Cập nhật: 09/05/2018 09:01:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Trước mắt chúng tôi là thế giới đa dạng, phong phú của tượng gỗ dân gian. Tượng gỗ được trưng bày khắp mọi nơi từ cổng, dọc sân đến trước ngôi nhà truyền thống. Tượng đủ hình thù khác nhau: mẹ bồng con, đàn ông hút thuốc, người giã gạo, đánh trống…

Nghệ nhân ưu tú Ksor Hnao thổi hồn vào tượng gỗ dân gian.

Hội quán văn hóa giữa phố núi

Buổi chiều cuối tuần, xe chúng tôi chạy chậm giữa những cung đường uốn cong của thành phố Pleiku (Gia Lai). Gia Lai đang bước vào cuối mùa khô, trời trong xanh vời vợi, sức nóng của mặt trời khiến mặt đường nhựa cuộn lên từng làn hơi nóng tỏa vào tán cây ven đường. Tại đây, chúng tôi tìm về địa chỉ trưng bày những tác phẩm tượng gỗ dân gian của đồng bào Gia Rai.

Theo giới thiệu của Ths, nhà văn Hoàng Thanh Hương, Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin Công tác Tuyên giáo, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Gia Lai, chúng tôi đến hội quán của gia đình nghệ nhân Ksor Hnao để tìm hiểu về văn hóa truyền thống đồng bào Gia Rai. Nghệ nhân đứng đợi chúng tôi ngay trước cổng ngôi nhà. Bên cạnh, nổi bật tấm biển với dòng chữ cách điệu khắc trên chất liệu gỗ: “Nghệ nhân Ksor Hnao - văn hóa ẩm thực Gia Rai”. Nắng chiều đổ bóng khiến hàng chữ trên chiếc cổng trở nên mầu sắc hơn.

Bước vào khuôn viên của gia đình, một không gian xanh mát mở ra với những cây ăn quả lâu năm như vú sữa, mít, nhãn kèm theo những ô nhỏ trồng rau và hoa đặc trưng của người Tây Nguyên. Và khắp chung quanh là tượng. Nghệ nhân Ksor Hnao cười khi nói về những tác phẩm của mình: “Toàn bộ số tượng gỗ là cả cuộc đời của tôi. Trong khuôn viên hạn hẹp của gia đình, tôi chỉ lựa chọn một số tượng đại diện để trưng bày thôi. Còn phần lớn nằm lại trong các buôn làng”.

Nghệ nhân dẫn chúng tôi vào căn nhà đơn sơ được cách điệu từ nhà sàn truyền thống của đồng bào Gia Rai. Nhà được ghép bởi những cây gỗ tốt nên qua mấy chục năm, bao thế hệ trong gia đình ở vẫn bền chắc. Dọc tên vách, nghệ nhân Ksor Hnao treo các loại vũ khí săn bắn, chiêng, lục lạc, trống, đồ đan lát và một số tấm choàng dệt bằng thổ cẩm. Tấm choàng được chính tay người vợ dệt theo phương thức truyền thống nên ông rất quý và dành một vị trí trang trọng để treo trong căn nhà.

Chính giữa căn phòng, những món ăn truyền thống của đồng bào Gia Rai như: gà nướng chấm lá é, cơm nướng ống, thịt xiên nướng, lá mì xào cà đắng, được bày biện đơn sơ trên lá chuối. Hai ghè rượu được ủ lâu ngày đến giờ mới có dịp mời khách. Nghệ nhân Ksor Hnao đứng giữa những vị khách cất giọng trầm khàn như tiếng tù và vang dội núi rừng. Ông mở ghè rượu và đọc lời khấn Yàng cầu chúc sức khỏe, may mắn cho những người khách phương xa. Nghệ nhân nếm trước một ngụm nhỏ rồi nâng cần cho một người đại diện đoàn. Rồi chúng tôi mỗi người lần lượt được uống từng “kang” rượu ngọt và thơm nồng như dòng nước suối.

Đón tiếp chúng tôi còn có nghệ nhân ưu tú Rơ Chăm Tih, người chuyên chế tác và trình diễn nhạc cụ dân tộc. Ông mặc chiếc áo dài tay truyền thống của người Gia Rai đứng giữa căn phòng. Cây đàn goong tì chéo trên bụng, đôi tay nghệ nhân nhấn, búng nhẹ nhàng tạo nên âm thanh rộn ràng, rạo rực như nắng, gió Tây Nguyên. Những vị khách ngây ngất trong men rượu, tiếng nhạc khi du dương, khi trầm hùng của đồng bào Gia Rai.

Tranh thủ lúc mọi người đang ca hát, chúng tôi được nghệ nhân Ksor Hnao tâm sự: “Hiện nay, lớp trẻ ở buôn làng ít còn quan tâm đến văn hóa truyền thống dân tộc, đặc biệt là tượng nhà mồ. Tôi mở hội quán cũng để quảng bá tượng nhà mồ với mong muốn người trẻ và đặc biệt là những du khách thích khám phá có thể hiểu hơn những nét đặc sắc của dân tộc Gia Rai. Nhiều người quan tâm, thích chụp ảnh và đặt câu hỏi về tượng nhà mồ là tôi vui rồi”.

Trăn trở nghề tạc tượng

Từ nhỏ, khi cùng bạn qua dãy nhà mồ, cậu bé làng Kép đã mê say với những bức tượng đủ hình thù. Việc theo học tạc tượng cũng lắm công phu, nghệ nhân Ksor Hnao nhớ lại: “Theo quan niệm của đồng bào Gia Rai, không ai được chế tác tượng nhà mồ một cách công khai. Đó là điều cấm kỵ vì sợ mang đến điềm không tốt cho buôn làng. Vì thế, trừ dịp làm lễ bỏ mả, còn lại, tôi phải xách đồ nghề cho các nghệ nhân vào sâu trong rừng tìm những loại gỗ tốt như đinh hương, cẩm lai, trắc… để tạc tượng”.

Không chỉ chế tác tượng giỏi, nghệ nhân Ksor Hnao còn tích cực truyền dạy tạc tượng gỗ dân gian. Nghệ nhân đã hỗ trợ nhiệt tình cho các hoạt động bảo tồn nghệ thuật dân gian do Sở Văn hóa, Thể Thao và Du lịch tỉnh Gia Lai tổ chức như tổ chức lớp học tạc tượng, thi tạc tượng nhà mồ… Đánh giá cao tâm huyết bảo tồn nghệ thuật tạc tượng gỗ dân gian của nghệ nhân Ksor Hnao, chị Hoàng Thanh Hương chia sẻ: “Ngày nay, ở hầu hết các vùng, đồng bào Gia Rai không làm lễ bỏ mả nữa. Vì vậy, tượng nhà mồ cũng dần mai một khiến nhiều nghệ nhân đi vào quên lãng. Ksor Hnao là một trong số ít những nghệ nhân còn duy trì nghệ thuật tạc tượng nhà mồ. Ông không chỉ tích cực truyền dạy cho thế hệ trẻ mà còn xây dựng mô hình kinh tế kết hợp với quảng bá văn hóa truyền thống dân tộc mình”.

Đêm muộn, chủ và khách quyến luyến chào nhau ra về. Trong sân vườn, bếp lửa vẫn bập bùng đỏ lửa làm nổi bật những hình khối tượng gỗ đứng âm thầm, lặng lẽ theo thời gian. Những hình khối mộc mạc, thân quen ấy vẫn ngày đêm kể tiếp câu chuyện đầy tâm huyết của người Nghệ nhân ưu tú trên hành trình bảo tồn và phát huy văn hóa độc đáo của đồng bào Tây Nguyên.

Tượng gỗ dân gian như “nghiệp” riêng gắn bó với nghệ nhân Ksor Hnao. Nghệ nhân tâm sự: “Điều hay và độc đáo của nghệ thuật tạo hình tượng gỗ là có thể hình dung được cuộc sống đời thường của đồng bào và tình cảm của mỗi nghệ nhân gửi gắm. Những biểu cảm cụ thể gắn với khát vọng thực tế: buồn, vui, hạnh phúc, khổ đau… là cầu nối giữa người đã khuất và người còn sống”.

Theo nhandan.com.vn

Tệp đính kèm