệnh nhân, hạn chế đến mức thấp nhất tỷ lệ tử vong. Tập huấn nâng cao năng lực các tuyến về giám sát, đáp ứng, điều trị. Đồng thời đảm bảo hậu cần cho công tác phòng chống dịch.
Sẽ đẩy sớm lịch tiêm chủng vaccine sởi
Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, một số dịch bệnh như SXH, hay các dịch bệnh mùa hè, ngành y tế cần đánh giá tình hình, đưa ra dự báo chính xác nhất.
Ông Nguyễn Thanh Long cũng đề nghị Cục Y tế dự phòng, Chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia và chương trình tiêm chủng nói chung phải đảm bảo bao phủ vaccine với người lớn, đặc biệt tập trung cho các bà mẹ trong tuổi sinh đẻ về các bệnh sởi, ho gà, bạch hầu...
Bộ Y tế cũng đã chỉ đạo nghiên cứu vaccine sởi để tiêm sớm hơn. “Bình thường, trẻ 9 tháng mới tiêm vaccine sởi, nhưng nay có nhiều trẻ mới 6-9 tháng đã mắc, nên sẽ đẩy việc tiêm phòng bệnh này lên sớm hơn”, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long nói.
Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương Trần Như Dương nhấn mạnh: Mọi người đều có thể mắc các bệnh truyền nhiễm vào mùa hè, nhưng trẻ em là đối tượng dễ bị nhiễm bệnh và lây lan. Vì vậy, công tác phòng chống dịch cho trẻ cần phải được chủ động thực hiện tốt tại cả gia đình và trường học. Nhà trường cần liên hệ, phối hợp tốt với phụ huynh trong việc giám sát, theo dõi sức khỏe trẻ nhỏ.
Theo Hà An/Chinhphu.vn