Cập nhật: 02/05/2018 15:07:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Bao năm qua, nhiều làng nghề truyền thống ở miền Trung lao đao, tồn tại trong khốn khó. Bây giờ, đã dần hồi sinh, tìm ra nhiều hướng đi mới, giải quyết việc làm và thu nhập cho người dân quê.  

Các bậc cao niên cho biết trong quá trình mở cõi về phương Nam, những lưu dân từ Hoằng Hóa (Thanh Hóa) đã đưa nghề dệt chiếu đến Đà Nẵng bây giờ lập thành làng chiếu Cẩm Nê (xã Hòa Tiến, H.Hòa Vang).

Với bàn tay khéo léo và tài hoa của người dân trong vùng, nghề chiếu ngày càng trở nên tinh xảo, từ đó tiếng tăm vang xa... Nhờ vậy, nghề chiếu ở Cẩm Nê hưng thịnh xuyên qua nhiều thế kỷ. Thậm chí, chiếu Cẩm Nê từng là vật phẩm để tiến cung dâng vua triều Nguyễn.

Tất cả được khắc dấu trong văn bia ở làng chiếu: “Ngoài việc lấy nghề trồng trọt làm trọng, tổ tiên ta còn truyền lại cho con cháu nghề dệt chiếu tài hoa mà sản phẩm chiếu Cẩm Nê từng được sắc phong và làm rực rỡ hoàng cung triều Nguyễn”.

Người dân làng chiếu Cẩm Nê (Đà Nẵng) dệt chiếu làm du lịch, với hy vọng phục dựng lại làng nghề - Ảnh: Bảo Nguyên

Người người tự hào với nghề truyền thống của ông bà. Những chiếc khung cửi dệt chiếu dường như không bao giờ được ngơi nghỉ; những chiếc sân phơi đầy cói được nhuộm màu bền chắc bằng phương pháp thủ công gia truyền của người dân làng chiếu.

“Tui nói không phải tự hào, chứ chiếu ở làng Cẩm Nê bao đời nay vẫn vậy, luôn là sản phẩm rất tốt. Chiếc chiếu ở trong làng, có dùng 4-5 năm vẫn giữ được chất lượng, màu sắc không phai bởi được nhuộm kỹ lưỡng, kỳ công. Không chỉ vậy, cứ mùa đông lót chiếu Cẩm Nê nằm thì lưng ấm nóng, nhưng mùa hè thì mát rượi... Vậy mới có thể là vật phẩm tiến vua được chứ đâu phải đùa!”, bà Huỳnh Thị Đích, một nghệ nhân làng chiếu tuổi đã ngoài 70 chia sẻ.

Bà Đích cũng tâm sự, từ thời bà còn nhỏ xíu, đã thấy ông bà, cha mẹ mình bám với nghề làm chiếu. Mở mắt ra đã thấy cói phơi đầy sân, tiếng khung cửi hòa vào nhau nhịp nhàng như những điệu nhạc. Và cuộc đời bà vì vậy cũng gắn bó với nghề chiếu... Vậy mà, cơn lốc những sản phẩm như nệm, chiếu trúc, chiếu nhựa... đã đánh bạt cả làng nghề truyền thống ở Cẩm Nê.

Từ cả làng đều làm nghề chiếu, thì ở Cẩm Nê, người ta quay sang nghề khác để mưu sinh, còn lại chừng 10 hộ bám nghề, nhưng cũng muồn buông tay. Đến làng chiếu Cẩm Nê bây giờ, chỉ còn vỏn vẹn 2 hộ bám nghề chiếu. Những tiếng “nhạc” trỗi lên từ những khung cửi dệt chiếu không còn vang lên rộn rã ở các căn nhà ở làng Cẩm Nê nữa... “Tôi thấy buồn lắm, nếu không làm chi can thiệp sớm thì làng nghề ni, cái nghề hay ho ni sẽ mất hẳn”, bà Đích chép miệng tiếc rẻ.

Bám vào du lịch để phục hồi

“Dù thực sự tiếc, nhưng rõ ràng một thực tế hiện nay, chiếu Cẩm Nê rất khó cạnh tranh với những sản phẩm công nghiệp khác, bởi nguyên vật liệu đầu vào khá cao, cộng với việc làm thủ công rất tốn công sức nên khó mà cạnh tranh về giá với những sản phẩm công nghiệp”, ông Nguyễn Thúc Dũng, Trưởng phòng Văn hóa-Thông tin H.Hòa Vang chia sẻ.

Chính vì vậy, những hộ dân tâm huyết với làng chiếu Cẩm Nê và chính quyền địa phương muốn cứu lấy làng nghề chiếu có bề dày vài trăm năm tuổi đã quyết định tìm hướng đi mới, đó chính là làm du lịch tại làng chiếu. Những chiếc khung cửi đã được lau chùi sạch sẽ để chuẩn bị đón những đoàn khách du lịch, đặc biệt là du khách phương Tây đến để thưởng lãm nghề thủ công của làng nghề chiếu truyền thống.

Du khách tỏ ra rất thích thú khi những người dân làng chiếu Cẩm Nê trình diễn dệt chiếu, rồi hướng dẫn cho họ cách dệt nên một tấm chiếu hoàn toàn bằng thủ công. “Du khách khá thích với những giá trị truyền thống. Nên hy vọng mình dựa vào đó để đẩy làng nghề theo một hướng đi mới, trước mắt duy trì được nghề. Rồi từ đó, có được đời sống ổn định, người dân sẽ càng tâm huyết để vực dậy làng nghề”, nghệ nhân Phan Tân, người làm nghề chiếu Cẩm Nê tràn đầy hy vọng...

Cùng với việc phát triển dựa vào du lịch, chính quyền H.Hòa Vang cũng đưa ra định hướng cho người dân trong làng chiếu Cẩm Nê cần tìm tòi, sản xuất những sản phẩm có tính chất lưu niệm, tiện ích, để người dân có thể bán những sản phẩm này cho du khách, tăng nguồn thu qua đó phục hưng làng nghề chiếu đang có nguy cơ biến mất...

Sưu tầm

Tệp đính kèm