Nằm trong “vành nôi văn minh lúa nước sông Hồng”, Nam Ðịnh là nơi hội tụ nhiều yếu tố để đẩy mạnh "ngành công nghiệp không khói", song du lịch thành Nam vẫn chưa phát triển tương xứng với tiềm năng. Một trong những nguyên nhân chủ yếu là việc thiếu các sản phẩm du lịch hấp dẫn, mang tính đặc thù.
Một tiết mục biểu diễn tại Lễ hội phủ Dầy.
Sở hữu 1.330 di tích lịch sử văn hóa, trong đó có nhiều quần thể di tích có giá trị lịch sử, văn hóa như: Ðền Trần, phủ Dầy, chùa Cổ Lễ, chùa Keo Hành Thiện, các làng nghề truyền thống…; hệ thống hơn 400 nhà thờ Công giáo mang kiến trúc độc đáo cùng kho tàng di sản văn hóa phi vật thể phong phú như: hát chèo, hát văn, múa rối nước, hội chợ Viềng, lễ hội đền Trần…; Nam Ðịnh là mảnh đất có nguồn tài nguyên tự nhiên và nhân văn dồi dào, đa dạng để tổ chức các loại hình du lịch mang tính cạnh tranh là du lịch văn hóa, du lịch sinh thái. Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 xác định Nam Ðịnh là một trong những trung tâm du lịch trên tuyến quốc lộ 10, là điểm đến quan trọng trong hành lang phát triển du lịch vùng ven biển Bắc Bộ.
Từ năm 2000 đến nay, lượng khách đến các điểm tham quan của tỉnh đạt mức tăng bình quân 10,6%/năm, năm 2017 ước đạt 2,25 triệu lượt khách. Thu nhập từ du lịch tăng bình quân 19%/năm. Tuy nhiên, theo Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nam Ðịnh Khúc Mạnh Kiên, mức tăng trưởng này đang có xu hướng chững lại. Ngoài hạn chế về điều kiện hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật, chất lượng dịch vụ, nguồn nhân lực; nguyên nhân chủ yếu là do sản phẩm du lịch của tỉnh còn nghèo nàn, đơn điệu, phần lớn vẫn chỉ khai thác ở dạng tự nhiên mà chưa được đầu tư nâng cấp chất lượng hoàn chỉnh để tăng sức hấp dẫn.
Một số sản phẩm du lịch trước đây thu hút đông khách như du lịch tâm linh, lễ hội đã có biểu hiện bão hòa, trong khi du lịch biển có tính cạnh tranh thấp. Khả năng liên kết giữa du lịch của Nam Ðịnh với các tỉnh đồng bằng sông Hồng và các tỉnh phía bắc để hình thành tua, tuyến vẫn còn hạn chế, rời rạc nên chưa tạo được tính hấp dẫn chung. Thực trạng này đặt ra yêu cầu cấp thiết cần xây dựng, định vị thương hiệu du lịch Nam Ðịnh thông qua những sản phẩm độc đáo, mang tính đặc thù.
Xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù là việc tạo ra những trải nghiệm mới, khác lạ cho du khách dựa vào nguồn lực riêng, tiềm năng, thế mạnh cũng như những bất lợi, khó khăn của mỗi địa phương. Trên cơ sở đó, các chuyên gia xác định: Du lịch tâm linh và sinh thái cộng đồng là hai loại hình đặc thù Nam Ðịnh cần tập trung đẩy mạnh phát triển trong bối cảnh hiện nay.
TS Phạm Lê Thảo, Phó Vụ trưởng Lữ hành, Tổng cục Du lịch cho rằng: Du lịch tâm linh có thể coi là sản phẩm nổi bật nhất của Nam Ðịnh bởi đây là vùng đất có bề dày văn hóa gắn với truyền thống tôn giáo, tín ngưỡng. Ðáng chú ý, sau khi Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu tam phủ của người Việt được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, khả năng thu hút khách quốc tế tới phủ Dầy của Nam Ðịnh và các điểm gắn liền với di sản này đã tăng lên đáng kể. Tuy nhiên loại hình du lịch này mới chỉ dừng ở việc tổ chức hành hương, chiêm bái, tham quan điểm đến gắn với yếu tố tâm linh mà chưa tạo được những trải nghiệm, thiếu hấp dẫn và điểm nhấn riêng. Nam Ðịnh cần kết hợp hài hòa các giá trị tôn giáo, tín ngưỡng làm yếu tố cơ bản để tạo nét riêng cho du lịch tâm linh, mang lại những trải nghiệm văn hóa sâu sắc cho du khách.
TS Phạm Hồng Long, Trưởng khoa Du lịch, Trường đại học Khoa học xã hội và Nhân văn Hà Nội gợi ý: Ðối với khách du lịch trong nước, sản phẩm du lịch tâm linh của Nam Ðịnh cần khắc phục tính mùa vụ bằng việc tổ chức các sự kiện như liên hoan chầu văn, diễn xướng hầu đồng… Ðối với khách quốc tế, cần tạo ra sự dẫn dắt, thâm nhập để du khách hiểu, thông qua nhận thức và cảm xúc.
Cùng với Vườn quốc gia Xuân Thủy có tầm quan trọng quốc tế về sinh học và bảo tồn của Việt Nam, khu vực Ðông - Nam Á, Nam Ðịnh còn là nơi hội tụ 129 làng nghề, trong đó có hơn 70 làng nghề tiểu thủ công nghiệp với các ngành nghề, sản phẩm truyền thống. Ðây là nguồn tài nguyên thích hợp để phát triển sản phẩm du lịch sinh thái, cộng đồng thu hút khách, nhất là khách quốc tế đến cùng ăn, ở với người dân, tìm hiểu và trải nghiệm cuộc sống lao động sản xuất và tập quán sinh hoạt của làng nghề.
Theo ông Phạm Hải Quỳnh, Chủ tịch Câu lạc bộ du lịch cộng đồng CTC, du lịch cộng đồng, sinh thái gắn với các làng nghề là loại hình du lịch văn hóa chất lượng cao, song có nhiều khó khăn đối với Nam Ðịnh do các làng nghề hầu hết thiếu quy hoạch, cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng được nhu cầu đi lại, sinh hoạt cho du khách. Nhận thức của người dân đối với hoạt động du lịch chưa cao; sự xâm nhập của máy móc, dây chuyền hiện đại đã và đang làm mất dần nét tinh xảo của các sản phẩm truyền thống thủ công.
Để khai thác du lịch sinh thái cộng đồng gắn với các làng nghề theo hướng bền vững, chính quyền địa phương cần quan tâm thu hút đầu tư xây dựng hạ tầng, cơ sở vật chất tại các điểm du lịch, đào tạo kỹ năng phục vụ du khách cho lao động nông thôn; đồng thời lựa chọn và phục hồi những nét văn hóa đặc sắc nhất của từng làng nghề để tạo điểm nhấn. Nam Ðịnh nên phát triển làng nghề theo định hướng song song bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa địa phương, thiết kế các sản phẩm lưu niệm du lịch làng nghề mang tính điểm nhấn. Yếu tố cốt lõi của sản phẩm du lịch chính là tài nguyên du lịch, cho nên bên cạnh khai thác cần quan tâm bảo vệ tài nguyên, bảo đảm yêu cầu phát triển bền vững.
ÐẮC LINH
Theo nhandan.com.vn