Cập nhật: 10/05/2018 13:58:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Với 71 lần tổ chức, Liên hoan phim Cannes được coi là liên hoan phim quốc tế lâu đời nhất và uy tín nhất trên thế giới. Sự kiện này không chỉ là cơ hội để các nhà làm phim trên toàn cầu hiện thực hóa ước mơ điện ảnh và giới thiệu các tác phẩm mới nhất của mình, mà còn là "thanh nam châm" thu hút sự chú ý của công chúng và giới làm nghề. 

(Nguồn: Mediatalks4u.com)

Diễn ra từ ngày 8-19/5 tới, Liên hoan phim Cannes 2018 - với rất nhiều điểm nhấn từ chất trẻ và "nữ tính" trong thành phần Ban giám khảo Phim dự thi cho tới cuộc hội ngộ của những tài năng điện ảnh châu Á - tất cả đang thổi một luồng sinh khí mới vào sự kiện điện ảnh đã 71 tuổi này, hứa hẹn khiến lễ hội điện ảnh năm nay trở nên vô cùng sôi động.

Không ngoa khi nhận xét rằng châu Á là “thế lực mới” tại Cannes năm nay, khi đại diện châu lục này hiện diện ở hầu hết các hạng mục giải thưởng từ chính đến phụ.

Dự tranh hạng mục Palme d'Or (Cành cọ Vàng) - giải thưởng danh giá nhất của Liên hoan phim Cannes - năm nay có con số kỷ lục 6/21 phim của các nền điện ảnh Á châu. Trong số đó có đại diện Nhật Bản - phim "Netemo Sametemo (Asako I & II)" và "Shoplifters"; 1 đại diện Hàn Quốc - phim "Burning," 1 đại diện Trung Quốc - phim "Ash Is Purest White," 1 đại diện Iran - phim "3 Faces" và 1 từ Kazakhstan - phim "My Little One."

Đây đều là "những đứa con tinh thần" của các nhà làm phim có hơn 1 lần đến Cannes và từng chạm tay vào những giải thưởng danh giá dành cho đạo diễn, biên kịch, hay giải thưởng của ban giám khảo. Vì vậy, cơ hội cho phim châu Á lên ngôi năm nay được cho là rất lớn.

Tại các hạng mục khác của Liên hoan phim Cannes 2018 như Un Certain Regard (Nhãn quan độc đáo) và Screening Midnight (Suất chiếu đêm), điện ảnh châu Á cũng góp mặt với các tên tuổi lớn. Hai nhà làm phim Bi Gan (Trung Quốc) và Nandita Das (Ấn Độ) sẽ mang đến Liên hoan phim năm nay 2 tác phẩm mới nhất của họ là "Long Day’s Journey into the Night" và "Manto" chiếu trong chương trình Un Certain Regard.

Trong khi đó, đạo diễn Wang Bing của Trung Quốc sẽ giới thiệu bộ phim tài liệu "Dead Souls" dài hơn 8 tiếng nói về cái chết và nhóm các nhà làm phim Aditya Assarat, Wisit Sasanatieng, Chulayarnon Sriphol, Apichatpong Weerasetakul sẽ giới thiệu phim "10 Years in Thailand," lấy ý tưởng từ "10 Years" của điện ảnh Hong Kong (Trung Quốc) trong chương trình Screening Midnight cùng với phim "The Spy Gone North" của Hàn Quốc (đạo diễn Yoon Jong Bin).

Điện ảnh Việt Nam có 3 đại diện góp mặt tại Liên hoan phim Cannes 2018. Bộ phim "Angel Face" (Gương mặt thiên thần) do diễn viên Lý Nhã Kỳ đầu tư và hợp tác sản xuất cùng hai đơn vị Moana Films và Windy Production của Pháp đã được chọn vào danh sách những bộ phim tranh giải Un Certain Regard - giải thưởng quan trọng thứ nhì sau giải Cành cọ Vàng.

Bộ phim nói tiếng Pháp này do nữ đạo diễn trẻ người Pháp Vanessa Filho thực hiện, với sự tham gia diễn xuất của "bông hồng nước Pháp" Marion Cotillard - minh tinh hiếm hoi của điện ảnh Pháp đương đại từng giành giải Oscar.

Tác phẩm thứ 2 tham gia tranh giải mang yếu tố Việt Nam là "To the Ends of the World" (Nơi tận cùng thế giới) với sự tham gia của nữ diễn viên Trần Lãng Khê - con gái đạo diễn Trần Anh Hùng - trong vai nữ chính. Đây là câu chuyện về tình yêu giữa một người lính Pháp và cô gái Việt Nam thời kháng chiến chống Pháp được quay tại Việt Nam năm 2017. Một số đại diện của Việt Nam cũng tham gia trong nhóm sản xuất bộ phim này.

"To the Ends of the World" sẽ tham gia tranh giải Directors’ Fortnight do Hiệp hội Đạo diễn Pháp tuyển chọn.

Trong khi đó, "Glorious Ashes” (Tàn tro rực rỡ) của đạo diễn Bùi Thạc Chuyên được chọn là một trong 15 dự án thuộc khuôn khổ chương trình The Atelier - Quỹ điện ảnh Cinéfondation nhằm tìm kiếm cơ hội trao đổi hợp tác, kêu gọi các đối tác đầu tư đến từ khắp nơi trên thế giới.

Năm nay, vấn đề "dương thịnh âm suy" - chủ đề vốn được bàn luận nhiều tại các kỳ Liên hoan phim trước - dường như cũng đã được giải quyết khá triệt để, khi có tới 3 đạo diễn nữ có phim dự tranh Cành cọ Vàng là Eva Husson (Pháp, phim "Girls Of The Sun"), Nadine Labaki (Liban, phim "Capernaum") và Alice Rohrwacher (Italy, phim "Lazzaro Felice").

Ngoài ra, khoảng 50% số phim tham gia hạng mục Un Certain Regard là do các nhà làm phim nữ thực hiện. Thành phần Ban giám khảo Phim dự thi Cannes 2018 cũng lần đầu tiên chứng kiến một sự đột biến, với số thành viên nữ đông đến vậy - 5/9 người.

Nhiều người cho rằng sự sắp xếp này không chỉ đơn thuần là phân bổ tỷ lệ nam-nữ sao cho hợp lý hơn, mà còn là một động thái cho thấy Ban tổ chức Liên hoan phim Cannes 2018 hưởng ứng các phong trào phản đối quấy rối tình dục nữ vốn đã khuấy động lễ trao giải Oscar trước đó. Quan điểm này càng được củng cố hơn khi Chủ tịch Ban giám khảo Phim dự thi năm nay - nữ diễn viên gạo cội Cate Blanchett chính là nhà đồng sáng lập phong trào Time's Up và là một trong số những người đầu tiên lên tiếng tố cáo "yêu râu xanh" Harvey Weinstein - một trong những tên tuổi lớn trong giới làm phim Holywood.

Bên cạnh đó, những gương mặt rất trẻ trong đội ngũ Ban giám khảo Liên hoan phim Cannes 2018 như hai nữ diễn viên Léa Seydoux (Pháp) và Kristen Stewart (Mỹ) hay tài tử Đài Loan (Trung Quốc) Trương Chấn cũng được cho là những nhân tố đáng chú ý.

Năm nay, lần đầu tiên cờ Palestine tung bay tại sự kiện điện ảnh quốc tế lâu đời và quy mô nhất thế giới này. Theo giới phê bình, đây là bước tiến quan trọng đối với ngành công nghiệp điện ảnh còn non trẻ Palestine.

Cùng khoảng 70 gian trưng bày của các quốc gia và vùng lãnh thổ trên khắp thế giới, gian trưng bày của Palestine sẽ giúp các nhà làm phim Palestine đến gần hơn với bạn bè trên toàn thế giới, đồng thời mang đến cơ hội quảng bá không chỉ về lĩnh vực điện ảnh mà cả về du lịch và văn hóa.

 

 

Theo THANH PHƯƠNG (TTXVN/VIETNAM+)

https://www.vietnamplus.vn/lien-hoan-phim-cannes-nam-2018-the-luc-moi-troi-day/501425.vnp

 

Tệp đính kèm