Cập nhật: 06/07/2018 10:31:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Công tác thi hành án dân sự (THADS) giữ vai trò quan trọng trong việc thực thi các bản án, quyết định của tòa án, qua đó bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của Nhà nước, tổ chức và cá nhân.

Trao đổi tại hội thảo chuyên đề vừa qua tại Hà Nội, Luật sư Tưởng Duy Lượng, nguyên Phó Chánh án TAND tối cao, Trọng tài viên trung tâm trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC) cho biết: Trong một thế giới phẳng, thông tin nhanh nhạy, đa chiều, việc thi hành phán quyết chậm trễ, kéo dài không hiệu quả sẽ khiến các nhà đầu tư nước ngoài e ngại làm ăn với Việt Nam. Nền kinh tế không thể cất cánh nếu thiếu vắng sự hợp tác tin cậy giữa các nước với Việt Nam, giữa các doanh nghiệp trong nước với nhau, giữa doanh nghiệp trong nước với doanh nghiệp nước ngoài. Ðiều đó đặt ra cho các cơ quan tài phán Việt Nam, cơ quan THADS, trong đó có việc thi hành loại án kinh doanh thương mại phải nỗ lực góp phần tạo nên môi trường kinh doanh lành mạnh. Dù phán quyết có đúng đắn, chính xác, nếu nó không được thi hành nhanh chóng, hiệu quả thì phán quyết cũng chỉ là “một tiếng chuông đánh vào thinh không”, tạo ra “một dấu hỏi lớn” về công lý mà người phải trả lời trực tiếp là cơ quan thi hành án, những chấp hành viên.

Nhiều vấn đề thời sự hiện nay như vướng mắc trong quy định về thủ tục hành chính ảnh hưởng đến thời gian tổ chức THADS; vướng mắc trong lĩnh vực thi hành án về kinh doanh thương mại liên quan các tổ chức tín dụng, thu hồi nợ xấu… đã được các đại biểu và chuyên gia tập trung thảo luận. Phó Tổng cục trưởng THADS Nguyễn Văn Sơn cho biết, bên cạnh kết quả đạt được, công tác THADS còn gặp nhiều khó khăn, thách thức. Quy định về thông báo nghĩa vụ phải thi hành án như hiện nay quá rườm rà; trách nhiệm của cơ quan tổ chức trong việc thực hiện yêu cầu của chấp hành viên về xác minh điều kiện thi hành án còn thiếu chế tài... Công tác THADS thời gian qua còn gặp nhiều khó khăn, điển hình như các vụ án tham nhũng lớn thường bị tẩu tán tài sản hoặc hợp thức hóa tài sản dẫn đến việc thi hành án trở nên phức tạp, bị kéo dài...

Lãnh đạo Tổng cục THADS cho biết, nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các cơ quan THADS trong thi hành án, nâng cao hiệu quả công tác quản lý nghiệp vụ THADS, đầu năm 2017, Tổng cục trưởng THADS ban hành Quy trình tổ chức thi hành án trong nội bộ cơ quan THADS. Quy trình xác định rõ thời gian thực hiện trong quá trình tổ chức THADS, nhằm bảo đảm việc tổ chức thi hành án kịp thời, đúng pháp luật. Tuy vậy, quy trình cũng bộc lộ một số vướng mắc như thông báo nghĩa vụ phải thi hành án còn rườm rà; quy trình, thủ tục bán đấu giá tài sản để thi hành án còn bất cập... Bộ Tư pháp đang chủ trì xây dựng Thông tư liên tịch trong lĩnh vực phá sản; hai Thông tư về thống kê và tổ chức cán bộ cũng như xây dựng đề án về giải quyết việc THADS không có điều kiện thi hành án đã tồn đọng trong nhiều năm qua. Ngoài ra, ban hành các quy định nhằm minh bạch thông tin, đơn giản hóa thủ tục và nâng cao năng lực cho cán bộ được tổ chức xây dựng, triển khai nhằm đẩy nhanh tiến độ giải quyết các vụ việc tồn đọng.

Tham gia ý kiến thảo luận, ông Ða-vít An-đơn-xơn, Giám đốc Dự án Quản trị nhà nước, Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ cho biết: Báo cáo về môi trường kinh doanh của Ngân hàng Thế giới năm 2017 đánh giá môi trường kinh doanh ở Việt Nam đã tăng 14 bậc so với năm trước, ghi nhận sự tiến bộ lớn nhất trong thập kỷ vừa qua mà Việt Nam đạt được. Ông cho rằng, Việt Nam cần tăng cường giải quyết hiệu quả tranh chấp hợp đồng, trong đó cần đẩy mạnh hơn nữa tiến trình cải cách tư pháp, trong lĩnh vực tòa án và THADS, góp phần tạo môi trường đầu tư thuận lợi, thúc đẩy kinh tế phát triển.

Đề cập khó khăn trong công tác THADS đối với doanh nghiệp, Phó Vụ trưởng Nghiệp vụ 1 (Tổng cục THADS) Phan Huy Hiếu đề xuất sửa đổi một số quy định pháp luật THADS liên quan doanh nghiệp, như quy định về chuyển giao quyền, nghĩa vụ thi hành án, nghiên cứu sửa đổi quy định không giới hạn việc kê biên tài sản của doanh nghiệp nhà nước. Ðồng thời, bổ sung cơ chế, chế tài đủ mạnh để xử lý các trường hợp ngân hàng, tổ chức tín dụng nói riêng, các cơ quan tổ chức liên quan nói chung không thực hiện các quyết định, yêu cầu hợp pháp của chấp hành viên theo quy định của pháp luật.

Về nội dung này, Chi cục trưởng THADS quận Bắc Từ Liêm (Hà Nội) Phạm Quang Dũng cho rằng, quy trình thi hành án hiện nay còn thiếu hai biện pháp quan trọng là tự nguyện thi hành án và thỏa thuận thi hành án, trong khi đó hai biện pháp này chiếm tỷ lệ lớn trong thực tiễn. Ðồng chí kiến nghị cần tăng cường phổ biến rộng rãi các chỉ đạo đối với từng vụ việc cụ thể để chấp hành viên có cơ hội tiếp cận và vận dụng trong thi hành án.

Hiện nay, có 67 thủ tục hành chính (TTHC) thuộc thẩm quyền giải quyết của Hệ thống THADS được công bố, trong số đó, 19 TTHC nằm trong quy trình tổ chức THADS. Tuy nhiên, nhiều TTHC chưa được quy định rõ hoặc chưa hợp lý gây khó khăn cho quá trình tác nghiệp của cơ quan THADS... 

Theo THÁI TRUNG/nhandan.com.vn

Tệp đính kèm