Cập nhật: 25/04/2018 10:45:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Đây là nội dung hội thảo khoa học do Bộ VHTT&DL phối hợp với UBND tỉnh Kon Tum tổ chức ngày 20/4.

"Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên" đã được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa thế giới - Kiệt tác truyền khẩu phi vật thể của nhân loại.

Hội thảo có sự tham gia của đại diện Bộ VHTT&DL, Tổng cục Du lịch, Viện Nghiên cứu phát triển du lịch, các nhà khoa học, nhà nghiên cứu, chuyên gia phát triển du lịch đến từ Hà Nội và các tỉnh Tây Nguyên.

Khu vực Tây Nguyên, gồm 5 tỉnh: Lâm Đồng, Đắk Nông, Đắk Lắk, Gia Lai và Kon Tum đóng góp 13% vào tăng trưởng chung của ngành du lịch cả nước. Tây Nguyên cũng là địa bàn giàu tiềm năng lợi thế phát triển du lịch do có nhiều danh làm thắng cảnh, hệ động thực vật phong phú, trong đó có nhiều khu bảo tồn thiên nhiên, vườn quốc gia...

Ở Tây Nguyên, nơi có cộng đồng 47 dân tộc anh em cư trú với những giá trị văn hóa riêng biệt, tạo nên một trong những kho tàng văn hóa đặc sắc nhất của cả nước. Trong đó, “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên” được UNESCO công nhận là “Kiệt tác truyền khẩu phi vật thể của nhân loại" từ năm 2005.

Ngoài ra, vùng đất này có những giá trị văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc như những lễ hội truyền thống, kiến trúc dân tộc độc đáo, các loại nhạc cụ dân tộc lâu đời nổi tiếng, các bản trường ca - sử thi truyền miệng...

Tây Nguyên còn lưu giữ nhiều di tích lịch sử cách mạng gắn liền với truyền thống đấu tranh giữ nước của dân tộc tạo nên sự hấp dẫn đối với du khách trong nước và quốc tế.    

Ngoài những tiềm năng và thế mạnh thì du lịch khu vực Tây Nguyên đang gặp phải không ít khó khăn về thực trạng môi trường ở khu vực đang bị tác động tiêu cực, một phần liên quan đến hoạt động du lịch.

Nhiều cảnh quan, hệ sinh thái ở các khu bảo tồn thiên nhiên, vườn quốc gia bị thay đổi hoặc suy giảm. Các khu vực có tính đa dạng sinh học cao bị biến dạng. Đa dạng sinh học bị đe dọa do săn bắt trái phép phục vụ nhu cầu ẩm thực, đồ lưu niệm, buôn bán mẫu vật...của du khách. Những cánh rừng đại ngàn, vốn là linh hồn của đời sống vật chất, đời sống tâm linh và văn hóa của con người Tây Nguyên đang mất dần. Tài nguyên đất đai bị suy giảm trong quá trình phát triển...

Hoạt động du lịch một mặt làm phong phú văn hóa địa phương nhưng mặt khác cũng làm biến dạng văn hóa bản địa; các giá trị văn hóa truyền thống của nhiều cộng đồng dân cư bị biến đổi do tiếp xúc với các nền văn hóa xa lạ, nhiều di sản xuống cấp...

Tại hội thảo, ông Từ Mạnh Lương (Vụ trưởng Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường, Bộ VHTT&DL) cho rằng thế  mạnh của du lịch Tây Nguyên chính là du lịch sinh thái và du lịch văn hóa - lịch sử. Các loại hình du lịch này đòi hỏi yêu cầu nghiêm ngặt về bảo vệ nguồn tài nguyên du lịch và giá trị văn hóa bản địa của đồng bào Tây Nguyên.

Ông Hà Văn Siêu, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch (Bộ VHTT&DL) nhấn mạnh môi trường mang lại lợi ích lâu dài, có thể trước mắt không nhìn thấy nên chính quyền và ngành chức năng khu vực Tây Nguyên phải là đầu mối tạo sự liên kết trong bảo vệ môi trường. Các cơ quan Nhà nước cần yêu cầu doanh nghiệp cam kết tham gia bảo vệ môi trường trong hoạt động du lịch.

Cùng với 29 tham luận, 14 lượt ý kiến của các chuyên gia, nhà quản lý tại hội thảo còn nhấn mạnh vấn đề quy hoạch và phát triển được các sản phẩm du lịch, điểm đến du lịch độc đáo gắn với thiên nhiên, gắn với văn hóa bản địa. Đồng thời, các tỉnh Tây Nguyên nên ưu tiên, khuyến khích các dự án phát triển du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, du lịch trách nhiệm, du lịch gắn với nông nghiệp, du lịch thân thiện với môi trường; không ngừng ứng dụng công nghệ cao, thân thiện với môi trường trong phát triển du lịch...

Theo Bạch Dương/baochinhphu.vn

Tệp đính kèm