Triển lãm “60 năm Nhà sàn Bác Hồ trong Khu Phủ Chủ tịch” chính thức khai mạc vào sáng 11/5.
Ảnh: VGP/Nhật Nam
Triển lãm “60 năm Nhà sàn Bác Hồ trong Khu Phủ Chủ tịch” gồm 200 tư liệu ảnh, các trang bản thảo có bút tích với 3 phần nội dung chính: Phần 1 là Chủ tịch Hồ Chí Minh và những ngôi nhà sàn ở chiến khu Việt Bắc. Phần 2 là Ngôi nhà sàn Bác Hồ tại Thủ đô Hà Nội. Phần 3 là Nhà sàn Bác Hồ - biểu tượng của tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và tinh thần đoàn kết dân tộc, hội nhập quốc tế.
Các cựu chiến binh tham quan triển lãm ngay trong khuôn viên Khu di tích Phủ Chủ tịch. Ảnh: VGP/Nhật Nam
Năm 1954, ngay sau khi về tiếp quản Thủ đô, với mong muốn đảm bảo điều kiện làm việc tốt nhất cho Chủ tịch Hồ Chí Minh trên cương vị là người đứng đầu đất nước và đáp ứng được những nghi lễ ngoại giao khi đón tiếp khách trong nước và quốc tế, Bộ Chính trị cùng Trung ương Đảng đã trân trọng mời Bác về ở và làm việc trong tòa nhà sang trọng vốn là Phủ toàn quyền Đông Dương nhưng Người từ chối. Người quyết định về ở ngôi nhà của người thợ điện phục vụ cho Phủ toàn quyền trước đây. Nhưng bởi điều kiện sinh hoạt thiếu thốn, mùa hè thì nóng bức, thời điểm giao mùa thì ẩm thấp nên nhiều lần Bộ chính trị đã đề nghị xây dựng cho Người một ngôi nhà mới.
Nhưng phải đến 4 năm sau, khi đời sống của nhân dân đã phần nào được cải thiện, Chủ tịch Hồ Chí Minh mới đồng ý làm ngôi nhà nhỏ bên cạnh bờ ao. Nhiệm vụ thiết kế ngôi nhà được giao cho kiến trúc sư Nguyễn Văn Ninh, bấy giờ là Cục phó Cục Thiết kế kiến trúc. Ông cũng là một trong 8 kiến trúc sư đã tốt nghiệp Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương.
Những hình ảnh về nhà sàn Bác Hồ tại Thủ đô Hà Nội, bắt đầu từ khi khởi công xây dựng năm 1958. Ảnh: VGP/Nhật Nam
Trước khi thực hiện bản thiết kế, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cho mời kiến trúc sư đến trao đổi, gợi ý những nét chính của ngôi nhà. Thông qua những chỉ đạo của Bác, kiến trúc sư đã cảm nhận sâu sắc những ân tình sâu nặng của Người khi mong muốn xây dựng một ngôi nhà sàn theo kiểu nhà của đồng bào dân tộc thiểu số ở Việt Bắc, giống như ngôi nhà Bác đã từng sống và đồng cam cộng khổ với đồng bào trong những năm kháng chiến chống Pháp. Bác cũng đề nghị diện tích không nên làm rộng, chỉ vừa đủ cho một người ở. Về việc chọn gỗ để xây dựng nhà sàn, nên dùng gỗ thường, để tránh lãng phí, tiết kiệm tiền bạc cho nhân dân.
Các chiến sĩ Đoàn 5 Tổng cục Hậu Cần – Quân đội nhân dân Việt Nam đã vinh dự được nhận trọng trách quan trọng, xây dựng ngôi nhà dành tặng Bác Hồ kính yêu. Sau khi chuẩn bị kỹ lưỡng, mùa hè năm 1958 ngôi nhà chính thức được khởi công xây dựng, chỉ trong 1 tháng làm việc khẩn trương, ngày 17/5/1958 ngôi nhà được hoàn thiện đúng dịp sinh nhật lần thứ 68 của Người. Theo đúng bản thiết kế, cảnh quan kiến trúc mới đã được xây dựng lấy ngôi nhà sàn làm trung tâm xung quanh là vườn cây, ao cá, cùng với hàng rào râm bụt gợi nhớ hình ảnh quê hương xứ Nghệ.
Ngôi nhà sàn nhỏ của Chủ tịch Hồ Chí Minh có 2 tầng, tầng dưới được Chủ tịch Hồ Chí Minh dành làm nơi họp của Bộ Chính trị, tầng trên cũng chỉ có một phòng ngủ và một phòng làm việc. Tại đây, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tiếp thân mật một số đoàn khách quốc tế là những đoàn đại biểu đến từ Liên Xô, Ba Lan, Tiệp Khắc, New Zealand… và những người bạn thân thiết như gia đình luật sư Loseby; những nhà văn, nhà báo đến từ Italy, Trung Quốc, Nhật Bản, Cuba, Bulgari...
Triển lãm là hoạt động tuyên truyền mang ý nghĩa thiết thực và một lần nữa khẳng định: Cuộc đời của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trở thành huyền thoại. Ngôi nhà của Người cũng trở thành một phần huyền thoại đó và tồn tại trong trái tim nhân dân Việt Nam và bạn bè thế giới không chỉ ngày hôm nay mà mãi mãi về sau.
Hội thảo khoa học “60 năm Nhà sàn Bác Hồ trong Khu Phủ Chủ tịch”. Ảnh: VGP/Nhật Nam
Bên cạnh hoạt động triển lãm, Ban tổ chức còn tổ chức Hội thảo khoa học với sự tham dự của đông đảo các nhà khoa học, các nhà quản lý, các nhân chứng lịch sử... cùng nhau trao đổi, cung cấp tư liệu, tài liệu, hiện vật về di tích Nhà sàn để làm cơ sở cho việc bổ sung trưng bày cũng như cho công tác bảo quản và phát huy giá trị di tích trong thời gian tới.
Bộ sưu tập thiếp chúc Tết của Chủ tịch Hồ Chí Minh từ năm 1954 đến năm 1969 . Ảnh: VGP/Nhật Nam
Bộ sưu tập báo cắt dán về gương “Người tốt, việc tốt” có bút tích của Chủ tịch Hồ Chí Minh đề nghị tặng thưởng Huy hiệu của Người. Ảnh: VGP/Nhật Nam
Tại triển lãm, Ban tổ chức còn trưng bày những hình ảnh tư liệu quý như Bộ sưu tập thiếp chúc Tết của Chủ tịch Hồ Chí Minh từ năm 1954 đến năm 1969 hay Bộ sưu tập báo cắt dán về gương “Người tốt, việc tốt” có bút tích của Chủ tịch Hồ Chí Minh đề nghị tặng thưởng Huy hiệu của Người.
Theo Nhật Nam/Chinhphu.vn