Cập nhật: 03/05/2018 12:57:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Âm nhạc đương đại Việt Nam được ví như một bức tranh đa sắc mà ở đó, người ta đang đi tìm những gam mầu mang tên “văn minh”. Trên thực tế, gam mầu ấy đang dần hiện lên rõ rệt nhờ những nỗ lực của giới nghệ sĩ có “tâm” với nghề.

Cảnh trong bài hát “Người yêu tôi không có gì để mặc” của nhóm Lộn Xộn.

Từ “hiện tượng” Lộn Xộn…

“Người yêu tôi không có gì để mặc” là tiết mục được gây chú ý nhất trong “Bài hát hay nhất” - cuộc thi dành cho những nghệ sĩ trẻ vừa sáng tác, vừa thể hiện ca khúc của chính mình trên sóng truyền hình thời gian qua. Ca khúc nói lên nỗi lòng đàn ông mỗi lần chờ đợi người yêu sắm sửa trang phục để đi chơi - chủ đề vô cùng gần gũi, thân thuộc và được thể hiện bởi nhóm nhạc có tên gọi rất “đời”: Lộn Xộn.

Bên cạnh sự đồng cảm từ người nghe, “Người yêu tôi không có gì để mặc” còn chinh phục cả bốn nhạc sĩ tài năng: Lê Minh Sơn, Đức Trí, Giáng Son, Hồ Hoài Anh. Bài hát còn khiến nhạc sĩ Lê Minh Sơn phải thốt lên: “Đừng nhầm lẫn âm nhạc Việt Nam chỉ là tuồng, chèo, cải lương, đây chính là nhạc Việt Nam đương đại”.

Nhạc đương đại được hiểu là sự hiện đại hóa của dòng nhạc cổ điển và bán cổ điển phương Tây. Rộng và phổ thông hơn, nhạc đương đại ám chỉ bất kỳ âm nhạc nào được viết trong thời điểm ngày nay, thuộc nhiều thể loại nhạc khác nhau. Song song với đó, thuật ngữ “âm nhạc văn minh" cũng xuất hiện.

Nhiều năm qua, giới làm nhạc nước nhà luôn đau đầu đi tìm thứ "âm nhạc đương đại" văn minh: Từ thời hoàng kim của những ca khúc vay mượn giai điệu từ nước ngoài, có ngôn từ sầu thảm, não nề trong quá khứ đến ca sĩ chỉ coi trọng phần ngoại hình, nổi lên nhờ “chiêu trò” thay vì giọng hát hiện tại.

Thành danh từ những bài hát về đề tài làng quê Việt Nam, nhưng nhạc sĩ Lê Minh Sơn không gò bó thẩm mỹ âm nhạc trong phạm vi “an toàn”. Vì vậy, khi lắng nghe một ca khúc dựa trên thể loại nhạc xuất phát từ nước ngoài (hip – hop) nhưng có ca từ, nội dung Việt Nam, anh vẫn không tiếc lời ca ngợi. Mặt khác, phát ngôn của Lê Minh Sơn dành cho Lộn Xộn cũng cho thấy anh đã chờ đợi quá lâu để được thưởng thức một ca khúc đương đại Việt Nam văn minh thực sự.

Nghệ sĩ độc lập: Đi tìm văn minh từ những điều giản dị

Thành công của ban nhạc Lộn Xộn một lần nữa xác lập vị thế của trào lưu nhạc độc lập (tên tiếng Anh: Indie) được định hình trong làng nhạc Việt hơn một năm qua. Đúng như tên gọi, nhóm nghệ sĩ độc lập tự mình thực hiện các khâu sản xuất âm nhạc, thay vì có một đội ngũ hùng hậu hỗ trợ phía sau. Về chuyên môn, phần lớn nghệ sĩ độc lập không được đào tạo bài bản qua trường lớp. Nhưng đó là lợi thế giúp họ không bị gò ép vào khuôn mẫu truyền thống, tự do “chơi” những gì mình muốn, tự do viết những chủ đề gần gũi với cuộc sống.

Hiện tại, những ban nhạc, nghệ sĩ độc lập tiêu biểu có thể kể đến: Ngọt, Lộn Xộn, Vũ, Trang hay ít đình đám hơn là Cá Hồi Hoang - ban nhạc rock ở Sài Gòn,… Thú vị hơn, họ đã thu hút lượng lớn khán giả trung thành, mà ngay cả các nghệ sĩ đại chúng cũng thèm muốn. Năm 2016, Nhóm Ngọt đã kêu gọi được 60 triệu đồng để thực hiện một album đầu tay từ một chiến dịch quyên góp qua mạng xã hội.

“Chất nhạc của nghệ sĩ độc lập khác biệt hoàn toàn với thứ âm nhạc thị trường dễ nghe rồi dễ quên, truyền tải thông điệp sống tích cực, giàu chiêm nghiệm về cuộc sống, bao gồm cả tình yêu. Đó là lý do họ có được lượng người hâm mộ trẻ rất ổn định”, Khánh Linh (21 tuổi, Hà Nội), một bạn trẻ quan tâm thường xuyên theo dõi những nghệ sĩ độc lập chia sẻ.

Nghệ sĩ đại chúng có gì?

Cùng với sự đi lên của dòng nhạc độc lập, nhiều nghệ sĩ thuộc dòng nhạc đại chúng vẫn đang làm rất tốt nhiệm vụ truyền bá âm nhạc văn minh tới người nghe, trước tiên phải kể đến Hà Anh Tuấn.

Thứ âm nhạc vừa sang trọng lại mộc mạc, vừa tinh tế lại gần gũi ấy của chàng trai xuất thân từ Sao Mai Điểm hẹn 2007 như một “tôn giáo”, thu hút khán giả mọi lứa tuổi. Những đêm diễn luôn “cháy” vé, những dự án hát lại ca khúc cũ gây chú ý trên mạng xã hội là phần thưởng cho sự nghiêm túc với âm nhạc của anh.

Mỹ Tâm, nữ ca sĩ luôn giữ vị trí hàng đầu trong làng giải trí nhờ biết thay đổi bản thân sao cho phù hợp với thị hiếu thời đại nhưng chưa bao giờ mất đi cái chất văn minh. Album mới nhất, “Tâm 9” của cô vừa tiêu thụ hết 9.999 bản, thậm chí lọt top 10 album bán chạy nhất thế giới trong thời gian ngắn - một kỳ tích với hình thức phát hành đĩa nhạc truyền thống.

Cùng với đó, các nghệ sĩ gạo cội cũng chung tay đóng góp cho làng nhạc những dự án quy mô và “dài hơi”. Young Hit Young Beat - chuỗi dự án sản xuất album của vợ chồng diva Mỹ Linh - nhạc sĩ Anh Quân, quy tụ nhiều nghệ sĩ trẻ tài năng được khởi động từ năm 2014. Lễ hội Âm nhạc Quốc tế Gió Mùa (Monsoon Music Festival) là dự án phi lợi nhuận, tổ chức theo mô hình Lễ hội âm nhạc và văn hóa gắn với các thành phố văn hóa của thế giới do nhạc sĩ Quốc Trung khởi xướng đã trải qua bốn năm, thú hút sự quan tâm từ giới trẻ.

Tất cả làm nên bức tranh nhiều mầu sắc nhưng không hề hỗn độn cho âm nhạc đương đại Việt Nam. 

 

Theo HOÀNG NAM/nhandan.com.vn

Tệp đính kèm