Nếu theo dõi Lễ hội sân khấu mùa xuân PAS 2018 vừa diễn ra tại Nhà hát Kịch Việt Nam với sự tham gia tranh tài của 23 nhóm thực hành nghệ thuật sân khấu chuyên nghiệp và không chuyên ở Hà Nội, nhiều khán giả đã rất yêu thích phương thức trình diễn của nhóm các bạn trẻ Viplayback, giới thiệu loại hình sân khấu tái hiện còn khá mới mẻ ở Việt Nam.
Một cảnh trong buổi biểu diễn của nhóm Viplayback.
Trên sân khấu nhỏ đơn sơ không phông màn cầu kỳ, không nhiều đạo cụ, chỉ có nhóm diễn viên trình diễn lại những câu chuyện kể của chính các khán giả đang có mặt trong rạp. Các tình huống trong câu chuyện cứ thế được chuyển tải sống động trên sân khấu mà không hề có sự chuẩn bị trước. Diễn viên phải tự sáng tạo và ứng tác hành động kịch theo những tình tiết câu chuyện, trong đó người xem và người biểu diễn gắn bó với nhau trong sự tương tác và niềm đam mê sân khấu.
Đều đặn mỗi sáng thứ ba và thứ năm hằng tuần, những thành viên trong nhóm Viplayback lại hẹn nhau giao lưu, trao đổi và tập luyện các tiểu phẩm sân khấu, phản ánh chính đời sống muôn màu, muôn vẻ của Hà Nội. Là một trong những thể loại kịch ứng tác, sân khấu tái hiện (playback theatre) đã ra đời từ năm 1975 và thịnh hành ở nhiều nước trên thế giới. Tuy nhiên, đây vẫn là loại hình còn tương đối mới mẻ ở Việt Nam. Sân khấu tái hiện manh nha được giới thiệu ở nước ta từ năm 2012, nhưng phải tới năm 2016, sau khi Viplayback được thành lập, loại hình này mới bắt đầu được chú ý. Nhóm cũng được biết đến là đoàn sân khấu đầu tiên và duy nhất ở Hà Nội theo đuổi thử nghiệm thể loại sân khấu tái hiện tính đến nay. Nòng cốt của nhóm là bốn cô gái trẻ. Trong đó, Minh Thư là thành viên đã có bốn năm biểu diễn liên tục cùng Đội kịch ứng tác Hà Nội, sáu năm hoạt động tại không gian nghệ thuật sân khấu Blackbox; Họa My tốt nghiệp chuyên ngành văn học nghệ thuật tại Pháp; còn Thu Thủy và Kim Ngọc hoạt động trong một số lĩnh vực liên quan đến cộng đồng. Họ gắn kết với nhau bởi cùng chung mối quan tâm với những vấn đề xã hội và cùng mong muốn thông qua những câu chuyện đời sống được chia sẻ trên sân khấu tái hiện để hướng tới sự lắng nghe và thấu cảm giữa mọi người.
Chia sẻ về lý do lựa chọn sân khấu tái hiện, Minh Thư cho biết bởi đây là loại hình nghệ thuật mang đến nhiều trải nghiệm đặc biệt cho cả người diễn và công chúng. Mỗi khán giả đều có cơ hội để trở thành người kể chuyện. Các diễn viên chỉ được biết về tình huống câu chuyện sau khi khán giả mở lòng, vì thế không thể chuẩn bị trước từ lời thoại cho đến đạo cụ. Bằng sự rung cảm, trí tưởng tượng, người diễn cần lắng nghe, cảm nhận những cảm xúc của người kể chuyện để làm cho câu chuyện trở nên sống động trên sân khấu. Đôi khi, ấy là những cảm xúc nhiều tầng nấc, rất khó tách biệt đằng sau những câu chuyện. Họ cũng phải để ý bạn diễn để phối hợp sao cho ăn ý mà vẫn đi theo đúng quỹ đạo thông điệp mà người kể chuyển tải. Trong điều kiện này, để giữ mạch cho phần diễn, vai trò của người điều phối là vô cùng quan trọng. Họ vừa phải là người biết tạo không khí để khán giả sẵn lòng chia sẻ câu chuyện của mình, vừa phải chú ý để đưa ra những lời dẫn dắt hay câu hỏi giúp gợi mở cho diễn viên những chi tiết, thông điệp có ý nghĩa. Bên cạnh đó, để tăng thêm cảm xúc, tạo sự kết nối uyển chuyển của mạch chuyện, vai trò của người chơi nhạc cũng vô cùng quan trọng, đòi hỏi phải có sự nhạy cảm nhất định để dẫn dắt câu chuyện một cách tinh tế nhất. Tất cả các khâu luôn phải kết nối để tạo sự phối hợp ăn ý, đây cũng là điểm khó nhất của sân khấu tái hiện.
Họa My, thành viên nhóm kịch Viplayback chia sẻ: Bằng sân khấu tái hiện, khán giả và cũng là người kể chuyện có cơ hội được tách mình ra khỏi câu chuyện của chính mình để quan sát cảm xúc, cách xử trí của chính mình. Họ cũng có khoảng lùi để nhìn thấy những suy nghĩ, tình cảm của các nhân vật trong câu chuyện của họ. Có thể những gì diễn ra trên sân khấu không hoàn toàn giống những gì xảy ra trong cuộc sống thực, nhưng cũng là những gợi ý thú vị để người kể chuyện có cái nhìn đa chiều, khách quan hơn về những gì xảy ra. Ấy cũng là lúc người xem được giải phóng cảm xúc và nhìn nhận lại chính mình. Người diễn qua đó cũng được rèn luyện khả năng lắng nghe, chấp nhận, rung động và thấu hiểu. Để rồi, khi cảm xúc được hình ảnh hóa, chúng sẽ tiếp tục truyền cảm hứng, gợi lên những ký ức, câu chuyện khác nhau trong mỗi khán giả. Cũng bởi tác dụng này mà tới nay, loại hình sân khấu độc đáo này đã và đang được áp dụng trong nhiều lĩnh vực khác nhau như giáo dục, xã hội học, tâm lý học, phát triển con người…
Hiện nay, ngoài những buổi biểu diễn định kỳ, nhóm kịch Viplayback cũng thường xuyên là khách mời biểu diễn trong những sự kiện mang tính xã hội, thiện nguyện. Nhóm mong muốn thông qua nhiều hoạt động có thể đưa loại hình sân khấu này đến gần hơn với khán giả, nhất là với những người trẻ cùng có niềm đam mê sân khấu.
Theo Hương Trang/nhandan.com.vn