Đã hàng nghìn năm qua, trong tâm thức của các thế hệ người Việt Nam đều in đậm hình ảnh ông Tổ chung của dân tộc. Đó là điều hiếm có đối với các quốc gia, dân tộc trên thế giới.
Hằng năm, cứ vào dịp mồng 10 tháng Ba âm lịch, người dân từ khắp nơi lại hành hương về Khu di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Đền Hùng (Phú Thọ) để tưởng nhớ công ơn dựng nước của các Vua Hùng.
Hằng năm, cứ đến mồng 10 tháng Ba âm lịch, người dân ở mọi miền đất nước, kể cả bà con đang sinh sống và làm việc ở nước ngoài, đều thành tâm hướng về ngôi mộ Tổ thiêng liêng trên núi Nghĩa Lĩnh (Việt Trì, Phú Thọ) để tỏ lòng thành kính biết ơn người đã khai sinh ra đất nước, người đã gieo những hạt giống đầu tiên để từ đó dần dần hình thành hàng chục triệu người Việt Nam hôm nay.
Câu chuyện thời Hùng Vương từ xa xưa, vốn chỉ là những truyền thuyết, dã sử, nhưng đã dần được làm sáng tỏ bởi những tư liệu lịch sử và những di sản được khai quật từ trong lòng đất. Cách chúng ta gần 600 năm, ngay từ thời Vua Lê Thánh Tông, với các nhà sử học tâm huyết và tài năng, thì thời Hùng Vương đã thật sự trở thành một phần không thể thiếu trong bộ Quốc sử của nước ta. Năm 1942, tại vùng căn cứ cách mạng ở Cao Bằng, nhằm tuyên truyền giáo dục lòng yêu nước trong nhân dân, Bác Hồ đã viết bài thơ “Lịch sử nước ta”, trong đó nêu: Hồng Bàng là tổ nước ta Nước ta lúc ấy gọi là Văn Lang...
Và đến năm 1954, khi cùng Đại đoàn quân tiên phong về tiếp quản Thủ đô, dừng chân tại Đền Hùng, Bác căn dặn mọi người: “Các Vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”. Lời căn dặn đó của Bác cũng là lời thề của toàn dân tộc, trước anh linh của các Vua Hùng.
Dù còn không ít những di sản vật chất và tinh thần từ thời Hùng Vương dựng nước chưa được khai quật, sưu tầm hết, nhưng với những gì còn in sâu trong tâm khảm, trong các lễ hội, tín ngưỡng, các phong tục tập quán của các thế hệ người Việt Nam, mỗi chúng ta đều có quyền tự hào về những gì mà nhờ đó, tổ tiên ta đã biến một vùng đất hoang sơ, luôn phải gánh chịu những thiên tai, khí hậu khắc nghiệt... thành một quốc gia có cương vực rõ ràng, có bộ máy quản lý xã hội thống nhất, có các hoạt động kinh tế đa dạng, có tiếng nói và có thể có cả chữ viết. Tất cả những điều đó minh chứng rằng, trên đất nước ta, từ thời Hùng Vương, đã sớm hình thành một dân tộc, một nền văn hóa dân tộc. Ý thức về chủ quyền dân tộc đã được hình thành từ đó. Khi danh nhân văn hóa Nguyễn Trãi, từ 600 năm trước, trong “Bình Ngô đại cáo” viết: “Như nước Đại Việt ta từ trước, vốn xưng nền văn hiến đã lâu. Núi sông, bờ cõi đã chia, phong tục Bắc Nam cũng khác”, thì cũng nhằm khẳng định chủ quyền của đất nước từ lâu. Đó là tư tưởng lớn, là tài sản lớn mà tổ tiên ta từ ngàn xưa đã giao lại cho chúng ta. Nhằm phát huy tư tưởng truyền thống to lớn đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”.
Cùng với tư tưởng về chủ quyền dân tộc, thông qua hàng loạt truyền thuyết, các lễ hội, tín ngưỡng, phong tục tập quán..., tổ tiên ta đã gửi lại muôn vàn thế hệ con cháu sau này những thông điệp về đạo lý làm người của dân tộc. Đó là tính cộng đồng dân tộc, là lối sống nghĩa tình và chủ nghĩa yêu nước. Khi một dân tộc tự coi mình có chung một ông Tổ, cùng sinh ra từ bọc trứng của bà mẹ Âu Cơ, thì sự ràng buộc, gắn bó giữa họ với nhau là vấn đề có tính sinh tử. Phải chăng xuất phát từ đó, Bác Hồ đã từng nói: “Đồng bào Kinh hay Thổ, Mường hay Mán, Giarai hay Êđê, Xêđăng hay Bana và các dân tộc thiểu số khác, đều là con cháu Việt Nam, đều là anh em ruột thịt. Chúng ta sống chết có nhau, sướng khổ cùng nhau, no đói giúp nhau”(1). Tư tưởng “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết. Thành công, thành công, đại thành công” của Bác cũng xuất phát từ đó.
Cùng với tính cộng đồng, dân tộc ta cũng là dân tộc biết sống với nhau có tình có nghĩa. Đó là câu chuyện Vua Hùng thương yêu dân, dạy dân cách trồng lúa, đánh cá, săn thú. Vua Hùng dạy cho dân lấy chàm vẽ lên mình để tránh bị thuồng luồng làm hại. Trong tâm thức của người dân Việt, Vua Hùng không chỉ là người cai quản đất nước, mà còn là, và chủ yếu là người đã sinh ra dân tộc ta, dày công dạy bảo để chúng ta nên người. Chính từ tâm thức đó, dân tộc ta từ rất lâu đã hình thành nên tục thờ cúng tổ tiên - một phương thức thể hiện lòng biết ơn đối với những người đã có công sinh thành và nuôi dưỡng mình. Tục thờ cúng tổ tiên, cụ thể là Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện nhân loại (năm 2012). Cũng xuất phát từ lối sống có tình có nghĩa, cha ông ta từ xa xưa đã sáng tạo ra hàng loạt ca dao, tục ngữ, truyện cổ tích để cổ vũ cho tình thương yêu giữa con người với con người. Là người Việt Nam, ai mà chẳng thuộc lòng những lời răn dạy: “Bầu ơi thương lấy bí cùng”, “Chị ngã em nâng”, “Lá lành đùm lá rách”... Như vậy, có thể thấy, cùng với tính cộng đồng dân tộc, lối sống tình nghĩa đã tạo nên chủ nghĩa nhân văn của người Việt Nam ngay từ buổi sơ khai của lịch sử. Cái bản sắc dân tộc của văn hóa Việt Nam cũng được khởi nguồn từ đó.
Do sớm có ý thức về chủ quyền dân tộc, sớm hình thành tính cộng đồng và lối sống tình nghĩa, mà người Việt Nam từ thời Hùng Vương dựng nước đã sớm có ý thức bảo vệ mảnh đất sinh sống của mình, chống lại sự xâm lược từ bên ngoài, đồng thời biết chăm lo mở mang bờ cõi từ đồng bằng lên miền núi và xuống miền biển. Chủ nghĩa yêu nước của dân tộc ta được hình thành từ đó. Từ những câu chuyện như: bà mẹ Âu Cơ mang 50 người con lên núi, Lạc Long Quân mang 50 người con xuống biển; Mai An Tiêm biến hoang đảo thành nơi sinh sống và sản xuất, đến chuyện Phù Đổng Thiên Vương đánh giặc Ân, An Dương Vương xây thành Cổ Loa chống quân xâm lược Tần (Trung Quốc)... đều khẳng định ý chí xây dựng và bảo vệ chủ quyền đất nước.
Những thông điệp mà tổ tiên ta để lại thông qua các truyền thuyết, các lễ hội, phong tục tập quán, tín ngưỡng... rất phong phú. Hiểu và thực hiện tốt những thông điệp đó luôn là trách nhiệm của tất cả chúng ta, đặc biệt những người có trọng trách trong xã hội. Kinh nghiệm lịch sử chỉ ra rằng, ở thời kỳ nào mà ý thức về chủ quyền của đất nước, tính cố kết dân tộc, lối sống tình nghĩa và chủ nghĩa yêu nước được phát huy, thì lúc đó đất nước được ổn định, biên cương được giữ vững, xã hội có cuộc sống bình yên. Trái lại, lúc nào, thời nào mà ý thức về chủ quyền bị lãng quên, bị coi nhẹ, tính cố kết dân tộc bị lơi lỏng, bị chia cắt, lối sống tình nghĩa bị nhạt phai thì đó là lúc an ninh quốc gia, an sinh xã hội sẽ trở nên bất ổn.
Ngày nay, trong xu thế công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế, bên cạnh những thời cơ, chúng ta cũng gặp phải không ít nguy cơ. Mặt trái của kinh tế thị trường, của công nghệ và hội nhập rất dễ gây tổn hại đến bản sắc dân tộc của văn hóa nước ta, rất dễ làm suy yếu mối quan hệ thân tình giữa con người với con người từ trong phạm vi gia đình đến ngoài xã hội. Trước tình hình đó, việc tập trung khơi lại ngọn nguồn trong sáng của văn hóa Hùng Vương về đạo lý làm người, nhất là về ý thức chủ quyền dân tộc, tính cố kết cộng đồng, về lối sống tình nghĩa và chủ nghĩa yêu nước, sẽ có ý nghĩa hết sức quan trọng để chúng ta đủ sức mạnh chống lại sự xâm lăng về văn hóa từ bên ngoài, đồng thời đó cũng là bệ phóng thần kỳ để đất nước vươn tới văn minh, hạnh phúc. Với ý nghĩa đó chúng ta sẽ có điều kiện hiểu sâu hơn lời dạy của Bác: “Các Vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”. “Công dựng nước” mà Bác nói ở đây không chỉ có ý nghĩa tạo lập nên giang sơn đất nước này, mà còn có ý nghĩa tạo ra sức sống của dân tộc Việt Nam, cái hồn dân tộc Việt Nam. Vì vậy “giữ lấy nước” mà Bác nói cũng có nghĩa phải giữ lấy giang sơn đất nước này, và phải giữ lấy giá trị làm người mà tổ tiên ta đã tạo nên. Ý nghĩa thiêng liêng của Ngày Giỗ Tổ Hùng Vương là ở đó. Ý nghĩa sâu xa của câu ca “Dù ai đi ngược về xuôi/ Nhớ ngày giỗ Tổ mồng 10 tháng Ba” cũng là ở đó.
GS, TS, NGND TRẦN VĂN BÍNH Nguyên Viện trưởng Viện Văn hóa, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh
Theo chinhphu.vn