Khi sử dụng thuốc hạ mỡ máu không đồng nghĩa với việc bạn có thể ăn bất cứ thứ gì rồi uống thuốc là xong. Dưới đây là 9 nguyên tắc về dinh dưỡng cần ghi nhớ nếu bạn đang phải sử dụng các thuốc nhóm statin.
Khi sử dụng thuốc hạ mỡ máu không đồng nghĩa với việc bạn có thể ăn bất cứ thứ gì rồi uống thuốc là xong. Dưới đây là 9 nguyên tắc về dinh dưỡng cần ghi nhớ nếu bạn đang phải sử dụng các thuốc nhóm statin.
Khi nồng độ cholesterol máu của bạn tăng đến ngưỡng nguy hiểm, bác sỹ sẽ kê cho bạn những loại thuốc hạ lipid máu nhóm statin. Trên thực tế, khoảng 28% những người trên 40 tuổi hiện đang phải sử dụng loại thuốc này.
Hãy lựa chọn chế độ dinh dưỡng kiểu Địa Trung Hải
Theo giáo sư Erin Michos thuộc Đại học y Johns Hopkins, việc thêm hay bớt một thực phẩm nào đó trong chế độ ăn sẽ không ảnh hưởng nhiều đến nồng độ cholesterol máu, nếu thay đổi hoàn toàn chế độ dinh dưỡng thì hoàn toàn có thể.
Giáo sư Michos cũng khuyến khích việc áp dụng chế độ dinh dưỡng kiểu Địa Trung Hải bao gồm đa số là các loại rau, quả, ngũ cốc nguyên cám, dầu olive, các loại quả hạch, đậu đỗ và cá.
Chế độ dinh dưỡng này đã được chứng minh là có tác dụng giảm mỡ máu và nguy cơ mắc các bệnh tim mạch - Thậm chí nó có thể giúp giảm nguy cơ tim mạch tới 30% theo một nghiên cứu trên tạp chí New England Journal of Medicine.
Lựa chọn chế độ ăn “Low carb”
Khi thay thế chất béo trong chế độ ăn bằng quá nhiều các loại carb tinh chế và đường, người bệnh sẽ rất dễ bị thừa cân, béo phì, tiểu đường và tăng nồng độ triglyceride máu.
Trên thực tế, một nghiên cứu đăng trên tạp chí New England Journal of Medicine đã chỉ ra rằng những người lựa chọn chế độ Low carb bao gồm các chất béo bão hòa sẽ giảm gần như gấp đôi số cân nặng so với những người áp dụng chế độ ăn ít chất béo và hạn chế năng lượng, trong khi vẫn duy trì ổn định được cholesterol máu.
Hạn chế các loại bánh ngọt và có thể cả sữa chua
Bạn đã biết rằng những loại bánh ngọt chứa nhiều đường là kẻ thù cho sức khỏe của bạn, nhưng cũng hãy cẩn thận với những loại thực phẩm cũng chứa đường như sữa chua có đường, trái cây khô, granola và đồ uống có đường khác.
Các nhà khoa học thuộc đại học Emory đã chứng minh tiêu thụ quá nhiều đường trong thực phẩm có thể tăng gấp ba lần nguy cơ giảm cholesterol có lợi HDL, trong khi những người sử dụng ít đường nhất có mức nồng độ HDL cao nhất và triglyceride thấp nhất.
Tránh ăn bưởi chùm
Ăn bưởi hay uống nước ép bưởi đều có thể ảnh hưởng đến chuyển hóa của thuốc hạ mỡ máu. Nguyên nhân là do hợp chất furanocoumarin được tìm thấy trong quả bưởi chùm có thể ức chế enzyme chuyển hóa thuốc ở gan, làm tăng nồng độ các statin trong máu và có thể gây ngộ độc.
Tuy nhiên, nếu bạn không đang dùng các thuốc hạ mỡ máu thì bưởi chùm lại là một thực phẩm khá tốt cho sức khỏe. Trong một nghiên cứu đăng trên tạp chí Journal of Agriculture and Food Chemistry, những người ăn một trái bưởi chùm ngày có nồng độ cholesterol xấu giảm tới 15.5%.
Hạn chế bữa ăn nhiều mỡ nhưng không nên bỏ bữa sáng
Bữa sáng được coi là bữa ăn quan trọng nhất trong một ngày. Bỏ bữa sáng có thể làm tăng nồng độ cholesterol máu, một nghiên cứu của Đại học y tế công cộng Harvard đã chỉ ra rằng nam giới thường xuyên bỏ qua bữa sáng sẽ có tỷ lệ bị đau tim và tử vong do các bệnh tim mạch cao hơn tới 27%.
Bạn cũng đừng lựa chọn những thực phẩm như thịt hun khói hay xúc xích và tốt nhất là hạn chế tối đa những thực phẩm chế biến sẵn. Tuy nhiên, một quả trứng một ngày thì vẫn có thể được. Các nhà khoa học nhận thấy rằng ăn một quả trứng một ngày không hề làm tăng nguy cơ mắc các bệnh tim mạch.
Chỉ nên uống 1-2 ly rượu chứ không nên uống cả chai
Bạn không cần thiết phải từ bỏ hoàn toàn thói quen uống 1-2 ly rượu khai vị vào bữa tối. Theo giáo sư Michos, tiêu thụ rượu ở mức độ vừa phải có thể làm tăng nồng độ cholesterol tốt HDL, nhưng quá nhiều rượu lại có thể gây hại cho tim và gan.
Nên hạn chế uống những loại đồ uống chứa nhiều đường và chứa chất màu nhân tạo nếu bạn có mức nồng độ triglyceride máu cao.
Loại bỏ các chất béo chuyển hóa nhưng không nên cắt giảm toàn bộ chất béo
Chất béo đối với những người có mỡ máu cao là kẻ thù số một, nhưng điều đó không có nghĩa là bạn cần tránh ăn tất cả các loại chất béo.
Bạn chỉ nên nói không với các loại chất béo chuyển hóa (chứa nhiều trong các loại bánh quy, kem cà phê, pizza…), các chất béo bão hòa nếu tiêu thụ với mức độ vừa phải vẫn có thể chấp nhận được, tuy nhiên các chất béo tốt nhất cho người mỡ máu cao vẫn là từ các loại hạt, quả hạch, dầu olive, trái bơ và cá.
Thậm chí các chất béo này còn có thể giúp cải thiện nồng độ cholesterol máu và làm giảm nồng độ triglyceride. Nói như vậy nhưng người bệnh vẫn cần theo dõi chặt chẽ tổng lượng calo nạp vào cơ thể để kiểm soát tốt được mức cholesterol máu ngay cả đó là các chất béo có lợi.
Nên duy trì thói quen ăn tráng miệng bằng sô cô la đen
Những tín đồ của sô cô la có thể vui mừng khi biết rằng: Sô cô la đen là một thực phẩm rất có lợi cho tim mạch.
Theo một nghiên cứu của các nhà khoa học thuộc Đại học bang San Diego, những người tham gia được phát cho hoặc là một thanh sô cô la đen (chứa 70% ca cao) hoặc là một thanh sô cô la trắng (0% ca cao) một ngày, kết quả cho thấy những đối tượng tiêu thụ sô cô la đen có nồng độ cholesterol xấu giảm tới 20% và nồng độ cholesterol tốt tăng lên 20%.
Nguyên nhân có thể là do trong sô cô la đen chứa rất nhiều flavonoid, một chất chống oxy hóa có thể tăng cường sức khỏe tim mạch. Do vậy, lời khuyên cho những người có cholesterol máu cao là nên ăn những loại sô cô la đen có hàm lượng ca cao trên 70%.
Bạn vẫn có thể ăn pho mát
Theo một nghiên cứu của các nhà khoa học Đan Mạch, khi cho những người tham gia nghiên cứu tiêu thụ khoảng 140 gram pho mát mỗi ngày trong vòng 6 tuần, ngay cả khi lượng chất béo họ nạp vào cơ thể nhiều hơn bình thường thì nồng độ cholesterol xấu LDL vẫn không có dấu hiệu tăng vọt. Tuy nhiên, đây không phải là lý do để bạn thoải mái ăn bao nhiêu pho mát tùy thích. Tốt nhất là chỉ nên tiêu thụ tối đa khoảng 30 gram pho mát một ngày để không bị nạp quá nhiều calo cho cơ thể.
DS. Hồng Khánh - Viện y học ứng dụng Việt Nam
Theo suckhoedoisong.vn