Cập nhật: 06/04/2018 11:12:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Thời gian gần đây, tình hình buôn bán, vận chuyển trái phép hàng hóa kém chất lượng, nguồn gốc xuất xứ không rõ ràng, hàng giả, nhất là các mặt hàng thực phẩm chức năng, tân dược vẫn diễn biến phức tạp. Nguy hiểm hơn, các loại thuốc tân dược nhãn mác giả, kém chất lượng không chỉ tập trung vào một số chủng loại mà rất đa dạng với số lượng lớn. Thực trạng này đang gây khó khăn cho các lực lượng chức năng trong công tác đấu tranh.

Do mức siêu lợi nhuận, cho nên không ít nhà thuốc sẵn sàng nhập mặt hàng tân dược không rõ nguồn gốc xuất xứ, thậm chí tân dược giả, kém chất lượng. Trong khi đó, các loại hàng này đều được làm giả nhãn mác, bao bì rất tinh vi, người dùng khó phát hiện bằng mắt thường, gây nguy hại đến sức khỏe, tính mạng khi sử dụng. Năm 2017, lực lượng kiểm soát hải quan chủ trì, phối hợp bắt giữ, xử lý 118 vụ buôn lậu dược phẩm, thực phẩm chức năng giả, kém chất lượng, với 45 đối tượng; trị giá hàng hóa vi phạm hơn 47,5 tỷ đồng, thu nộp ngân sách hơn 1,3 tỷ đồng.

Trước tình hình nêu trên, Tổng cục Hải quan đã chỉ đạo các Cục hải quan tỉnh, thành phố rà soát thông tin, bám sát và xây dựng hồ sơ các đối tượng, tổ chức, doanh nghiệp có dấu hiệu, hành vi buôn lậu thuốc tân dược để có phương án đấu tranh hữu hiệu. Cụ thể, trong phối hợp quốc tế, toàn ngành Hải quan triển khai chương trình phối hợp kiểm soát chống hàng giả, hàng nhái, do Tổ chức Hải quan thế giới (WCO) phối hợp Văn phòng liên lạc thông tin tình báo khu vực châu Á - Thái Bình Dương tổ chức. Phối hợp triển khai Chiến dịch Pangea X về chống buôn lậu sản phẩm y tế giả, tại Cục Hải quan TP Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, do WCO, Tổ chức Cảnh sát quốc tế (Interpol), Diễn đàn quốc tế về tội phạm dược (PFIPC), Tổ chức cảnh sát châu Âu (Europol) và Viện An toàn dược phẩm (PSI) phối hợp triển khai.

Tại các địa bàn trọng điểm trong nước, Cục trưởng Ðiều tra chống buôn lậu (Tổng cục Hải quan) Nguyễn Phi Hùng cho biết, hiện nay, ngành Hải quan đang triển khai các hoạt động nghiệp vụ để kiểm soát hàng giả, hàng hóa xâm phạm sở hữu trí tuệ đối với các mặt hàng tân dược, thực phẩm chức năng vi phạm về nhãn hiệu, kiểu dáng công nghiệp, chỉ dẫn địa lý, tên thương mại. Các loại hình xuất, nhập khẩu cần chú trọng kiểm soát là nhập kinh doanh, quá cảnh, tạm nhập tái xuất, kho ngoại quan. Trong công tác đấu tranh với hành vi vận chuyển hàng hóa trái phép qua biên giới, các đơn vị chủ động thu thập xử lý thông tin, nắm tình hình địa bàn quản lý, xây dựng hồ sơ đối tượng. Ðồng thời, thường xuyên trao đổi thông tin với các lực lượng chức năng và chính quyền địa phương để phát hiện sớm, có biện pháp ngăn chặn kịp thời các hoạt động vi phạm pháp luật.

 

Theo VĨNH KHANG/nhandan.com.vn

Tệp đính kèm