Nếu TP Hồ Chí Minh tháng 5 là bắt đầu của mùa mưa thì miền bắc là bắt đầu của mùa nắng nóng oi bức, với nhiệt độ luôn ở từ 34-37 độ C. Môi trường nắng nóng là điều kiện thuận lợi cho các mầm bệnh phát triển, lây lan và gây bệnh. Một số loại bệnh trở nên phổ biến trong giai đoạn này, điển hình như sốt do virus, bệnh đường hô hấp, bệnh đường tiêu hóa.
Nên dùng nhiều rau quả tươi trong thực đơn ngày hè.
Theo các chuyên gia y tế, thời tiết nắng, nóng làm cơ thể ra mồ hôi nhiều, nếu không được bù nước đầy đủ sẽ gây mất nước, điện giải. Đồng thời, việc bật quạt gió mạnh thổi trực tiếp vào người hoặc để nhiệt độ điều hòa quá thấp dễ gây nhiễm lạnh. Ngoài ra, việc không bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm trong môi trường mầm bệnh sinh sôi cũng là nguyên nhân dẫn đến bệnh tiêu chảy cấp. Đặc biệt, tia tử ngoại của ánh nắng mặt trời có thể dẫn đến ung thư da. Say nắng, kiệt sức, mất nước, chuột rút… cũng có thể xảy ra do thời tiết nắng nóng.
Khi trời nắng nóng, cơ thể uể oải khiến chúng ta không muốn ăn mà chỉ thấy khát nước. Tuy nhiên PGS, TS Lê Danh Tuyên, Giám đốc Viện Dinh dưỡng quốc gia đưa ra lời khuyên, cần phải bảo đảm chế độ ăn đủ chất, cân bằng hợp lý và đa dạng thực phẩm, ăn chất béo ở mức vừa phải, tăng cường hoa quả tươi và uống đủ nước. Theo đó, rau xanh là loại thực phẩm không thể thiếu trong bữa ăn. Người nội trợ trong gia đình cần bảo đảm mỗi người phải nạp đủ từ 300-400 gram rau/ngày. Ngoài việc cung cấp các chất xơ, vitamin C - B1- B2, beta-carotene (tiền vitamin A), canxi, sắt, axit citric, rau xanh còn cung cấp chất nhờn cho đường ruột, có tác dụng tăng hấp thu dưỡng chất trong thức ăn. Nhờ đó, rau xanh giúp giảm cân ở người béo phì, đồng thời làm giảm cholesterol toàn phần trong máu.
Ngoài ra, các loại rau gia vị như tía tô, mùi tàu, thìa là, rau ngổ, rau răm, hành hoa, hẹ, xương sông, mơ lông, diếp cá… Các loại gia vị củ như hành, tỏi, gừng, riềng, nghệ… cũng tăng cường tinh dầu, vitamin, khoáng chất, kháng sinh thực vật giúp cơ thể phòng cảm cúm.
Trong khẩu phần ăn hằng ngày, các thực phẩm như tinh bột cần chiếm khoản 55 - 65% đơn vị năng lượng. Ăn thịt ở mức vừa phải, trung bình khoảng 1,5 kg/người/tháng và ăn cá nhiều hơn ăn thịt, mỗi tuần nên có ít nhất ba bữa cá. Sử dụng dầu thực vật để chế biến thức ăn vì trong dầu thực vật có nhiều axit béo không no có tác dụng phòng bệnh xơ vữa động mạch.
Với các loại rau củ quả, nên ăn nhiều cà chua vào mùa hè để giúp thanh nhiệt, giải độc cơ thể. Cà chua còn cung cấp năng lượng, cung cấp khoáng, làm cân bằng tế bào, chống nhiễm khuẩn, lợi tiểu, giúp tiêu hóa dễ dàng các loại tinh bột… Bổ sung các loại thực phẩm có tính mát khác bao gồm quả bơ, sắn dây, đỗ xanh, đỗ đen, rau má, rau mồng tơi, bí đao, mướp đắng, giá, rau đắng, rau đay, đậu bắp, củ sen, ngó sen, củ cải, súp lơ, rau diếp, các loại cải, dưa chuột, thịt vịt, nghêu, sò, ốc, hến, tôm nước ngọt, cá, cua đồng, cua biển…
PGS, TS Lê Danh Tuyên lưu ý thời điểm khí hậu nóng oi, các bữa ăn trong ngày cần hạn chế dùng những thực phẩm có tính nóng, cay, các món nhiều chất béo. Nên thay những món chiên xào bằng món luộc và dùng nhiều rau quả tươi. Hạn chế uống nhiều nước ướp lạnh, nhất là khi vừa đi ngoài trời nắng về. Bên cạnh đó, thời tiết nóng cũng dễ làm thức ăn ôi thiu, vậy nên cần xem lại các món chế biến sẵn, khi dùng cần hâm nóng lại.
Theo THỦY HÀ/nhandan.com.vn