Ngày 18/5, phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản,” “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Ngân hàng thương mại cổ phần Đại Tín (gọi tắt là Ngân hàng Đại Tín) tiếp tục với phần xét hỏi.
Đáng lưu ý là việc xuất hiện tình tiết mới liên quan đến hành vi cố ý làm trái, hạch toán thu chi khống, đẩy dư nợ cho Công ty cổ phần đầu tư Phương Trang (gọi tắt là Công ty Phương Trang).
Các bị cáo Hoàng Văn Toàn, Trần Sơn Nam (từ trái qua) tại phiên tòa ngày 18/5. (Ảnh: Thành Chung/TTXVN)
Xem xét, đánh giá chứng cứ mới
Tại phiên tòa ngày 18/5, Chủ tọa phiên tòa đã thông báo về việc xử lý chứng cứ mới được luật sư Trương Thị Minh Thơ (luật sư bào chữa cho bị cáo Hứa Thị Phấn) công bố tại tòa ngày 16/5.
Theo thông báo, chủ tọa phiên tòa, đại diện Viện Kiểm sát nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh giữ quyền công tố tại tòa đã tiếp nhận chứng cứ và chuyển Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao xem xét, đánh giá chứng cứ. Sau khi Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao có kết luận sẽ chuyển chứng cứ cho Hội đồng xét xử đánh giá. Nếu chứng cứ hợp lệ thì Hội đồng xét xử sẽ công bố đầy đủ tại phiên tòa và để các luật sự có quyền tiếp cận, nghiên cứu.
Cụ thể, bằng chứng mới mà luật sư Trương Thị Minh Thơ cung cấp là các tài liệu và một đoạn ghi âm nội dung được cho là cuộc trao đổi giữa bà Hứa Thị Phấn với ông Nguyễn Hữu Luận (Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Phương Trang) và ông Phạm Đăng Quan (Tổng Giám đốc Công ty Phương Trang).
Tại phiên tòa 18/5, luật sư Trương Minh Thơ cũng công bố nhiều hình ảnh nhằm chứng minh mối quan hệ giữa các lãnh đạo của Công ty Phương Trang với bà Hứa Thị Phấn, không chỉ đơn giản là mối quan hệ vay mượn như bản cáo trạng số 44-CTr-VKSNDTC-V3 ngày 10/3/2018 của Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao thể hiện.
Theo Chủ tọa phiên tòa, vì thời hạn xử lý chứng cứ mới do luật sư Trương Thị Minh Thơ cung cấp diễn ra ngắn nên Tòa đề nghị luật sư này sẵn sàng hợp tác khi có yêu cầu của Viện Kiểm sát nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh hoặc Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao; đồng thời có thể cùng chứng kiến việc xử lý chứng cứ là đoạn ghi âm được lưu giữ trong USB, được chính luật sư Trương Thị Minh Thơ ký niêm phong.
Trong diễn biến liên quan, trả lời câu hỏi của luật sư Trương Thị Minh Thơ, các bị cáo Hoàng Văn Toàn (nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng Đại Tín), Trần Sơn Nam (nguyên Tổng Giám đốc Ngân hàng Đại Tín), Nguyễn Vĩnh Mậu (nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng Đại Tín), Ngô Kim Huệ (nguyên Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Đại Tín) đều khai rằng bị cáo Hứa Thị Phấn cùng Hội đồng quản trị, Ban Giám đốc Ngân hàng Đại Tín có đi du lịch chung với nhóm các lãnh đạo của Công ty Phương Trang. Bản thân lãnh đạo Công ty Phương Trang cũng thường xuyên gặp bà Hứa Thị Phấn.
Bị cáo Ngô Kim Huệ tại phiên tòa. (Ảnh: Thành Chung/TTXVN)
Tại phiên tòa, đại diện là ủy quyền của Công ty Phương Trang tham gia phiên tòa đều né tránh nhiều câu hỏi của luật sư, thậm chí cho rằng, có những câu hỏi luật sư nêu ngoài vụ án thể hiện quan điểm riêng của luật sư. Công ty Phương Trang không có nghĩa vụ trả lời, ngay cả đối với bằng chứng là những bức ảnh thể hiện mối quan hệ giữa lãnh đạo Công ty Phương Trang với bà Hứa Thị Phấn.
Đại diện Công ty Phương Trang cho biết trước khi vụ án được khởi tố hình sự, phía Công ty Phương Trang đã nhiều lần đề nghị bà Hứa Thị Phấn và Ngân hàng Đại Tín đối chiếu các khoản tất toán thu chi, nếu có vướng mắc thì cùng giải quyết nhưng vẫn không thực hiện được. Vì thế, đến năm 2012 Công ty Phương Trang đã có đơn tố cáo đến Cơ quan Cảnh sát điều tra.
Làm rõ việc giải ngân hết hay chưa gần 16.500 tỷ đồng
Bản cáo trạng số 44/CTr-VKSNDTC-V3 ngày 10/3/2018 của Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao dẫn lại số liệu của Ngân hàng Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Xây dựng Việt Nam (tiền thân là Ngân hàng Đại Tín) cho thấy từ ngày 26/5/2010 đến ngày 12/2/2012, Ngân hàng Đại Tín - Chi nhánh Sài Gòn và Chi nhánh Lam Giang đã giải ngân cho Công ty Phương Trang cùng 18 công ty và 22 cá nhân quan hệ hợp tác (gọi tắt nhóm Công ty Phương Trang) tổng cộng 82 khoản vay, một khoản nợ bắt buộc 35 tỷ đồng và một khoản phát hành trái phiếu với tổng số tiền trên sổ sách gần 16.500 tỷ đồng.
Phía Công ty Phương Trang xác định trên thực tế chỉ nhận được 3.936 tỷ đồng. Từ năm 2012, Công ty Phương Trang đã tố cáo bị cáo Hứa Thị Phấn và Ngân hàng Đại Tín lợi dụng việc Công ty Phương Trang có nhiều bất động sản và tài sản, có nhu cầu vay tiền để đầu tư kinh doanh nên đã bị buộc ký trước hồ sơ vay, chứng từ giải ngân và chứng từ nhận tiền mặt. Vì thế, khi Ngân hàng Đại Tín phê duyệt hồ sơ đã không thông báo cho Công ty Phương Trang, lợi dụng các hồ sơ vay Công ty Phương Trang đã ký trước nhưng chỉ giải ngân cho vay một phần hoặc có hồ sơ vay không giải ngân đồng nào.
Các bị cáo tại phiên tòa. (Ảnh: Thành Chung/TTXVN)
Bị cáo Hứa Thị Phấn đã rút tiền của Ngân hàng Đại Tín để sử dụng, đẩy dư nợ cho Công ty Phương Trang. Ngân hàng Đại Tín (nay là Ngân hàng Xây dựng Việt Nam) không thể đòi nợ và cũng không thể xử lý tài sản bảo đảm (đang bị kê biên) để thu hồi nợ vay của Công ty Phương Trang.
Cơ quan điều tra xác định để hợp thức hóa chứng từ thu của Công ty Phương Trang gồm phiếu thu, giấy nộp tiền và bảng kê thu, Ngân hàng Đại Tín đã đưa cho hai nhân viên của Công ty Phương Trang không được ủy quyền, không được chỉ đạo ký thay tên khách hàng. Sau đó, lợi dụng việc Công ty Phương Trang ký trước hồ sơ vay, chứng từ giải ngân và chứng từ rút tiền mặt để chi khống tiền giải ngân các khoản vay của Công ty Phương Trang.
Trong khi đó, theo trình bày của bị cáo Hứa Thị Phấn thể hiện trong bản cáo trạng nói trên, đầu năm 2010, Công ty Phương Trang đến vay tiền tại Ngân hàng Đại Tín. Sau đó, bà Hứa Thị Phấn và nhóm Công ty Phú Mỹ đã cho Công ty Phương Trang vay rất nhiều khoản tiền, từ vài tỷ đồng cho đến hơn nghìn tỷ đồng.
Có được tiền vay từ Ngân hàng Đại Tín, Công ty Phương Trang tiến hành trả nợ cho Ngân hàng Cổ phần Thương mại Sài Gòn và các đối tác, rút lại tài sản thế chấp để rồi thế chấp vào Ngân hàng Đại Tín để vay tiền. Cũng theo trình bày của bị cáo Hứa Thị Phấn được thể hiện trong bản cáo trạng, một số cá nhân và Công ty Phương Trang vẫn còn nợ bị cáo này gần 750 tỷ đồng và 400.000 USD được xác thực bởi sáu biên lai nhận tiền.
Bản cáo trạng của Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao khẳng định trong tổng số gần 16.500 tỷ đồng tiền giải ngân 82 khoản vay và một khoản phát hành trái phiếu của Công ty Phương Trang đến nay xác định dư nợ 9.402 tỷ đồng. Tài liệu điều tra chứng minh bị cáo Hứa Thị Phấn sử dụng 5.256 tỷ đồng, Công ty Phương Trang thực nhận 3.936 tỷ đồng tiền giải ngân bằng tiền mặt.
Công ty Phương Trang phải chịu trách nhiệm thanh toán 3.936 tỷ đồng này (chưa tính lãi) cho Ngân hàng Đại Tín (nay là Ngân hàng Xây dựng Việt Nam). Số tiền gốc còn lại 5.465 tỷ đồng là khoản tiền được hạch toán là dư nợ vay của Công ty Phương Trang, đến nay không thu hồi được, gây thiệt hại cho ngân hàng Đại Tín là do hành vi phạm tội của bị cáo Hứa Thị Phấn nên bị cáo Phấn phải có trách nhiệm đối với số tiền này (cả gốc và lãi).
Phiên tòa tiếp tục diễn ra vào ngày 21/5./.
Theo TRẦN TÌNH-NGUYỄN CHUNG (TTXVN/VIETNAM+)
https://www.vietnamplus.vn/tinh-tiet-moi-vu-giai-ngan-gan-16500-ty-cho-cong-ty-phuong-trang/503392.vnp