Cập nhật: 07/04/2018 09:58:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Với đặc thù của tỉnh miền núi phía bắc có nhiều lợi thế về đất đai, cơ sở hạ tầng để phát triển chăn nuôi, thời gian qua Tuyên Quang đã có nhiều giải pháp cụ thể, thiết thực tạo điều kiện cho các hợp tác xã, chủ trang trại, hộ chăn nuôi, nhất là doanh nghiệp đầu tư phát triển chăn nuôi tập trung quy mô lớn.


Cán bộ kỹ thuật Sở NN và PTNT tỉnh Tuyên Quang kiểm tra chất lượng đàn trâu của HTX Nông nghiệp và Dịch vụ Tiến Quang trước khi bàn giao cho các hộ chăm sóc vỗ béo. Ảnh: DUY HÙNG

Hỗ trợ phát triển chăn nuôi

Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tuyên Quang, Nguyễn Ðại Thành cho biết: Ðể phát triển chăn nuôi quy mô lớn, năm 2012 UBND tỉnh Tuyên Quang đã phê duyệt quy hoạch phát triển chăn nuôi giai đoạn 2012- 2020, trên cơ sở đó, năm 2014, HÐND tỉnh ban hành hai Nghị quyết số 10 và 12 về cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển kinh tế trang trại và hỗ trợ sản xuất hàng hóa đối với một số cây trồng, vật nuôi trên địa bàn tỉnh. Tiếp đến, ngày 10-7-2017, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 03 quy định chi tiết nội dung thực hiện Quyết định số 50/2014/QÐ-TTg ngày 4-9-2014 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ nâng cao hiệu quả chăn nuôi nông hộ giai đoạn 2015-2020, trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang giai đoạn 2017-2020.

Nhờ cơ chế, chính sách hợp lý, trong hơn ba năm qua, đã có 3.222 hộ và 372 trang trại được các ngân hàng giải ngân vay 292,9 tỷ đồng để phát triển sản xuất, và ngân sách tỉnh đã chi 11,8 tỷ đồng để hỗ trợ tiền lãi suất vay ngân hàng của các hộ, chủ trang trại… Ngoài ra, các hợp tác xã, chủ trang trại, hộ chăn nuôi còn được hỗ trợ giống gia súc, gia cầm đủ tiêu chuẩn, cũng như tổ chức phối giống nhân tạo cho trâu, bò, lợn để phát triển đàn vật nuôi. Chi cục thú y hỗ trợ kinh phí mua vắc-xin và tiền công tiêm phòng bệnh lở mồm long móng, bệnh dịch tả lợn cho đàn gia súc; mua thuốc khử trùng vệ sinh phòng bệnh, nhất là bảo đảm đủ nguồn vắc-xin phòng bệnh cho đàn gia súc, gia cầm tại các xã đặc biệt khó khăn, xã vùng II, vùng III.

Nhờ vậy năm 2017, tổng giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản toàn tỉnh đạt hơn 7.700 tỷ đồng tăng 4,08% so năm 2016. Trong đó, chăn nuôi tiếp tục chuyển dịch tích cực với nhiều trang trại đã hình thành và phát triển, cho giá trị sản xuất đạt gần 2.400 tỷ đồng (chiếm hơn 30% giá trị sản xuất toàn ngành nông nghiệp tỉnh), tăng 3,1% so năm 2016. Nhiều doanh nghiệp lớn về chăn nuôi bò sữa, gia súc, gia cầm như Vinamilk, DABACO, Công ty cổ phần sữa TH… đã và đang đầu tư xây dựng cơ sở chăn nuôi quy mô lớn tại tỉnh Tuyên Quang, góp phần đưa tổng đàn trâu lên hơn 110 nghìn con, cùng với 33 nghìn con bò, gần 600 nghìn con lợn và 5,7 triệu con gia cầm...

Mặc dù vậy, ngành chăn nuôi tỉnh vẫn còn bộc lộ một số hạn chế. Ðó là chăn nuôi nhỏ lẻ và xen kẽ trong khu dân cư còn chiếm tỷ lệ cao; chưa hình thành được nhiều chuỗi liên kết từ chăn nuôi đến giết mổ, chế biến, tiêu thụ sản phẩm; chưa có kênh tiêu thụ sản phẩm ổn định, còn phụ thuộc nhiều vào thương lái. Toàn tỉnh mới có một cơ sở giết mổ tập trung, 602 cơ sở giết mổ quy mô hộ gia đình, nhưng mới có 13 cơ sở nhỏ lẻ được chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh thú y. Việc xử lý chất thải và môi trường tại nhiều trang trại chăn nuôi, cơ sở giết mổ chưa được kiểm soát tốt. Nhiều hộ chăn nuôi vẫn còn chủ quan trong công tác phòng, chống dịch bệnh trên gia súc, gia cầm...

Tạo chuỗi liên kết tiêu thụ

Ðể khắc phục những bất cập và góp phần đưa giá trị sản xuất ngành nông nghiệp toàn tỉnh năm 2018 đạt hơn 8.000 tỷ đồng, trong đó chăn nuôi đạt hơn 2.470 tỷ đồng (tăng 3,5% so năm 2017), đồng chí Nguyễn Ðại Thành cho biết: Ngành nông nghiệp tỉnh tiếp tục phối hợp các bộ, ngành và doanh nghiệp từng bước nâng cao chất lượng đàn vật nuôi, nhất là trong công tác giống, tổ chức phát triển chăn nuôi theo quy hoạch, vùng chăn nuôi tập trung gắn với xây dựng nông thôn mới. Ðồng thời tiếp tục hướng dẫn phát triển chăn nuôi theo vùng, xã trọng điểm, trang trại chăn nuôi quy mô lớn ngoài khu dân cư. Chủ động đầu tư ứng dụng công nghệ sinh học trong xử lý môi trường, áp dụng quy trình, công nghệ mới trong xử lý chất thải, bảo đảm thực hiện tốt việc xử lý chất thải trong chăn nuôi để bảo vệ môi trường sinh thái, sức khỏe cộng đồng, cũng như tận dụng tối đa nguồn chất thải trong chăn nuôi để làm phân bón hữu cơ phục vụ sản xuất trồng trọt.

Với phương châm nâng giá trị cho sản phẩm vật nuôi, đẩy mạnh chăn nuôi theo hướng công nghiệp, an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh, VietGAHP, tỉnh Tuyên Quang khuyến khích các tổ chức, cá nhân có tiềm lực đầu tư vào chăn nuôi áp dụng kỹ thuật tiên tiến, công nghệ cao, tăng cường sử dụng thức ăn sinh học để tạo sản phẩm chất lượng, an toàn thực phẩm cung cấp cho người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh, tiến tới xuất khẩu. Ðồng thời phát huy tiềm năng, lợi thế của từng địa phương trong tỉnh để nâng cao giá trị sử dụng các sản phẩm nông nghiệp sẵn có chế biến làm thức ăn chăn nuôi, như: Ngô, sắn, đậu tương, lạc… trong chăn nuôi lợn, gia cầm; tổ chức trồng cây làm thức ăn gia súc và tận dụng thân lá mía, cây ngô…để phát triển chăn nuôi đại gia súc tại các huyện Chiêm Hóa, Na Hang, Lâm Bình, Sơn Dương, Yên Sơn.

Ðể hạn chế tình trạng “được mùa rớt giá, được giá mất mùa” đối với các sản phẩm nông nghiệp nói chung và chăn nuôi nói riêng, ngành nông nghiệp tỉnh đổi mới công tác dự báo, bảo đảm thông tin chính xác, thường xuyên giá cả thị trường, nhu cầu tiêu dùng để người nuôi tiếp cận, cập nhật và chủ động tăng gia sản xuất. Bên cạnh việc tiếp tục đầu tư xây dựng, nâng cấp các cơ sở giết mổ, chế biến, bảo quản sản phẩm thịt, cần mở rộng các điểm bán lẻ bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, vệ sinh thú y. Ðồng thời khuyến khích các hợp tác xã, chủ trang trại, hộ chăn nuôi phát triển chuỗi liên kết chăn nuôi gắn với tiêu thụ sản phẩm, nhất là liên kết với các doanh nghiệp chế biến, kinh doanh thực phẩm, tạo chuỗi liên kết, tiêu thụ sản phẩm lâu dài, bền vững, có kiểm soát, truy xuất nguồn gốc, từng bước xây dựng thương hiệu cho sản phẩm chăn nuôi có thế mạnh của tỉnh Tuyên Quang.

Theo NGỌC TUYÊN, VŨ THY/nhandan.com.vn

 

Tệp đính kèm