Cập nhật: 04/07/2018 09:33:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Tương tự như thực trạng ở những làng nghề truyền thống khác, ở làng thêu Quất Động (huyện Thường Tín, Hà Nội), rất hiếm thấy bạn trẻ gắn bó với nghề truyền thống ở quê hương. Nhưng có một người trẻ sinh ra ở Quất Động đã tìm cách gìn giữ những tinh hoa và phát triển nghề thêu cổ truyền trong xã hội đương đại.

Các bạn trẻ học nghề thêu tại Tiệm thêu tay Tú Thị. Ảnh: HÀ LAN

Khi quyết định xin nghỉ việc tại Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV), Mai Lan đã bị mẹ "triệu" về quê. Bà nhờ cả những người thân trong gia đình, dòng họ khuyên nhủ, can ngăn cô gái trẻ trước quyết định mà mọi người cho là điên rồ ấy, bởi ngay chính ở quê nghề thêu chả còn mấy người gắn bó. Nhưng Mai Lan nghĩ, cùng lúc làm hai công việc thì không thể làm tốt được việc gì và cô chỉ có thể chọn một.

Mai Lan sinh ra ở làng thêu Quất Động. Từ nhà Lan, chỉ đi một quãng đường ngắn là tới đền thờ tổ nghề thêu Lê Công Hành (thế kỷ 17). Mai Lan chia sẻ: Với người làng Quất Động, khó có thể nói là học nghề từ lúc nào. Khi còn bé, thấy mọi người trong gia đình ai cũng thêu, thấy hay hay, tôi đòi thêu thử. Những đứa trẻ làng Quất Động đều biết đến nghề thêu như thế, và biết thêu lúc nào không hay. Đến lúc bắt đầu biết thêu những họa tiết đơn giản, đứa nào, đứa nấy đều tham gia làm đỡ bố mẹ như một lẽ tự nhiên. Đó là khoảng những năm từ 1980 đến 1990, thời điểm nghề thêu nhận được những đơn hàng lớn, nhất là từ Nhật Bản, nhiều gia đình mấy người chụm đầu thêu một khung cho kịp tiến độ. Thời ấy, đất nước còn khó khăn, vậy mà có những gia đình mỗi tháng tiết kiệm được một chỉ vàng nhờ làm nghề.

Sang năm 2000, khung thêu Quất Động thưa vắng đơn hàng. Phần lớn người thợ quanh năm ở làng, không mấy người có điều kiện tìm hiểu, tiếp cận những thị hiếu mới của thị trường. Lớp trẻ ngại ngồi gò lưng cả ngày. Cái nghề tưởng chừng "mưa không đến mặt, nắng không đến đầu", nhưng lại hết sức vất vả vì chỉ làm một thời gian, ai cũng bị đau lưng, đau vai, gáy. Nghề thêu mai một dần. Bố mẹ cũng không muốn con mình cả đời ngồi bên khung thêu cho nên định hướng cho Mai Lan theo học ngành báo chí, rồi vào làm việc tại VOV. Nghề báo được đi nhiều nơi, biết nhiều chỗ khiến cô say mê. Bẵng đi đến gần 20 năm không động đến khung thêu. Nhưng rồi, duyên với nghề chưa dứt, cô phóng viên ấy trở về với nghề thêu mà không định trước. Mai Lan chưa từng mặc đồ thêu, nhưng một lần về quê chơi, cô muốn thêu một chiếc áo để mặc thử. Mai Lan chụp ảnh chiếc áo thêu trên facebook, khoe đó là sản phẩm quê mình, sau đó cô nhận được rất nhiều phản hồi. Bạn bè ai cũng trách sao đến bây giờ mới nói quê ở làng thêu và nhờ Mai Lan đặt thêu các sản phẩm thời trang cho họ. Không thể từ chối, Mai Lan về quê, nhờ họ hàng giới thiệu các nghệ nhân rồi đặt hàng. Đến khi số người đặt hàng tăng lên, lại có cả những người yêu cầu tạo mẫu thêu, Mai Lan mới nhìn lại nghề thêu, thị trường thêu. Khi điều kiện kinh tế, văn hóa cao hơn, người ta thường có xu hướng tạo dấu ấn cá nhân trên những sản phẩm thời trang. Nghề thêu đáp ứng được nhu cầu này. Song, bản thân các nghệ nhân ở làng quê không tiếp cận được thị trường. Mai Lan học lại... nghề thêu, kết nối những nghệ nhân ở làng.

Một mình không thể đảm nhiệm hết công việc, Mai Lan rủ Hà Trang (MC của VTC 14) kết hợp làm cùng. Hà Trang về Quất Động tìm hiểu nghề thêu, rồi quyết định học nghề để cùng làm. Ngày xưa, người làng Quất Động ra Hà Nội bán hàng. Di tích đình Tú Thị chính là chợ thêu ngày ấy. Muốn nối tiếp truyền thống, hai bạn trẻ đã cho ra đời Tiệm thêu tay Tú Thị. "Trụ sở" tiệm thêu tay Tú Thị chỉ là một căn gác nhỏ trên phố Hàng Thùng. Nhưng nó là nơi khởi nguồn cho những ước mơ... Với Mai Lan, những năm tháng bôn ba làm phóng viên giúp cô hiểu thêm nhiều điều. Những giá trị của nghề thêu cổ truyền không thể bị mai một. Những nghệ nhân cần sự hỗ trợ để có thể có niềm tin vào sự phát triển của nghề. Tiệm thêu tay Tú Thị là cầu nối giữa nghệ nhân với thị trường, giúp nối dài sức sống của nghề thêu.

Mỗi khách hàng muốn kể những "câu chuyện" riêng theo ý thích của mình trên sản phẩm. Từ những ý tưởng, những câu chuyện đó, các thành viên của tiệm thêu sáng tác mẫu, sau đó, được các nghệ nhân thêu tay hoàn toàn. Một trong những dòng sản phẩm được nhiều khách hàng ưa chuộng là áo dài thêu tay. Để có thể tạo ra những mẫu áo dài đẹp, theo phong cách cổ điển, các thành viên của cơ sở phải vào TP Huế học hỏi phong cách tạo dáng. Có những khách hàng thắc mắc sao giá thêu tay đắt thế, Mai Lan đã cho họ trải nghiệm một buổi làm việc của người thợ. Và rồi, khách hàng đã hiểu ra giá trị. Để khách có thể hiểu thêm về nghề thêu, Tiệm thêu tay Tú Thị còn tổ chức các lớp dạy thêu. Mai Lan mời nghệ nhân Bùi Lê Thuần trực tiếp giảng dạy. Riêng những học viên "nhí" được dạy miễn phí hoàn toàn.

Nghề thêu có tiềm năng to lớn trong việc tạo ra những sản phẩm lưu niệm hấp dẫn. Các thành viên tiệm thêu đang thiết kế thêm các loại khăn tay, khăn quàng, móc chìa khóa... nhằm đa dạng hóa sản phẩm. Mai Lan dự định lập một xưởng thêu nho nhỏ trong khuôn viên căn nhà cha mẹ cô ở quê, tạo một mô hình để khách du lịch trong nước và quốc tế đến tham quan khi về làng Quất Động. Ước mơ thì rất nhiều, nhưng không biết sức mình có thực hiện được không. Mai Lan bảo thế. Nhưng nếu không có những bạn trẻ đam mê và dám dấn thân như Mai Lan, thì các làng nghề truyền thống rất khó tồn tại và phát triển.

Theo GIANG NAM/nhandan.com.vn

Tệp đính kèm