Cập nhật: 27/04/2018 12:27:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Sự phát triển rầm rộ của nhạc số, trong đó có xu hướng "streaming," đã giúp doanh thu của các sản phẩm âm nhạc thuộc thể loại này lần đầu tiên chiếm tới hơn 50% doanh thu của ngành công nghiệp âm nhạc toàn cầu.

Doanh thu từ các sản phẩm âm nhạc kỹ thuật số chiếm tới 54% tổng doanh thu âm nhạc toàn cầu. (Nguồn: BBC)

Theo thống kê của Liên đoàn công nghiệp ghi âm quốc tế (IFPI) công bố ngày 24/4, doanh thu của ngành công nghiệp âm nhạc toàn cầu đạt mức tăng kỷ lục là 8,1% so với năm ngoái, với doanh thu là 17,3 tỷ USD.

Đây cũng là năm thứ 3 liên tiếp, tổng doanh thu âm nhạc toàn cầu chạm mức kỷ lục và tăng trưởng nhanh nhất kể từ khi IFPI tiến hành cuộc khảo sát này.

Trong số đó, doanh thu từ các sản phẩm âm nhạc kỹ thuật số chiếm tới 54%, một bước tiến bộ đáng kể so với năm ngoái khi doanh thu nhạc số "ngang ngửa" so với doanh thu từ hình thức bán hàng truyền thống.

IFPI cho rằng sự tăng trưởng vượt bậc của nhạc số trong những năm qua là "cú hích" giúp nền công nghiệp âm nhạc toàn cầu hồi phục sau nhiều năm "lụi bại."

Tuy nhiên mức tổng doanh thu của năm 2017 mới chỉ bằng 75% so với giá trị đạt được của nền công nghiệp âm nhạc toàn cầu hồi những năm 90 của thế kỷ trước, thời điểm trước khi thế giới chứng kiến sự trỗi dậy của mạng Intenet và tình trạng đánh cắp bản quyền âm nhạc khiến nền công nghiệp này rơi vào thời kỳ khủng hoảng kéo dài 15 năm.

Năm 2017 cũng chứng kiến sự tăng trưởng nhanh của các dịch vụ nghe nhạc trực tuyến như Spotify, Deezer hay Apple Music với khoảng 176 triệu khách hàng đăng ký sử dụng các dịch vụ này, trong số này 64 triệu người mua phí sử dụng cả năm.

Trong khi đó, doanh thu âm nhạc từ hình thức bán hàng truyền thống trong năm 2017 lại tiếp tục giảm, song doanh thu từ đĩa hát vinyl tăng 22,3%.

Ông Stu Bergen, Giám đốc điều hành phụ trách dịch vụ toàn cầu và quốc tế tại Warner Music Group, cho rằng không nên "vội mừng" trước những thành công này, và các công ty sản xuất âm nhạc danh tiếng cần đầu tư tìm kiếm và phát triển các tài năng âm nhạc mới.

Báo cáo của IFPI cũng cho thấy Trung Quốc và khu vực Mỹ Latinh là hai thị trường âm nhạc phát triển mạnh nhất trong năm qua với doanh số tăng lần lượt là 35,3% và 17,7%. Các nước Mỹ Latinh như Brazil, Chile hay Peru ghi nhận xu hướng phát triển nhanh.

Tuy nhiên, IFPI cho rằng vẫn còn tồn tại "khoảng cách giá trị" có hệ thống giữa các nền tảng kỹ thuật số trong vấn đề bản quyền âm nhạc.

IFPI viện dẫn Youtube chỉ phải trả 1 USD cho mỗi người dùng trong một năm, trong khi đó con số mà Spotify phải bỏ ra gấp 20 lần, lên tới 20 USD./.

 

 

 

Theo (TTXVN/VIETNAM+)

https://www.vietnamplus.vn/cong-nghiep-am-nhac-toan-cau-dat-doanh-thu-hon-17-ty-usd/499187.vnp

 

Tệp đính kèm