Cập nhật: 12/05/2018 10:07:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Tỷ lệ thu/GDP của Việt Nam không thấp, nhưng áp lực tăng chi tiêu công vẫn ở mức cao khiến Việt Nam phải vay nợ và các chỉ số nợ đã sát ngưỡng an toàn.

Theo báo cáo mới nhất của Bộ Tài chính, ước tính tỷ lệ nợ công của Việt Nam so với GDP đến hết tháng 4 là khoảng 55,9%. Trong đó, nợ Chính phủ so với GDP khoảng 47,5%; nợ được bảo lãnh Chính phủ so với GDP khoảng 7,9%; nợ chính quyền địa phương so với GDP khoảng 0,5%.

Về khoản tiền trả nợ vay của Chính phủ trong 4 tháng đầu năm, Bộ Tài chính cho biết đã trả 76.158 tỷ đồng. Trong đó, số tiền trả nợ vay trong nước 59.383,5 tỷ đồng, trả nợ vay nước ngoài 16.774,2 tỷ đồng.

4 tháng đầu năm 2018, Chính phủ trả nợ 76.158 tỷ đồng (Ảnh minh họa: KT)

Ngân hàng Thế giới (WB) mới đây cũng lên tiếng cảnh báo Việt Nam thuộc nhóm quốc gia có nợ công tăng nhanh nhất, và cho rằng nợ công Việt Nam sẽ vượt mức an toàn trong năm 2018.

Các chỉ số nợ đã sát ngưỡng an toàn

Theo báo cáo của Kiểm toán Nhà nước (KTNN) chuyên đề về kiểm toán nợ công, dự kiến năm 2018, nhu cầu vay bù đắp bội chi Ngân sách Trung ương là 195.000 tỷ đồng, vay mới để trả nợ gốc là 146.770 tỷ đồng và vay nước ngoài về cho vay lại khoảng 40.000 tỷ đồng. Dư nợ công cuối năm 2018 dự kiến ở mức khoảng 63,9% GDP, dư nợ Chính phủ ở mức khoảng 52,5% GDP và dư nợ nước ngoài của quốc gia khoảng 47,6% GDP, nằm trong giới hạn cho phép (dưới 50%).

Tuy nhiên, Báo cáo Đánh giá Chi tiêu công của Việt Nam do WB thực hiện chỉ ra, chi ngân sách đang tiếp tục tăng cao. Trong đó, chi thường xuyên chiếm tỷ trọng ngày càng lớn với 70% tổng chi ngân sách hàng năm (thậm chí có năm lớn hơn). Cùng với chi nuôi bộ máy, chi trả nợ cũng ngày càng tăng và trở thành gánh nặng lớn với ngân sách. WB đánh giá, chi trả nợ gốc, lãi vay tăng nhanh hơn cả tăng trưởng kinh tế và đang tiệm cận ngưỡng an toàn (theo quy định của Việt Nam).

Bên cạnh đó, nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài của Việt Nam tiếp tục tăng lên. Dù Chính phủ vẫn đảm bảo thanh toán trả nợ nhưng hệ số thanh toán trả nợ khá cao. Mặt khác, lãi suất vay ưu đãi từ các nhà tài trợ nước ngoài tăng lên (thậm chí có khoản vay có lãi suất lên tới 4,5%/năm), làm tăng chi phí huy động vốn và nghĩa vụ trả nợ.

Theo bà Vũ Hoàng Quyên, Chuyên gia kinh tế cao cấp của WB, tỷ lệ thu - chi ngân sách của Việt Nam đang ở mức trên trung bình so với các nước trong khu vực và các nước có thu nhập tương đương.

“Vấn đề đáng lo ngại là tỷ lệ thu trên GDP không thấp hơn các quốc gia khác, nhưng áp lực tăng chi tiêu công vẫn ở mức cao (kể cả chi đầu tư và chi thường xuyên), khiến Việt Nam phải vay nợ và các chỉ số nợ đã sát ngưỡng an toàn”, bà Vũ Hoàng Quyên đánh giá.

Đại diện WB cho rằng, nếu xu hướng này vẫn tiếp diễn, Việt Nam sẽ phải đối mặt với những quan ngại nghiêm trọng về bền vững tài khóa. Theo WB, bên cạnh cải thiện cơ cấu vay, áp lực huy động để đảo nợ vẫn còn lớn, khoảng 50% nợ trong nước Việt Nam sẽ đáo hạn trong 3 năm tới. Đây sẽ là áp lực rất lớn trong điều kiện các nhà đầu tư tham gia thị trường trái phiếu Chính phủ còn hạn chế như hiện nay.

Tính bền vững của NSNN rất “yếu”

Theo nhiều chuyên gia kinh tế, hiện ngân sách nhà nước đang gặp vấn đề rất lớn khi 85% số thu ngân sách hằng năm để chi thường xuyên và trả nợ, chỉ có khoảng 10% dùng cho chi đầu tư phát triển. Trong khi, đáng ra chi đầu tư phát triển phải trên 30% số thu.

TS Phan Hữu Nghị, Trưởng Bộ môn Tài chính công, Đại học Kinh tế Quốc dân cho rằng, Việt Nam đang tốc độ tăng chi tiêu ngân sách nhà nước (NSNN) rất nhanh cả về số tuyệt đối và số tương đối, tốc độ tăng thu và chi NSNN nhanh hơn hẳn tốc độ tăng trưởng nền kinh tế.

“Tính bền vững NSNN từ lâu nay đã rất “yếu”. Chi tiêu ngân sách của Việt Nam tăng nhanh hơn 10%/năm, thậm chí có giai đoạn lên tới hơn 20%, trong khi tốc độ tăng trưởng nền kinh tế chỉ ở mức 6-7%”, TS Phan Hữu Nghị chỉ rõ.

Với quy mô GDP đạt khoảng 5 triệu tỷ đồng thì nợ công của Việt Nam gần 2,8 triệu tỷ đồng. Chia ra bình quân đầu người, mỗi người Việt Nam đang gánh khoảng 30 triệu đồng tiền nợ công.

Trong mấy năm gần đây, áp lực trả nợ rất lớn. Số tiền trả nợ mỗi năm khoảng 100.000 tỷ đồng. Do đó, dù tỷ lệ nợ công trên GDP có giảm, còn 55,9%, nhưng tổng nợ tuyệt đối vẫn tăng lên.

Theo TS Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, cần phải chấm dứt sự tùy tiện, lỏng lẻo và các sơ hở gây nên nợ công.

“Khi tăng sắc thuế này, thuế kia, phía Bộ Tài chính thường hay lý giải tăng theo thông lệ quốc tế. Nhưng thông lệ quốc tế về chi thì ít ai nói đến. Các nước quy định về chi hết sức chặt chẽ, chặt chẽ đến mức tàn nhẫn", ông Doanh nhấn mạnh.

Do đó, theo ông Doanh, Việt Nam cần phải có tham khảo thông lệ quốc tế về chi ngân sách vì thực tế trong nhiều năm bội chi tăng cao, dẫn đến phải đi vay nợ để chi cho đầu tư phát triển.

"Chi thường xuyên lên đến 71%, chi trả nợ bằng 24,5% tổng chi ngân sách. Cộng hai khoản này lại thì chi đầu tư còn rất ít ỏi. Và chi đầu tư hoàn toàn dựa vào khoản vay, có lúc chi thường xuyên cũng phải đi vay. Đây là điều hết sức lo ngại", ông Doanh nói.

Theo các chuyên gia, để quản lý nợ công an toàn, hiệu quả, Chính phủ cần tiếp tục thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp. Trong đó, quản lý chặt chẽ việc huy động vốn cho NSNN và đầu tư phát triển; thực hiện vay nợ trong phạm vi kế hoạch hàng năm được cấp có thẩm quyền phê duyệt; kiểm soát chặt chẽ việc cho vay lại và bảo lãnh Chính phủ; kiểm soát chặt các chỉ tiêu an toàn nợ trong phạm vi chỉ tiêu an toàn nợ được Quốc hội cho phép…/.

Theo Cẩm Tú/VOV.VN

Tệp đính kèm