Cập nhật: 17/04/2018 09:56:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Mỹ và Trung Quốc đang bước vào cuộc đối đầu thương mại căng thẳng, khi những biện pháp áp thuế nhằm các mặt hàng nhập khẩu từ nước này sang nước kia liên tục được hai bên đưa ra. Theo giới phân tích, việc hai nền kinh tế lớn của thế giới đối đầu sẽ tác động bất lợi đến kinh tế toàn cầu, trước mắt sẽ khiến thị trường chứng khoán chao đảo. Dư luận hy vọng, Mỹ và Trung Quốc sẽ đạt được các thỏa thuận nhằm dàn xếp bất đồng thương mại bên lề Hội nghị Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB) diễn ra vào ngày 20 đến 22-4 tới.

Trung Quốc nâng mức thuế đối với mặt hàng trái cây nhập khẩu từ Mỹ. Ảnh Bluefield Daily Telegraph

Cuộc đối đầu thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc thời gian qua ngày càng khốc liệt khi những biện pháp áp thuế được hai bên đưa ra dồn dập. Danh sách các mặt hàng mà hai bên tuyên bố áp thuế ngày một dài thêm. Ngày 2-4, Trung Quốc quyết định ngừng ưu đãi thuế đối với 128 sản phẩm của Mỹ, thay vào đó là áp mức thuế từ 15% đến 25% đối với những mặt hàng này, trong đó có thịt lợn và trái cây. Ðây được xem là hành động đáp trả của Trung Quốc trước việc Mỹ trước đó áp thuế nhập khẩu mới đối với mặt hàng thép và nhôm, đồng thời áp đặt các khoản thuế bổ sung đối với các mặt hàng nhập khẩu từ Trung Quốc trị giá 60 tỷ USD. Mới đây, Tổng thống Mỹ Ð.Trăm yêu cầu xem xét khoản thuế bổ sung đối với lượng hàng hóa có trị giá lên tới 100 tỷ USD của Trung Quốc, cao gấp đôi so mức dự kiến đánh thuế trước đó.

Trong bối cảnh căng thẳng thương mại giữa Trung Quốc và Mỹ đang nóng lên, các chuyên gia cảnh báo rằng, cuộc đối đầu này sẽ tác động bất lợi đến kinh tế toàn cầu. Một trong những minh chứng rõ ràng nhất là thị trường chứng khoán có sự biến động trong những ngày qua do căng thẳng thương mại Mỹ - Trung Quốc. Quyết định của Tổng thống Ð.Trăm về khả năng tăng thuế với lượng hàng hóa có trị giá lên tới 100 tỷ USD của Trung Quốc đã khiến các chỉ số chứng khoán trên thị trường Mỹ đồng loạt giảm 1% và đồng USD trượt giá so các đồng ngoại tệ khác. Cụ thể, trong ngày giao dịch 2-4, đồng USD đã trải qua phiên giảm điểm thứ hai liên tiếp. So với đồng ơ-rô, đồng USD giảm 0,16%. Trong khi đó, đồng Yên của Nhật Bản tăng 0,31% so đồng USD. Trong một số lĩnh vực của ngành công nghiệp Mỹ, nhiều nhà đầu tư đã nhanh chóng rút vốn khỏi những công ty giao dịch các mặt hàng thuộc danh sách có thể chịu mức áp thuế cao hơn từ cả Mỹ và Trung Quốc. Căng thẳng thương mại giữa hai nền kinh tế lớn cũng tác động đến giá dầu thô và thị trường vàng trên thế giới. Ðóng cửa phiên giao dịch ngày 2-4 tại Niu Oóc, giá dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) giao tháng 5-2018 giảm 1,93 USD, xuống còn 63,01 USD/thùng. Trong khi tại Luân Ðôn, giá dầu Brent giao tháng 6-2018 sụt giảm 1,7 USD, xuống còn 67,64 USD/thùng vào cuối phiên giao dịch. Giá vàng đã giảm 1,7%, mức giảm lớn nhất kể từ đầu tháng 12-2017.

Gần đây, các nhà lãnh đạo Trung Quốc và Mỹ đã có những phát biểu mang tính thiện chí, khiến giới phân tích hy vọng rằng căng thẳng thương mại giữa hai bên sẽ phần nào dịu bớt. Tại phiên khai mạc Hội nghị hằng năm Diễn đàn châu Á Bác Ngao (BFA) 2018, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tuyên bố, Trung Quốc sẽ mở cửa hơn nữa nền kinh tế nhằm thu hút đầu tư, tăng sở hữu vốn của các doanh nghiệp nước ngoài trong các công ty liên doanh hoạt động trong lĩnh vực ô-tô, đóng tàu và máy bay trên lãnh thổ Trung Quốc; đồng thời cam kết trong năm 2018 xem xét hạ mức thuế nhập khẩu đối với nhiều mặt hàng, công bố các biện pháp mở cửa thị trường tài chính, siết chặt các quy định pháp lý đối với quyền sở hữu trí tuệ. Ngay lập tức, Tổng thống Mỹ Ð.Trăm hoan nghênh những phát biểu của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, song nhấn mạnh, Oa-sinh-tơn muốn thấy những hành động cụ thể từ phía Bắc Kinh. Hiệp hội các doanh nghiệp nước ngoài tại Trung Quốc cũng phản ứng tích cực trước tuyên bố của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Theo Giám đốc điều hành hãng Tesla Ê.Mu-xcơ, việc nhà lãnh đạo Trung Quốc đưa ra những cam kết nói trên là một động thái quan trọng, phần nào giúp ngăn chặn một cuộc chiến thương mại, từ đó mang lại lợi ích cho tất cả các nước.

Theo các nhà phân tích, Mỹ và Trung Quốc sẽ có cơ hội giải quyết những bất đồng về thương mại song phương bên lề Hội nghị IMF và WB diễn ra tại Oa-sinh-tơn từ ngày 20 đến 22-4 tới. Dư luận đều mong đợi rằng, hai nền kinh tế lớn của thế giới sẽ nắm lấy cơ hội này, thúc đẩy đạt được một số thỏa thuận trong khuôn khổ các cuộc đàm phán đa phương, cùng nhau ngăn chặn nguy cơ bùng nổ một cuộc chiến thương mại mà ở đó không quốc gia nào không chịu tổn hại.

 

Theo TRANG ANH/nhandan.com.vn

Tệp đính kèm