Cập nhật: 23/05/2018 09:41:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Kỹ thuật của nghề đậu bạc ở Định Công (quận Hoàng Mai) đặc biệt hơn tất cả các nghề kim hoàn khác. Người thợ phải kéo sợi bạc thành những sợi chỉ mỏng tang, rồi dùng những sợi chỉ bạc "dệt" thành sản phẩm. Chính bởi nét độc đáo ấy, mà ngày càng nhiều người tìm đến Định Công để đặt hàng sản phẩm. Nghề đậu bạc đang hồi sinh và phát triển.

Nghệ nhân Quách Văn Hiểu giới thiệu sản phẩm bạc Định Công với khách tham quan.

Tuy nhiên, các nghệ nhân vẫn rất cần sự hỗ trợ của chính quyền để có thể bảo tồn, phát triển một trong những nghề truyền thống hội tụ tinh hoa nhất của văn hóa Thăng Long - Hà Nội.

Nhiều năm qua, Định Công đã từ làng chuyển thành phố. Tiếc rằng, không có hẳn một phố nghề bởi các hộ làm nghề đậu bạc nằm rải rác trên địa bàn phường Định Công. Tuy nhiên, điều ấy cũng không ngăn cản được những khách hàng khó tính, những khách du lịch tìm đến Định Công để đặt hàng. Lý do là kỹ thuật đậu bạc ở Định Công rất tinh tế, cầu kỳ. Trong bốn kỹ thuật kim hoàn: Trơn, đấu, chạm, đậu (trơn là chế tác không chạm trổ, đấu là lắp ráp các chi tiết, chạm là khắc, vẽ hoa văn) thì đậu là kỹ thuật phức tạp nhất. Ở Định Công, dòng họ Quách là những người nổi tiếng với nghề đậu bạc. Nghệ nhân Quách Văn Trường đã hướng dẫn chúng tôi tìm hiểu kỹ thuật đậu bạc. Từ những thỏi bạc, người thợ "kéo" thành những sợi dài. Từ những sợi bạc đó, người nghệ nhân tiếp tục "kéo" thành những sợi nhỏ hơn, bằng những dụng cụ riêng. Đến khi sợi bạc chỉ còn mong manh hơn cả... sợi chỉ thì mới đạt yêu cầu. Hai sợi bạc sẽ được "se" lại với nhau như se sợi. Khoảng cách giữa các mắt phải thật đều. Se xong, thêm một lần ép cho dẹt ra. Bấy giờ mới hoàn thành công đoạn chuẩn bị nguyên liệu. Các thuật ngữ của đậu bạc nghe giống như thuật ngữ của ngành dệt lụa. Mà quả đúng thật, từ những sợi bạc này, người thợ sẽ "dệt" nên sản phẩm.

Chúng tôi băn khoăn không biết tại sao lại phải se sợi bạc lại với nhau thì được giải thích, khi se hơi sợi bạc mảnh lại, độ tương phản ánh sáng sẽ tăng lên, sản phẩm sẽ lung linh hơn, tôn vẻ đẹp của đồ trang sức, đồ mỹ nghệ. Tùy thuộc vào yêu cầu sản phẩm, người thợ sẽ tạo bộ khung bằng những sợi bạc lớn hơn theo các kích cỡ khác nhau, rồi uốn những sợi bạc li ti ấy thành các họa tiết trang trí gắn lên.

Cũng làm nghề kim hoàn, nhưng ngay cả thời kinh tế khó khăn, phố Hàng Bạc vẫn "sống khỏe". Vì vị trí kinh doanh, phần khác vì người ta buôn bán bạc, vàng với tư cách kim loại quý; đồ mỹ nghệ chạm bạc cũng không quá tốn công. Riêng Định Công thì lao đao, suýt mất nghề. Bởi trong mỗi sản phẩm, "hàm lượng" kỹ thuật, mỹ thuật là rất cao, một thời, người dân không cần những thứ đó lắm. Người ta cần bạc với tư cách là một kim loại quý hơn. Phải những năm gần đây, nhiều người mới nhận ra cái độc đáo của đậu bạc, nhất là khi đồ trang sức của Định Công được dùng làm quà tặng cho các vị khách quốc tế, khiến họ rất ngạc nhiên bởi sự tinh tế, cầu kỳ.

Tương truyền, nghề đậu bạc có ở Định Công từ thế kỷ thứ 7. Hiện làng có đền Định Công Thượng (phố Bùi Xương Trạch) thờ ba vị tổ nghề. Trước đây, làng Định Công chủ yếu làm đồ trang sức như hoa tai, trâm cài tóc, cặp tóc, ghim áo...

Hiện nay, do yêu cầu xã hội, người thợ đã chế tác nhiều dòng sản phẩm, trong đó có dòng sản phẩm trưng bày như: âu, lọ, ví, túi xách, quạt... hay các bức tranh bạc. Ở Định Công gia đình nghệ nhân Quách Văn Hiểu là người nổi tiếng nhất. Ông Quách Văn Hiểu được phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Nhân dân từ năm 2006. Còn người con trai Quách Tuấn Anh, được phong danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú từ nhiều năm trước, khi mới ở độ tuổi 30. Ông Hiểu học cả nghề chạm bạc; có khả năng phối hợp các kỹ thuật khác nhau của nghề kim hoàn trên một sản phẩm. Ông từng đào tạo hàng nghìn thợ kim hoàn. Nói về nghề đậu bạc Định Công, ông cho biết: "Trước đây, có giai đoạn cả làng chỉ có vài người trụ lại với nghề. Nhiều người cứ lo nghề đậu bạc thất truyền. Ngày ấy, dù khó khăn, nhưng tranh thủ những dịp có triển lãm, hội chợ chúng tôi vẫn cố gắng tham gia để mọi người biết đến nét độc đáo của làng nghề. Hiện nay, tính sơ sơ có khoảng hai chục hộ làm nghề. Chưa kể nhiều người học nghề đậu bạc Định Công đi làm ở các nơi khác. Bây giờ thì “cầu” lại nhiều hơn “cung”. Thợ Định Công làm sản phẩm không kịp để phục vụ thị trường, nhất là vào các dịp lễ, Tết.

Sản phẩm của Định Công được ưa chuộng để làm quà tặng cho khách quốc tế, vì thế, nhiều khách nước ngoài đã tìm đến Định Công để tìm hiểu và đặt hàng. Thu nhập của người thợ đậu bạc nhờ vậy khá cao. Tuy nhiên, có nghịch lý là dù cầu đang vượt cung, thì làng nghề vẫn... khó phát triển. Theo nghệ nhân Quách Văn Hiểu, cái khó của đậu bạc là do kỹ thuật cao, ngay cả người khéo tay, thì vẫn mất nhiều thời gian học nghề hơn so với nghề chạm bạc. Điều này khiến nhiều bạn trẻ không đủ kiên trì.

Bên cạnh đó, nhiều nghệ nhân ở Định Công trăn trở là khách du lịch tìm đến tìm hiểu nghề đậu bạc, nhưng làng lại không có điểm tham quan, hướng dẫn về nghề kim hoàn nói chung, đậu bạc nói riêng. Khách phải tìm đến các gia đình nằm phân tán trong dân cư và hầu như không có hộ nào có xưởng đủ tiêu chuẩn để phục vụ khách tham quan. Thiếu những xưởng lớn cũng cản trở việc đào tạo, truyền nghề. Các nghệ nhân mong mỏi có thêm sự hỗ trợ từ phía chính quyền; hoặc có thể tạo điều kiện cho các nghệ nhân trưng bày, giới thiệu sản phẩm tại khu vực đền thờ Tổ nghề phục vụ khách tham quan, qua đó, góp phần quảng bá, phát triển sản phẩm nghề truyền thống của Định Công.

 

Giang Nam

Theo nhandan.com.vn

Tệp đính kèm