Trong phiên chất vấn và trả lời chất vấn trước quốc hội sáng nay (6/6), nhiều ý kiến đại biểu bức xúc trước những vụ bạo hành tại các trường mầm non.
Tại nghị trường, nhiều ý kiến đại biểu cho rằng giáo dục mầm non thời gian qua bộc lộ rõ những bất cập, yêu cầu Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đưa ra những giải pháp căn cơ để khắc phục những tồn tại, hạn chế.
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho rằng những vụ bạo hành trẻ mầm non là không thể chấp nhận.
Trả lời các đại biểu, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ thẳng thắn thừa nhận, đây là một trong các vấn đề gây bức xúc xã hội, dư luận thời gian qua. Theo Bộ trưởng, hiện toàn ngành có 15.000 cơ sở giáo dục mầm non, 337.000 giáo viên. Ông Nhạ đánh giá, cơ bản các thầy cô tâm huyết, yêu nghề, mến trẻ, song cũng đã xuất hiện tình trạng bạo hành trẻ ở một số cơ sở mầm non.
Bộ trưởng bày tỏ: "Những vụ bạo hành trẻ mà báo chí đã nêu là không thể chấp nhận được. Cá nhân tôi với trách nhiệm người đứng đầu ngành giáo dục rất phản đối, có ý kiến chỉ đạo kiên quyết, với những giáo viên không đủ năng lực thì phải đưa ra khỏi ngành, không chần chừ. Các cơ sở để xảy ra tình trạng này phải bị đình chỉ, đóng cửa".
“Về giải pháp khắc phục, căn cơ nhất là đội ngũ giáo viên phải được quy hoạch, đào tạo bồi dưỡng thường xuyên và có chế độ hợp lý. Hiện chế độ cho giáo viên mầm non thấp quá, ra trường khoảng 2,4 triệu đồng một tháng thì các cô rất khó khăn, đây cũng là lý do gây áp lực. Bộ Giáo dục đã làm việc với Bộ Nội vụ, một mặt tăng cường chất lượng đào tạo, chuẩn bị đội ngũ giáo viên chuyên nghiệp, mặt khác tăng chế độ đãi ngộ cho giáo viên mầm mon", Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho hay.
Trước câu hỏi của đại biểu về việc những sự việc đáng tiếc trong ngành giáo dục như giáo viên bạo hành học sinh, bắt học sinh uống nước giặt giẻ lau bảng... phải chăng xuất phát từ chất lượng đầu vào của ngành Sư phạm?
Đại diện ngành GD-ĐT thẳng thắn thừa nhận: "Nguyên nhân của những sự sự cố này có gắn với chất lượng nguồn giáo viên, gắn với đầu vào là có thật. Bộ đang đưa ra những chuẩn đầu vào tuyển sinh đối với các trường Sư phạm để nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên".
Cùng thảo luận về vấn đề này, Chủ tịch quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng, vấn đề xuống cấp đạo đức ở giáo viên khá cá biệt. Điều đáng nói là chỉ khi báo chí vào cuộc, các sự việc này mới bắt đầu được làm rõ. Trong khi tất cả các trường mầm non, tiểu học, THCS đều gắn với một cộng đồng dân cư, chính quyền cụ thể. Chủ tịch quốc hội đặt câu hỏi khi những sự việc đáng tiếc xảy ra trong các trường, hiệu trưởng, giáo viên khác trong trường, chính quyền địa phương đang ở đâu, có hay biết về sự việc?
“Trách nhiệm ở đây là của cả cộng đồng, hệ thống, chứ không chỉ riêng bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo”, Chủ tịch quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nêu quan điểm.
Theo Nguyễn Trang/VOV.VN