Trong đó, đáng chú ý, tốc độ tăng trưởng của DLTT lên tới 50%, gấp hai lần tốc độ tăng trưởng chung của thương mại điện tử. Tại Diễn đàn DLTT do Hiệp hội Du lịch Việt Nam phối hợp Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam tổ chức vừa diễn ra trong khuôn khổ Hội chợ Du lịch quốc tế VITM Hà Nội 2018, Ban tổ chức cũng đưa ra con số khảo sát: Có tới 71% khách du lịch quốc tế đến nước ta năm 2017 tham khảo thông tin điểm đến trên in-tơ-nét và 64% đặt chỗ, mua dịch vụ trực tuyến.
Ðiều này cho thấy, phát triển du lịch dựa trên nền tảng công nghệ trực tuyến đang là xu hướng mà ngành công nghiệp không khói Việt Nam không thể đứng ngoài cuộc, nhất là khi du lịch được xác định sẽ trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước. Theo các chuyên gia du lịch, việc đẩy mạnh DLTT không chỉ giúp nâng cao khả năng cạnh tranh của du lịch Việt Nam, mà còn giúp các doanh nghiệp du lịch có thể tiếp cận thị trường rộng lớn, vượt ra ngoài phạm vi quốc gia để phát triển. Tuy nhiên, để làm được điều này là không đơn giản, bởi còn hàng loạt thách thức mà cả cơ quan quản lý lẫn doanh nghiệp du lịch đang phải đối mặt.
Thách thức đầu tiên là về nền tảng công nghệ và vốn. DLTT là "cuộc chơi" mang quy mô toàn cầu dành cho những ai giỏi về công nghệ và mạnh về tài chính. Thế nhưng, so với thế giới, các doanh nghiệp Việt Nam đi sau nhiều năm về hàm lượng công nghệ, quy mô chủ yếu vẫn là vừa và nhỏ: Dù hầu hết các doanh nghiệp Việt Nam đã quan tâm sử dụng in-tơ-nét trong quảng cáo, kinh doanh song những ứng dụng công nghệ thông tin phần lớn vẫn chỉ dừng ở mức cơ bản, chưa khai thác được một cách hiệu quả nhất các lợi thế của công nghệ để thu hút khách hàng và vận hành doanh nghiệp. Hầu hết các công ty du lịch có thương hiệu đều nắm trong tay lượng dữ liệu khổng lồ về điểm đến, sản phẩm, khách hàng… nhưng lại chưa thể vận dụng công nghệ để số hóa dây chuyền tương tác khách hàng thông qua các giao dịch điện tử. Chỉ nói riêng về website du lịch thì hiện các doanh nghiệp của nước ta cơ bản vẫn thiết kế, vận hành theo những gì mình muốn mà chưa tối ưu thông tin, tạo sự thân thiện cho giao diện xuất phát từ nghiên cứu nhu cầu thực tế người dùng.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp du lịch Việt Nam còn gặp phải sự cạnh tranh gay gắt của các công ty DLTT nước ngoài ngay trên sân nhà. Tại Diễn đàn DLTT 2018 vừa được tổ chức, ông Lê Tuấn Anh, Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Tổng cục Du lịch) cho biết: Hiện Việt Nam có khoảng 10 sàn giao dịch điện tử về du lịch như: ivivu.com, mytour.vn, chudu24.com, gotadi.com, tripi.vn…, nhưng những sàn này mới chỉ thực hiện được khoảng 20% nhu cầu giao dịch, 80% thị phần còn lại do các sàn giao dịch nước ngoài kiểm soát. Ðiều đáng nói là, không chỉ khách quốc tế đến Việt Nam mà ngay cả khách du lịch trong nước cũng sử dụng dịch vụ của sàn DLTT nước ngoài. Ðơn cử, trong mảng đặt phòng trực tuyến, riêng hai trang mạng nước ngoài là Agoda và Booking đã chiếm hơn 80% thị phần đặt phòng trực tuyến ở Việt Nam.
Lý giải điều này, một số công ty DLTT trong nước cho rằng: Các công ty nước ngoài đi trước doanh nghiệp Việt Nam khoảng 20 năm kinh nghiệm, lại mạnh về kinh tế và hoạt động trên quy mô toàn cầu cho nên tạo được thương hiệu, uy tín vững chắc. Ðồng thời, khi liên kết hoạt động tại Việt Nam, các sàn giao dịch trực tuyến nước ngoài chưa bị ràng buộc những quy định về thuế trong khi các doanh nghiệp Việt Nam phải thực hiện đầy đủ. Vì thế, doanh nghiệp nước ngoài càng có thêm năng lực tài chính để đầu tư cho tiếp thị, quảng cáo, gia tăng chiết khấu cho đối tác, tạo ưu thế cạnh tranh. Hiện chưa có quy định cụ thể nào về DLTT, do đó, các doanh nghiệp trong nước đang "dài cổ" chờ nhận được những chính sách hỗ trợ về vốn, định hướng quy hoạch phát triển...
Luật Du lịch sửa đổi năm 2017 đưa ra quy định, cơ quan quản lý về du lịch phải có trách nhiệm hướng dẫn về giao dịch điện tử trong lĩnh vực du lịch. Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường năng lực tiếp cận cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư cũng nêu rõ yêu cầu đẩy mạnh phát triển du lịch thông minh. Ðây chính là những định hướng quan trọng để các ban, ngành chức năng sớm có chính sách hỗ trợ để đẩy mạnh phát triển DLTT ở Việt Nam, đồng thời khuyến khích, bảo vệ quyền lợi của những công ty du lịch trực tuyến trong nước.
Theo các chuyên gia, để có thể thu hút du khách từ những cái nhấp chuột, bên cạnh việc phải nhanh chóng nắm bắt cơ hội thời công nghiệp 4.0 mang lại, các doanh nghiệp du lịch cần nâng cao năng lực tài chính, đầu tư chuyên sâu cho nền tảng công nghệ để quảng cáo, tiếp thị, thanh toán trực tuyến thuận lợi… Và một điều đặc biệt quan trọng là, các doanh nghiệp du lịch trong nước cần bắt tay nhau để chia sẻ kinh nghiệm, hợp tác truyền thông, nâng cao khả năng cạnh tranh trên sân nhà. Sự cải tiến phương thức hợp tác kinh doanh trong DLTT cũng là để cung cấp đến khách hàng những dịch vụ chất lượng cao hơn. So với các doanh nghiệp nước ngoài bị hạn chế hơn trong vấn đề chăm sóc khách hàng tại Việt Nam, doanh nghiệp trong nước có ưu thế hơn về sự am hiểu thị trường để tạo ra những sản phẩm phù hợp. Ðây chính là lợi thế mà các doanh nghiệp trong nước cần tận dụng để dần giành lại thị phần DLTT.