Theo Trung tâm dự báo Khí tượng-Thủy văn T.Ư, hôm nay 26-4, do ảnh hưởng của rãnh áp thấp bị nén bởi khối không khí lạnh kết hợp với hội tụ gió trên cao, ở Bắc Bộ có mưa, mưa vừa, có nơi mưa to và dông; các tỉnh Bắc và Trung Trung Bộ mưa kéo dài đến ngày 27-4. Trong cơn dông có khả năng xuất hiện tố lốc, mưa đá và gió giật mạnh. Tây Nguyên và Nam Bộ cũng có mưa rào và dông rải rác về chiều tối và đêm kéo dài đến đầu tháng 5, đề phòng khả năng xảy ra tố lốc và gió giật mạnh.
Công nhân Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Nguyễn Văn Trỗi (Tuyên Quang) chăm sóc rừng trồng. Ảnh: TRẦN LIÊN
*Cũng theo Trung tâm dự báo Khí tượng-Thủy văn T.Ư, ngày 26-4 và ngày mai (27-4), trên thượng lưu sông Ðà, sông Thao có khả năng xuất hiện một đợt lũ nhỏ với biên độ lũ lên từ 1 đến 1,5m. Ðỉnh lũ trên các sông sẽ ở mức dưới báo động 1. Cảnh báo nguy cơ xảy ra sạt lở đất ở vùng núi phía bắc, nhất là tại các tỉnh Lai Châu, Sơn La, Ðiện Biên, Lào Cai, Yên Bái...
* Sáng 25-4, tỉnh Vĩnh Phúc có mưa lớn kéo dài khoảng ba giờ, đủ cung cấp lượng nước cần thiết cho cả trăm nghìn héc-ta lúa, hoa màu, diện tích rừng, đồng cỏ… đang thời kỳ khô hạn. Ngoài ra, mưa trận này bắt đầu bổ sung nguồn nước vào các ao, hồ, đầm… giúp người dân dự trữ, điều tiết hợp lý để ương cá giống, nuôi trồng thủy sản kịp thời.
* Chiều 24-4, mưa to tại khu vực bản Huổi Khi, xã Mường Lạn, huyện Sốp Cộp (Sơn La) khiến đất đá sạt lở làm hai người chết và hai người bị thương khi đang làm nương. Ðến sáng 25-4, hai nạn nhân đã được đưa về nhà để gia đình lo hậu sự. Lãnh đạo UBND huyện đã hỗ trợ và động viên các gia đình bị nạn hơn 10 triệu đồng.
* Nước chảy mạnh khiến tuyến đường tại ấp Ðông Hậu, xã Ðông Bình, thị xã Bình Minh (Vĩnh Long) sạt lở chiều dài 20 m, rộng 4 đến 5 m, sâu 5 m. Cơ quan chức năng đã cắm biển cảnh báo, rào chắn phạm vi sạt lở nguy hiểm và hướng dẫn người dân không qua lại khu vực này.
* Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (PCTT và TKCN) tỉnh Bình Dương cho biết, đợt mưa dông kèm tố lốc xảy ra tại xã Hội Nghĩa, thị xã Tân Uyên vào ngày 23-4, đã làm tốc mái hai nhà, 24 phòng trọ; đứt một dây điện ba pha công suất lớn... Thiệt hại khoảng 300 triệu đồng. Lực lượng chức năng đã xử lý sự cố điện, đồng thời giúp người dân dọn dẹp ổn định cuộc sống.
* Từ đầu năm đến nay, tỉnh Cao Bằng đã trồng được 260.498 cây các loại, trong đó có 181.479 cây lâm nghiệp, tương đương 151 ha. Thời gian tới, các lực lượng chức năng tiếp tục khảo sát thiết kế diện tích trồng rừng, quản lý và bảo vệ tốt diện tích rừng; phối hợp cùng 125 xã, phường, thị trấn trọng điểm có nguy cơ cháy rừng thực hiện tốt việc bảo vệ rừng.
* Bằng nguồn vốn các chương trình, dự án hằng năm, huyện Tủa Chùa (Ðiện Biên) đã bố trí kinh phí và tổ chức tuyên truyền, vận động người dân trồng mới nhiều héc-ta rừng. Ðồng thời, huyện có 21.166 ha rừng được chi trả dịch vụ môi trường rừng.
* Xã Chiềng Chung, huyện Mai Sơn (Sơn La) có hơn 3.100 ha rừng được khoanh nuôi, bảo vệ. Với phương châm phòng là chính, lực lượng chức năng đã kiện toàn Ban Chỉ đạo Phòng cháy, chữa cháy rừng (PCCCR) xã gồm 29 thành viên phụ trách từng bản; thường xuyên kiểm tra để kịp thời xử lý khi tình huống xấu xảy ra...
* Theo Chi cục Kiểm lâm tỉnh Tuyên Quang, hiện tỉnh có 1.916 tổ, đội PCCCR thôn, bản với 18.133 thành viên; lắp đặt 1.193 biển tuyên truyền về PCCCR tại các cửa rừng, nơi có nguy cơ cháy rừng cao; 288 biển quy ước đặt tại các nhà văn hóa thôn, bản...
* Thành phố Hà Nội có gần 27.760 ha rừng và đất lâm nghiệp phân bố tại bảy huyện, thị xã. Trong đó, rừng phòng hộ khoảng 4.050 ha, rừng đặc dụng gần 10.200 ha và rừng sản xuất gần 5.280 ha. Ðể bảo vệ rừng, thành phố sẽ ổn định diện tích giao khoán cho đơn vị, cá nhân khai thác, đề nghị các đơn vị liên quan giao đất cho các chủ rừng chăm sóc, bảo vệ...
* Mưa tại tỉnh Ðác Lắc đã giúp giải nhiệt cho hàng trăm nghìn héc-ta cây trồng, trong đó hơn 204 nghìn ha cà-phê giảm được một lần tưới nước, tiết kiệm hàng trăm triệu đồng. Mưa dông cũng làm mát hàng trăm nghìn héc-ta rừng, giúp giảm áp lực cháy rừng tại tỉnh.
* Ban Chỉ đạo về Kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng tỉnh Hậu Giang đã nâng mức cảnh báo cháy rừng từ cấp III (cấp cao) lên cấp IV (cấp nguy hiểm) ở tất cả các khu rừng trên địa bàn tỉnh. Cùng với đó, lực lượng chức năng đã kiểm tra, khởi động tất cả máy bơm nước, phương tiện vận chuyển, các lực lượng chữa cháy luôn trong tư thế sẵn sàng.
*Vườn Quốc gia Tràm Chim (Ðồng Tháp) có diện tích rừng hơn 7.000 ha. Nơi đây lưu giữ hơn 230 loài chim, 190 loài thực vật, hơn 150 loài cá nước ngọt, 40 bò sát lưỡng cư và hệ sinh vật phong phú. Hiện, Vườn được Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh cử 63 chiến sĩ về giúp tuần tra. Bên cạnh đó, Vườn có 19 trạm bảo vệ và chín đài quan sát có nhiều thiết bị PCCCR.
Theo PV và CTV/nhandan.com.vn