Mới đây, chương trình sân khấu thực cảnh đầu tiên của Việt Nam Tinh hoa Bắc Bộ vinh dự nhận được giải vàng ở hạng mục “Đổi mới trong truyền thông, truyền thông thị giác và giải trí trực quan” của Giải Stevie Awards châu Á - Thái Bình Dương 2018 - giải thưởng danh giá được ví như giải Ô-xca dành cho giới kinh doanh trong khu vực. Hội tụ những nét văn hóa tinh tế của vùng thôn quê Bắc Bộ, chương trình như cầu nối đặc biệt giúp công chúng trong nước và ngoài nước thêm hiểu về bản sắc văn hóa dân tộc.
Cảnh trong chương trình sân khấu thực cảnh Tinh hoa Bắc Bộ. Ảnh: TUẤN ĐÀO
Với sân khấu là mặt nước hồ rộng 4.300 m2 nằm ngay dưới chân núi Chùa Thầy (xã Sài Sơn, Quốc Oai, Hà Nội), Tinh hoa Bắc Bộ đưa người xem đi qua nhiều xúc cảm vừa quen mà vừa lạ. Từ cốt truyện về thiền sư Từ Đạo Hạnh, chương trình mở ra hành trình khám phá những nét đẹp văn hóa độc đáo của vùng châu thổ sông Hồng. Ở đó có tiếng côn trùng, sóng nước, tiếng khua mái chèo yên ả; có những người dân chài lưới, những sĩ tử lều chõng đi thi, những cô thôn nữ mặc áo yếm tát nước đầu đình, gái trai đối đáp giao duyên ngày khai hội… Ở đó còn có những làn điệu dân ca rất đỗi ngọt ngào: lời hát ru à ơi, điệu chèo rộn rã, khúc hát quan họ đằm thắm, thanh âm chầu văn da diết… cất lên từ những nhạc cụ truyền thống thấm đẫm hồn dân tộc. Được kết cấu gồm sáu phần nội dung: Thi ca - Cõi Phật - Hoài cổ - Nhạc họa - An vui - Ngày hội, với sự hỗ trợ đặc biệt của hơn 600 thiết bị âm thanh, ánh sáng hiện đại, chương trình khơi dậy trí tưởng tượng, tái hiện đầy đủ các khía cạnh văn hóa trong đời sống sinh hoạt của người dân Bắc Bộ: từ âm nhạc, hội họa, kiến trúc, giáo dục tới các hoạt động văn hóa tín ngưỡng, tinh thần…
Xem Tinh hoa Bắc Bộ, người xem có nhiều ấn tượng mạnh với những hình ảnh như: cảnh thiền sư Từ Đạo Hạnh xuất hiện giữa những bông sen vàng nở rộ lấp lánh, thủy đình Chùa Thầy nhô lên từ mặt nước, bốn nàng tố nữ bước ra từ trong tranh… Ngay cả những cảnh giản đơn không dùng kỹ xảo như cảnh mục đồng thổi sáo, bà lão gánh mẹt bánh giò rao bán, già trẻ gái trai vẫy tay hát khúc Người ơi người ở đừng về… cũng mang lại cảm xúc rưng rưng. Song điều khiến khán giả thú vị và khó tưởng tượng hơn cả là phần lớn trong số hơn 200 diễn viên tham gia chương trình nghệ thuật này không phải những diễn viên chuyên nghiệp mà là người dân của chính xã Sài Sơn. Ban ngày tất bật với công việc nhà nông nhưng buổi tối, họ hóa thân thành những nghệ sĩ thực thụ để miêu tả lại cuộc sống của chính mình bằng ngôn ngữ nghệ thuật. Đạo diễn Hoàng Nhật Nam chia sẻ: Khi nhận lời làm tổng đạo diễn cho chương trình, anh gặp phải không ít áp lực trước câu hỏi nên khai thác chất liệu gì từ kho tàng tinh hoa văn hóa Bắc Bộ rộng lớn. Sau đó, anh nhận ra để có thể khai thác các giá trị văn hóa một cách bền vững cần gắn với cộng đồng dân sinh. Anh quyết định chọn hình ảnh thiền sư Từ Đạo Hạnh - một vị trong Tứ bất tử của tín ngưỡng Việt Nam, cũng là thủy tổ nghề rối nước ở xứ Đoài làm nhân vật xuyên suốt chương trình. Và anh để chính người dân nơi đây làm diễn viên, bởi không ai có thể diễn tả đời sống văn hóa, tinh thần, tín ngưỡng của vùng Bắc Bộ chân thực và sinh động bằng chính họ. Đạo diễn Hoàng Nhật Nam cho biết anh và ê-kíp thực hiện đã phải có nhiều buổi trò chuyện để thuyết phục, hướng dẫn bà con, giúp họ hiểu và đồng cảm với những gì mà chương trình muốn xây dựng và hướng đến.
Chuyển tải những nét đẹp văn hóa Bắc Bộ mang tính cội nguồn và thỏa mãn được cả phần nhìn, nghe cũng như xúc cảm của người xem, Tinh hoa Bắc Bộ đang được kỳ vọng sẽ trở thành điểm nhấn của du lịch Thủ đô, nhất là trong bối cảnh các tua du lịch tìm hiểu di tích, danh thắng vùng nội thành Hà Nội đã trở nên quen thuộc và dần quá tải. Theo đại diện nhiều hãng du lịch lữ hành, với tần suất diễn khá đều đặn khoảng ba buổi/tuần, chương trình thực cảnh đặc sắc này có thể trở thành điểm đến của du khách khi đến Hà Nội. Không chỉ hướng đến đối tượng khách nội địa, chương trình cũng được đánh giá đặc biệt phù hợp với khách quốc tế, bởi mọi rào cản về mặt ngôn ngữ đã được đạo diễn phá bỏ bằng ngôn ngữ chung của âm nhạc và hình thể. Qua đó, chương trình trở thành kênh giới thiệu, quảng bá hiệu quả những nét văn hóa độc đáo của làng quê Việt Nam tới du khách quốc tế. Tuy nhiên, để chương trình có thể mang đến hiệu ứng tốt hơn cần đẩy mạnh khả năng tương tác với khán giả, giúp người xem được trở thành một phần của chương trình. Bên cạnh đó, tính kết nối giữa các màn trong chương trình cũng cần được tính toán để đem đến chất lượng nghệ thuật hoàn hảo. Tờ rơi giới thiệu chương trình bên cạnh tiếng Việt, tiếng Anh cần được dịch ra thêm một số ngôn ngữ phổ biến khác như tiếng Trung Quốc, tiếng Pháp, Nga để du khách hiểu rõ hơn ý tưởng và thông điệp chương trình chuyển tải.
Hiện mỗi suất diễn Tinh hoa Bắc Bộ đang thu hút trung bình từ 300 đến 400 khách, con số này vào những ngày cuối tuần có thể cao hơn, tuy nhiên vẫn còn khá khiêm tốn so với số lượng 2.500 ghế ngồi được trang bị. Theo Vụ trưởng Vụ Lữ hành (Tổng cục Du lịch) Nguyễn Quý Phương, để thu hút du khách, góp phần hình thành sản phẩm mới cho du lịch Thủ đô, cần hình thành tua, tuyến du lịch giúp kết nối chương trình với các điểm đến lân cận mang đặc trưng văn hóa, tâm linh của đất Tràng An nói riêng cũng như đồng bằng Bắc Bộ nói chung như: Chùa Thầy, Chùa Tây Phương, Làng cổ Đường Lâm, Chùa Cao, Chùa Một Mái… Ngoài ra, đây là sân khấu thực cảnh diễn ra ngoài trời nên dễ bị ảnh hưởng bởi thời tiết, ban tổ chức cũng cần có phương án chuẩn bị để chương trình vẫn có thể phục vụ các du khách khi thời tiết quá nóng hoặc có mưa…
Theo TRANG ANH/nhandan.com.vn