Chúng tôi lái xe qua thị xã Điện Bàn, Quảng Nam để sang khu Dinh trấn Thanh Chiêm cổ gần đó, mới hay nhiều di tích đã bị vùi lấp theo thời gian…
Nghệ nhân Dũng bên tượng đồng.
Cổ truyền làm nên danh tiếng
Ngày ấy, cách đây hơn 400 năm, Dinh trấn Thanh Chiêm (làng Thanh Chiêm, xã Điện Phương hiện nay) là kinh đô thứ hai ở Đàng Trong. Nơi đây được coi là trung tâm kinh tế, văn hóa, cũng là tiền đồn quân sự mở cõi về phương nam. Đặc biệt, di sản làng nghề đúc đồng của xã Phước Kiều, thuộc trấn Thanh Chiêm vẫn hiện hữu bền bỉ lưu giữ, qua bao đời nay.
Có thể nói nơi đây phát tích ban đầu được hình thành từ lò đúc vũ khí của vương triều Chúa Nguyễn. Thật may mắn, chúng tôi gặp ngay nghệ nhân đúc đồng Dương Ngọc Dũng. Ông là đời thứ 17 trong làng nghề Phước Kiều (thuộc chính thôn Thanh Chiêm), xã Điện Phương, Điện Bàn, Quảng Nam. Theo những người già trong làng kể, khi Nguyễn Phúc Nguyên vào trấn Dinh Thanh Chiêm, với nhiệm vụ gìn giữ biên cương và xây dựng nền kinh tế làm hậu phương vững chắc cho triều đình Phú Xuân. Nhưng kèm theo chủ trương lớn hơn, nơi đây được coi bàn đạp tiến quân, mở rộng bờ cõi về phía nam. Chính vì thế những người thợ đúc từ Thanh Hóa theo vào Thanh Chiêm làm việc rèn vũ khí cho quân đội.
Đến thế kỷ 18, quân Tây Sơn đánh ra cũng dùng nơi đây chế tác vũ khí tại chỗ. Sau này, đến thời Vua Minh Mạng, năm 1832 nhiều nghệ nhân ở Thanh Chiêm còn được triều đình gọi ra Phú Xuân tham gia đúc đỉnh, vạc, súng và ấn tín. Thậm chí một số nghệ nhân còn được sung vào làm quan với hàng “Cửu phẩm-đội trưởng” chuyên trách việc đúc đồng, đúc súng thần công. Để ghi dấu lại hình ảnh rạo rực lịch sử một thuở, làng đúc đồng Phước Kiều đã đúc hai khẩu súng thần công, tạo nên sự kiện chấn động trong làng nghề trên toàn quốc. Đó là vào năm 2010, để chào mừng Lễ hội 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, các nghệ nhân ở làng đúc theo đúng nguyên bản mẫu súng từ thời Nguyễn. Mỗi khẩu có trọng lượng 100 kg, dài 1,2 m, và đường kính họng súng 25 cm.
Cho dù qua bao thăng trầm cùng những biến cố lịch sử, nhưng hàng chục lò đúc đồng ở đây vẫn nung nấu ý chí phát triển và gìn giữ cho đến ngày nay, không bao giờ ngơi nghỉ. Cách đây không lâu, các tay thợ đúc giỏi nhất làng Phước Kiều đã cùng nhau đúc được chiếc đồng hồ nước khổng lồ bằng đồng, có kích thước cao đến 2,5 m nặng 500 kg. Chưa hết, một kỷ lục mới của những người thợ nơi đây là đã đúc được một nồi lư lớn nhất nặng 1,5 tấn. Đây là sản phẩm tiêu biểu mang hình ảnh những sản vật trong cung đình Huế. Nó đánh dấu một thời kỳ những người thợ của Phước Kiều đã từng đóng góp những công trình độc đáo nhất. Nghệ nhân Dương Ngọc Dũng vui vẻ kể, những người thợ nơi đây còn nổi tiếng với dàn âm thanh của những chiếc chuông. Đó là nhờ tài nghệ pha hợp kim đồng khá độc đáo. Dàn âm thanh Phước Kiều có sức thu hút khách hàng, khắp nơi về đây mua sắm đồ thờ, vào những ngày lễ hội buôn làng.
Lại nhớ, những người thợ đúc Phước Kiều còn lập một kỷ lục mới, với chiếc chuông lớn chưa từng có. Đó là công trình Đại Hồng Chung (chuông đồng lớn) đặt tại Nghĩa trang liệt sĩ thị xã Điện Bàn (2017). Ông Dương Ngọc Thắng, giám đốc Công ty Làng đúc Phước Kiều cho biết, đã huy động hơn 40 nghệ nhân giỏi chung tay góp sức làm trong 4 tháng mới hoàn thành quả chuông lớn, cao 2,3 m, dày 50 mm, đường kính 1.3 m và nặng hơn 2 tấn. Riêng trên thân chuông còn đúc những hình tượng văn hóa và lịch sử của Điện Bàn, Quảng Nam. Nhất là hình ảnh mẹ anh hùng Nguyễn Thị Thứ, quê ở Điện Bàn, có 11 người con và cháu đã hy sinh cho cuộc chiến thắng vĩ đại của dân tộc. Đây là Đại Hồng Chung hợp kim đồng nên có âm sắc vang ngân như bản nhạc hào sảng, biểu tượng của mảnh đất kiên trung Quảng Nam, đậm chất hùng ca.
Rộn rã âm thanh Tây Nguyên
Đến nay, làng nghề đúc đồng Phước Kiều, thuộc Dinh trấn Thanh Chiêm phát triển, sản xuất hàng chục loại mặt hàng trong đời sống sinh hoạt và văn hóa tâm linh. Đặc biệt làng đã tạo dấu ấn sâu đậm, khi trở thành trung tâm sản xuất cồng chiêng, thanh la, chuông và nhạc cụ dân tộc cung cấp cho các tỉnh phía nam. Riêng đồng bào Tây Nguyên thường về đây đặt làm cồng chiêng cho buôn làng. Chính vì thế, du khách qua đây đều thấy hàng chục cửa hàng bên đường quốc lộ bày hàng trăm chiếc cồng chiêng, với nhiều kích cỡ khác nhau. Mỗi khi có luồng gió từ ngoài biển thổi vào làm những chiếc cồng chiêng va chạm tạo nên những âm thanh huyền bí lạ lùng. Một âm sắc Tây Nguyên hùng vĩ ngân vang trên con phố. Nghệ nhân Dũng còn kể, tháng nào, bà con thiểu số của tỉnh Bình Phước, Tây Nguyên, và Thừa Thiên - Huế cũng tìm về mua hàng. Thậm chí có người ở xa còn ở lại chờ làm xong hàng lấy luôn.
Nghệ nhân Dương Ngọc Dũng cũng là người đã tạo dựng được chiếc chiêng kỷ lục có đường kính 2,2 m, hiện đang được bày trên bảo tàng Đác Lắc. Ông tâm sự, với kích thước lớn như vậy, việc “gọi tiếng”, với âm sắc ấm, ngân vang nhưng lại phải êm như… nhung, thực không dễ chút nào. Hơn nữa, nếu đúc chiêng không đều trên một mặt phẳng, việc “gọi tiếng” càng khó. Nhớ lại thời gian làm khuôn mẫu, cả bốn cha con ông đã miệt mài cả tuần liền để tạo dựng. Vì đây là công đoạn khá phức tạp, thực hiện sao cho khi rót đồng vào phải dàn đều với độ dầy thật lý tưởng theo bản vẽ thiết kế. Cả nhà cùng nhau kiểm tra nhiều lần theo những số đo chuẩn. Cùng với đó, việc pha chế đồng với kim loại khác để đạt được âm thanh theo ý muốn cũng phức tạp không kém. Sau khi hai việc cơ bản đó được kiểm nghiệm kỹ càng, rồi mới đến khâu rót đồng đúc chiêng. Đêm đó, cả nhà như vào hội. Đó là ký ức của người thợ về những đêm mất ngủ để gọi tiếng chiêng thần bí trở về…
Là đất đúc chiêng, bởi thế, khách hàng luôn luôn tin tưởng ở tài nghệ chỉnh tiếng của những nghệ nhân nơi đây. Họ có tài thẩm âm, tìm được điểm gò chỉnh tiếng hợp với từng đối tượng khách hàng. Như người ở vùng A Sao, A Lưới (Huế), hay người Giằng ở Quảng Nam thường ưa chuộng chiêng có hai giọng; hay người Trà My lại thích chiêng có một giọng, nhưng cần vang to, ngân nga nhỏ dần. Hoặc người Kinh lại chọn chiêng có âm sắc ấm áp và ngân dài… Yêu cầu của khách hàng về âm sắc chiêng luôn luôn được các nghệ nhân Phước Kiều thực hiện đúng chuẩn. Khách nhớ nhà hàng, vì vậy, thường trước mùa lễ hội, chiêng ở đây làm ra đều bán hết. Theo thống kê của các nghệ nhân và các doanh nghiệp trong làng mới hay, chỉ tính trong vòng gần 200 năm qua, làng đã cung cấp cho khu vực văn hóa cồng chiêng Trường Sơn - Tây Nguyên khoảng 35.000 bộ chiêng và nhạc cụ các loại. Đó là một con số “khủng” mà chỉ làng nghề đúc đồng ở xứ Thanh Chiêm này có được. Chính vì thế làng còn được đặt danh hiệu làng nhạc cụ Tây Nguyên, hay làng cồng chiêng duy nhất ở nước ta hiện nay.
MƠ MỘNG CÔNG VIÊN CỒNG CHIÊNG
Dinh trấn Thanh Chiêm nằm trên trục đường quốc lộ 1A, kết nối giữa thành phố Hội An và khu di tích Thánh địa Mỹ Sơn, tạo nên điểm nhấn du lịch trong tương lai. Các nhà tổ chức đang hoạch định nơi đây sẽ được phục dựng lại những phế tích của Dinh trấn xưa, trong đó có Bảo tàng chữ Quốc ngữ cùng với làng chế tác mỹ nghệ đồng để thu hút du khách. Đặc biệt năm ngoái, nhân kỷ niệm 415 năm Dinh trấn Thanh Chiêm (1602-2017), người dân Quảng Nam còn được vinh dự đón nhận Bằng công nhận Di tích Quốc gia Dinh trấn Thanh Chiêm (tại thôn Thanh Chiêm 1, xã Điện Phương-Điện Bàn) của Nhà nước.Khu di tích văn hóa sẽ phục dựng lại 10 dấu tích đã được xác định, với diện tích công viên rộng 1,2 ha, tạo không gian khu vực Hành Cung Dinh Trấn xưa. Chính giữa khu công viên sẽ có biểu tượng chữ Quốc ngữ lớn được dựng lên như một dấu ấn văn hóa huy hoàng một thuở 400 năm.
BÀI & ẢNH: VƯƠNG TÂM
Theo nhandan.com.vn