Cập nhật: 30/05/2018 08:24:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Hơn mười năm trước, anh Nguyễn Thế Nghị ở xã Thụy Lâm (huyện Đông Anh, Hà Nội) đã mày mò tìm đường phát triển cho rối nước Đào Thục bằng việc tìm đến gõ cửa các công ty du lịch để chào hàng, quảng bá trên mạng, tổ chức lại hoạt động của phường rối theo hướng tinh gọn để phục vụ khách du lịch... Nguyễn Thế Nghị từng kinh doanh khá thành đạt, nhưng vì tình yêu và trách nhiệm với quê hương, anh đã quyết định gắn bó với rối nước.

Anh Nguyễn Thế Nghị chuẩn bị cho một tiết mục rối nước trong buồng trò. Ảnh: ĐINH THANH

Đào Thục là phường rối dân gian duy nhất trên địa bàn thành phố phục vụ khách du lịch một cách khá chuyên nghiệp. Bất kỳ khi nào có khách yêu cầu, kể cả những đoàn khách chỉ có hai, ba người, phường rối Đào Thục vẫn phục vụ biểu diễn với cả chục tích trò. Mỗi tuần, Đào Thục thường có vài suất diễn. Phường rối cũng là điểm đến dã ngoại yêu thích của nhiều trường học thuộc TP Hà Nội. Mỗi buổi biểu diễn, một nghệ nhân nhận được thù lao là 90 nghìn đồng.

Bước đột phá của phường rối nước Đào Thục bắt đầu hơn mười năm về trước. Nguyễn Thế Nghị mê rối, theo mẹ đi tập luyện hát chèo phục vụ biểu diễn rối từ bé. Nhưng lớn lên, giống như nhiều thanh niên khác, anh cũng rời làng, đi làm công nhân, rồi kinh doanh thiết bị bảo hộ lao động... Phường rối chủ yếu là của... người già. Càng giao tiếp với xã hội bên ngoài, anh càng thấy lo cho phường rối. Lúc đấy, Đào Thục mỗi năm chỉ biểu diễn vài bận. Anh nghĩ, xưa, các cụ gắn bó với quân rối bằng tình yêu. Còn bây giờ, người nghệ nhân chỉ gắn bó với quân rối nếu có thu nhập. Đầu năm 2000, khách du lịch nước ngoài đến Việt Nam ngày một đông hơn. Rối nước là đặc sản văn hóa Việt Nam, anh nghĩ đến việc biểu diễn phục vụ khách để tăng thu nhập cho các nghệ nhân. Anh Nghị cùng một số bạn trẻ khác đề xuất ý tưởng với các nghệ nhân cao tuổi. Lúc đầu, việc thuyết phục cũng không mấy dễ dàng, bởi các cụ cho rằng anh chưa "đủ tuổi" để tham gia bàn bạc; sau nhiều lần thuyết phục, cam kết, các cụ mới đồng ý. Khi chủ trương được thông qua, anh cùng mấy bạn trẻ trong làng in tờ rơi, rồi tìm các công ty du lịch chào hàng. "Việc chào hàng công ty du lịch không dễ như hình dung ban đầu. Hồi đó, mạng in-tơ-nét chưa phát triển, tôi phải tìm đến các doanh nghiệp tốn rất nhiều công. Khi chào hàng sản phẩm du lịch, nhiều doanh nghiệp không dám chắc có tổ chức được không. Mà họ cũng không có điều kiện đi khảo sát. Phía chính quyền thì chưa ai nghĩ đến làm một sản phẩm du lịch là biểu diễn rối nước ở làng", anh nhớ lại. Nhiều chuyến đi không kết quả làm Nghị thất vọng. Nhưng với quyết tâm cao, sự kiên trì cộng với những kinh nghiệm từ công việc kinh doanh đã cho anh tư duy mới: Có thể chưa có khách đến ngay, nhưng phải làm thế nào để các doanh nghiệp kinh doanh du lịch biết được có một làng rối nước sẵn sàng biểu diễn phục vụ du khách và để nhiều người biết đến rối nước Đào Thục. Anh cùng một bạn trẻ khác lập trang web riêng quảng bá rối nước Đào Thục (sau này phường rối sử dụng mạng xã hội thay cho trang web để tiết kiệm chi phí) ngay khi in-tơ-nét bắt đầu phổ biến. Công việc anh làm ngày ấy chính là câu chuyện "thương hiệu" mà ngày nay nhiều người đề cập. Rồi cái ngày, một cuộc điện thoại của khách du lịch đặt hàng biểu diễn cũng đến, Nguyễn Thế Nghị mừng khôn tả. Còn nhiều khó khăn lắm, nhưng anh biết mình đã chọn hướng đi đúng. Đến khi phường rối Đào Thục có khách du lịch tìm đến, được biết đến rộng rãi, mọi người mới bắt đầu tin vào lớp trẻ. Nguyễn Thế Nghị được các cụ tín nhiệm giao làm Trưởng bộ phận kinh doanh của Đào Thục, chức danh lần đầu xuất hiện ở làng rối dân gian. Dẫu vậy, tư duy của lớp trẻ trong biểu diễn, kinh doanh thường va chạm với quan niệm lạc hậu của chính những nghệ nhân cả đời gắn bó quân rối. Mỗi thay đổi nhỏ nhất của phường rối để thích ứng với việc khai thác du lịch đều phải trải qua quá trình vận động, thuyết phục. Với nhiệm vụ mới, anh không thể làm công việc toàn thời gian ở nội thành mà vẫn hoàn thành tốt công việc ở phường rối. Một lựa chọn khó khăn trên con đường sự nghiệp. Cuối cùng, anh quyết định về làng, chọn làm việc trong lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ (hiện nay anh là Giám đốc phát triển kinh doanh văn phòng của Công ty Bảo hiểm Dai-ichi), để vừa chủ động thời gian, vừa bảo đảm kinh tế và có thể cống hiến cho phường rối.

Do một tai nạn hồi còn nhỏ, một ngón tay trỏ của Nguyễn Thế Nghị gần như không cử động được. Tai nạn ấy khiến anh không thể trở thành nghệ nhân biểu diễn rối giỏi. Bù lại, cùng với việc tổ chức kinh doanh, đối ngoại, anh có tài giáo trò (dẫn chương trình) và hát chèo phục vụ biểu diễn, khiến tiết mục thêm sinh động. Năm 2016, Nguyễn Thế Nghị đã được tín nhiệm bầu làm Trưởng đoàn Múa rối nước Đào Thục. Bây giờ, Đào Thục không chỉ chuyên nghiệp hơn trong biểu diễn, mà còn trong cách khai thác du lịch. Đến đây, khách du lịch được tham quan buồng trò, tập điều khiển quân rối, trải nghiệm hoạt động làm quân rối, mua đồ lưu niệm là những quân rối gỗ, gốc tre được điêu khắc nghệ thuật. Thụy Lâm có giống nếp cái hoa vàng trứ danh. Cùng với gạo nếp cái hoa vàng, Đào Thục còn có thêm sản phẩm nấu từ giống nếp này để làm quà cho khách. Nói về công việc của mình, Trưởng đoàn Múa rối nước Đào Thục Nguyễn Thế Nghị cho biết: Trước đây, chưa bao giờ mình nghĩ mình sẽ phụ trách phường rối. Mình đi ra ngoài làm kinh doanh, rồi quay về quê hương, chỉ vì nghĩ rằng, mình sinh ra, lớn lên ở làng, cuộc sống dù giàu sang thế nào đi nữa, cũng không bằng việc mình làm được gì đó cho làng quê.

GIANG NAM

Theo nhandan.com.vn

Tệp đính kèm