Cập nhật: 04/07/2018 14:35:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Cà Mau đặt mục tiêu đến năm 2025 đưa Khu du lịch Mũi Cà Mau trở thành trọng điểm du lịch lớn nhất của tỉnh, là một trong những trung tâm du lịch sinh thái, trải nghiệm rừng ngập mặn đặc sắc, điểm đến quan trọng trên hành trình tham quan vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Toàn cảnh Khu Công viên văn hóa - Du lịch Mũi Cà Mau. (Ảnh: An Hiếu/TTXVN)

Trên cơ sở Quy hoạch tổng thể Khu du lịch Mũi Cà Mau đến năm 2030 được Thủ tướng phê duyệt, tỉnh Cà Mau sẽ chú trọng phát triển thị trường khách du lịch, thu hút khách phổ thông, chủ yếu du lịch tham quan, khám phá; đồng thời hướng đến việc mở rộng các loại hình du lịch nghỉ dưỡng, du lịch sinh thái, vui chơi giải trí…

Đối với định hướng phát triển sản phẩm du lịch, tỉnh tập trung khai thác các sản phẩm du lịch đặc thù như du lịch trải nghiệm điểm cực Nam; du lịch trải nghiệm tàu không số, khám phá vịnh Thái Lan.

Các sản phẩm du lịch chủ đạo gồm du lịch sinh thái rừng ngập mặn đặc trưng của Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau, du lịch trải nghiệm đời sống sông nước của cư dân bản địa, du lịch biển-đảo…

Cơ cấu tổ chức không gian phát triển du lịch, gồm các phân khu chức năng, cụ thể Trung tâm Khu du lịch quốc gia Mũi Cà Mau là khu vực vùng lõi, là trung tâm hạt nhân của khu du lịch với các công trình du lịch, trung tâm dịch vụ, vui chơi giải trí, nghỉ dưỡng sinh thái rừng ngập mặn; không gian sinh thái đặc thù là không gian tiếp giáp Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau, cũng chính là vùng đệm, nơi xây dựng các trung tâm dịch vụ, các điểm du lịch cộng đồng phục vụ phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, trải nghiệm đời sống sông nước; phân khu du lịch Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau là phần đất liền của Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau, nơi phát triển các hoạt động du lịch tham quan, du lịch trải nghiệm, du lịch sinh thái rừng ngập mặn.

Để đưa Khu du lịch Mũi Cà Mau trở thành Khu du lịch quốc gia đến năm 2030, tỉnh Cà Mau quan tâm đầu tư phát triển mạnh mẽ các điểm du lịch vệ tinh có tác dụng phụ trợ gồm thị trấn Năm Căn, huyện Năm Căn và thị trấn Rạch Gốc thuộc huyện Ngọc Hiển; điểm du lịch sinh thái cụm đảo Hòn Khoai, xã Tân Ân thuộc huyện Ngọc Hiển; điểm du lịch cộng đồng Đất Mới, xã Đất Mới thuộc huyện Năm Căn và nhiều điểm tham quan di tích lịch sử, du lịch sinh thái, tham quan làng nghề nuôi trồng thủy hải sản, chế biến nông sản, thủ công truyền thống của người dân địa phương.

Khu du lịch Mũi Cà Mau chủ yếu thuộc địa bàn huyện Ngọc Hiển và một phần nhỏ thuộc huyện Năm Căn, có diện tích khoảng 20.100ha.

Trong đó khu vực tập trung phát triển có diện tích 2.100ha và được giới hạn từ phía Nam trục Quốc lộ 1 (đường Hồ Chí Minh) ra biển Đông với chiều rộng trung bình 1,4 km và kéo dài từ ấp Khai Long, xã Đất Mũi đến hết khu Công viên văn hóa du lịch Mũi Cà Mau với chiều dài khoảng 15km.

Khu du lịch Mũi Cà Mau là một trong 5 địa điểm tiềm năng được quy hoạch đầu tư phát triển trở thành Khu du lịch quốc gia ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.

Đây cũng là Quy hoạch Khu du lịch quốc gia thứ hai của vùng Đồng bằng sông Cửu Long được phê duyệt sau Quy hoạch khu du lịch quốc gia Núi Sam, tỉnh An Giang./. 

Theo KIM HÁ (TTXVN/VIETNAM+)

https://www.vietnamplus.vn/dua-mui-ca-mau-tro-thanh-khu-du-lich-trong-diem-lon-nhat-tinh/511370.vnp

Tệp đính kèm