Ấp ủ trong một thời gian dài, và khi viết thì viết như bị thôi thúc, như có một sức mạnh hỗ trợ từ bên trong, nhà thơ Nguyễn Sĩ Đại đã cho ra mắt tác phẩm kịch “Khoảng trời con gái” để kịp nhân kỷ niệm 50 năm Chiến thắng Ngã ba Đồng Lộc. Vở kịch hiện tại đang được các nghệ sĩ Nhà hát Dân ca Nghệ An dàn dựng và luyện tập để trình diễn đúng vào lễ kỷ niệm.
Nhà thơ Nguyễn Sĩ Đại trao đổi với báo chí về vở kịch.
Là người đã từng trải qua những cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, chiến tranh biên giới Tây Nam và phía bắc, tác giả Nguyễn Sĩ Đại cho biết, anh mong muốn bằng vốn sống của mình thể hiện lại cuộc chiến sao cho chân thực, sinh động, để mọi người hiểu được đúng và hiểu nhiều hơn, và để đi đến cái cuối cùng là vẻ đẹp của con người ở thời đại đó. Nhà thơ cho biết, anh có lợi thế khi bắt tay vào viết vở kịch, là có vốn sống, và cũng có cái nhìn của người ở tương lai nhìn lại về chiến tranh, nhìn lại quá khứ để con người có một tâm thế sống thích hợp trong mọi thời đại.
Nhà thơ chia sẻ, quê anh ở Can Lộc, tuổi thơ của anh cũng từng gắn bó với địa điểm đóng quân của mười nữ TNXP Ngã ba Đồng Lộc: “Trước khi vào Đồng Lộc, các cô đã đóng quân ở Phú Lộc, nơi có tuyến đường 15, cũng là một trọng điểm bị đánh phá ác liệt, mỗi ngày hàng chục trận bom. Tuổi thơ của tôi quen với bom đến nỗi biết được quả bom còn cách mình bao xa. Khi thấy hình dáng bom “tròn tròn” nghĩa là nó đang rơi đúng đầu mình, phải chạy đi. Sau này cũng chả buồn tránh nữa. Các cô gái TNXP đã ở đó khá lâu”. Và đây là một trong những yếu tố giúp anh hoàn thành vở kịch nhanh chóng.
Nhà thơ Nguyễn Sĩ Đại cho biết, lâu nay anh vẫn ấp ủ viết một vở kịch thơ kiểu như “Nguyễn Trãi ở Đông Quan” của Nguyễn Đình Thi, bởi vì phù hợp với khả năng của mình, đồng thời cũng hấp dẫn người xem và có thể có tính triết lý nhiều hơn. “Vở kịch này chợt đến với tôi, giống như một nhiệm vụ. Không hiểu sao từ ngày viết vở này, không đêm nào tôi ngủ được, viết say mê và giống như được hỗ trợ về sức khỏe, đặc biệt là được giúp đỡ rất nhiều về mặt tư liệu” – nhà thơ chia sẻ. “Tôi gọi đến đâu người ta cũng cung cấp tài liệu, như các anh chị Yến Thanh, Diệu Lan, rồi nhiều người khác ở mọi miền quê, có người đã tự gửi hàng bó tài liệu đến cho tôi, trong đó có nhiều tài liệu nói về cuộc sống của các cô gái TNXP ở Ngã ba Đồng Lộc”.
Ấp ủ lâu nhưng viết chỉ trong vòng một tuần, Nguyễn Sĩ Đại bật mí, độc giả đầu tiên của vở kịch là mẹ anh, năm nay đã ngoài 90 tuổi. “Tôi quan sát thấy bà đọc cả buổi sáng, đến tối lại ngồi đọc, có lúc rơi nước mắt. Tôi cũng đưa bản thảo cho nhiều người khác xem, nhất là các cựu TNXP và khi họ nhận xét là xúc động, tôi mới yên tâm công bố kịch bản, và hy vọng có thể dựng được thành một vở kịch tốt”.
Đây cũng là kịch bản đầu tiên mà nhà thơ Nguyễn Sĩ Đại bắt tay vào viết. Trong kịch bản, nhà thơ mô mô tả cuộc sống hết sức đời thường của mười cô gái, như chị Hợi về quê, món quà mang về cho đồng đội là những trái bồ kết quý giá, quả sim, cùng những bông hoa ngọc lan “để đi làm mang đi cho không khí oi nồng ở đây cũng thoảng hương hoa và để nhớ mình vẫn là con gái”, rồi buổi tối hẹn hò cuối cùng của chị Tần với chồng chưa cưới trước khi lên đường làm nhiệm vụ. Trong vở kịch, cũng có những chi tiết hết sức xúc động như cuộc gặp của Đại tướng Võ Nguyên Giáp với mười cô ở ngay trận địa, chuyến xe của nhà thơ Phạm Tiến Duật ngang qua nơi các cô đóng quân, và cuộc trò chuyện hài hước của các cô gái với nhà thơ “mũi cao như Tây”…
Mười cô gái TNXP Ngã ba Đồng Lộc là đề tài vô cùng quen thuộc trong rất nhiều loại hình nghệ thuật, từ thơ, văn, kịch nói cho đến điện ảnh… Vậy “Khoảng trời con gái” làm thế nào để thoát khỏi lối mòn mà những tác phẩm khác từng đi qua và khai thác? Nhà thơ Nguyễn Sĩ Đại cho biết, điều đầu tiên anh nghĩ đến là sử dụng công nghệ, tích hợp nhiều loại hình nghệ thuật vào trong vở kịch: “Chúng tôi sẽ sử dụng màn hình để phát một số đoạn phim, ảnh tư liệu. Ngoài ra, chúng tôi cũng muốn kết hợp nhiều loại hình như điện ảnh, văn học, báo chí, và hy vọng sẽ đạt hiệu quả tốt”.
Nữ đạo diễn, diễn viên Thanh Loan cho biết, ê kíp thực hiện vở kịch thực sự “tay không bắt giặc”: “Chúng tôi vừa làm vừa xin tài trợ, và tìm một đơn vị nghệ thuật chấp nhận dàn dựng vở với chi phí không cao. Chị Hồng Lựu, Giám đốc Nhà hát Dân ca nghệ An đã nhận lời dựng vở với một mức chi phí tượng trưng. Chúng tôi hy vọng sau khi dựng xong, vở kịch sẽ được trình diễn ở nhiều nơi, và nhiều đơn vị nghệ thuật khác cũng sẽ đề nghị dựng vở”. Còn nhà thơ Sĩ Đại chia sẻ: “Đây là tấm lòng tri ân của chúng tôi đối với mười cô gái TNXP Ngã ba Đồng Lộc, và cũng là một câu chuyện lịch sử mà chúng tôi muốn kể cho lớp trẻ bây giờ hiểu hơn về chiến tranh. Mong muốn lớn nhất của chúng tôi là vở kịch sẽ lan tỏa…”
Theo TUYẾT LOAN/nhandan.com.vn