Cập nhật: 09/07/2018 08:14:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Trong những năm qua, công tác truyền thông được cơ quan quản lý di sản văn hóa ở các địa phương đặt lên hàng đầu trong việc vận dụng vào các hoạt động nhằm xác lập, quảng bá các giá trị di sản biển đảo. Tuy nhiên, công tác này vẫn chưa đạt hiệu quả cao, còn nhiều hạn chế trong thực tiễn và cả ở góc độ khoa học, ghi nhận những di sản văn hóa biển đảo khu vực Tây Nam Bộ là một điển hình.

Đông đảo người dân tham gia Lễ hội Nghinh Ông Sông Đốc, tỉnh Cà Mau

 Di sản văn hóa vật thể thuộc vùng biển Kiên Giang - Cà Mau có thể kể đến là các di tích khảo cổ học đã được khai quật từ thập niên 80 của thế kỷ XX như: Di chỉ hậu kỳ Đá mới có niên đại 3000 - 4000 năm cách ngày nay ở Phú Quốc, di chỉ Văn hóa Óc Eo có niên đại từ thế kỷ I - VI sau Công nguyên ở Thổ Châu; những di tích về thương cảng cổ ở Hà Tiên, di chỉ tàu đắm Phú Quốc niên đại (XIV – XV), di chỉ tàu đắm Cà Mau niên đại thế kỷ XVIII; những di tích phản ánh quá trình đấu tranh trong lịch sử cận, hiện đại như huyền thoại tuyến đường 1C qua địa phận Kiên Giang - Cà Mau… Đối với di sản văn hóa phi vật thể, đó là những tín ngưỡng thờ và lễ hội của cư dân vùng biển như tín ngưỡng thờ Mẫu (Thủy Long Thánh Mẫu, Dinh Bà); Cậu Tài, Cậu Quý (Dinh Cậu); Tục thờ cá Ông và Lễ hội Nghinh Ông ở Sông Đốc, tỉnh Cà Mau và huyện Kiên Hải, tỉnh Kiên Giang cùng nhiều phong tục, tập quán, lễ hội, sinh hoạt văn hóa, tâm linh khác… đã được nhân dân duy trì qua nhiều thế hệ và tồn tại cho đến ngày nay.

Đại diện cơ quan di sản các tỉnh miền Tây Nam bộ nhìn nhận, các địa phương đã có nhiều hoạt động nhằm xác lập các giá trị di sản văn hóa biển đảo, tuy nhiên, hoạt động truyền thông để quảng bá các giá trị di sản biển đảo trong thời gian qua của các địa phương cũng còn nhiều hạn chế, như chưa thực hiện công tác lập hồ sơ, xếp hạng, sưu tầm các tài liệu hiện vật, tư liệu hóa di sản, công tác giáo dục, giới thiệu về di sản văn hóa biển đảo chưa được đẩy mạnh, tập trung về con người cũng như đầu tư vật chất. Vì thế việc gắn kết giữa các di sản văn hóa biển đảo còn nhiều khó khăn, dẫn đến công tác quản lý chủ quyền, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của các nơi có di sản biển đảo đang đặt ra nhiều vấn đề cần giải quyết.

Theo ông Dương Minh Vĩnh, Giám đốc Bảo tàng tỉnh Cà Mau, việc làm đầu tiên là thay đổi về nhận thức của những người làm công tác di sản trong hoạt động truyền thông, đặc biệt là di sản văn hóa biển đảo, trong đó cần xác định rõ di sản văn hóa biển đảo là nguồn sử liệu khoa học quan trọng ghi lại quá trình xác lập và thực thi đối với biển đảo mà các thế hệ người Việt Nam đi trước đã gầy dựng nên. Việc vận dụng các hoạt động truyền thông nhằm mục đích bảo vệ, phát huy giá trị di sản biển đảo là nhiệm vụ chính trị lớn của địa phương, mà trước hết là cơ quan phụ trách di sản văn hóa.

Ông Nguyễn Quang Khánh, Phó Giám đốc Bảo tàng tỉnh Kiên Giang cho rằng, cần chú trọng hoạt động truyền thông trong việc triển khai các hoạt động nghiên cứu, sưu tầm các tư liệu hiện vật mang dấu ấn biển đảo, trên cơ sở đó, phân loại, xây dựng thành bộ sưu tập để tổ chức trưng bày nhằm làm bật lên giá trị di sản văn hóa biển đảo cũng như chủ quyền biển đảo của mỗi địa phương. Đẩy mạnh công tác đào tạo, thành lập đội nghiên cứu, khai quật, bảo vệ và phát huy các giá trị di sản văn hóa dưới nước trong hướng phát triển quy hoạch công tác bảo tồn biển hiện nay. Đối với hoạt động truyền thông trong công tác bảo tồn các di tích liên quan đến biển đảo, cần tập trung kiểm kê, lập hồ sơ khoa học những giá trị văn hóa biển đảo tiêu biểu của địa phương, đặc biệt là các di sản mang tính chủ quyền của đất nước, chú trọng đến các di tích ghi công các tiền nhân có công khai phá, tôn vinh những các cá nhân có vai trò lớn trong sự phát triển và đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo, nhất là vùng biển đảo khu vực biên giới.

Để thực hiện quảng bá di sản văn hóa biển đảo, theo các chuyên gia, cần xác định truyền thông di sản như là sợi chỉ đỏ xuyên suốt trong hành trình phát triển bằng sự liên kết giữa quá khứ và hiện tại để làm cầu nối cho sự phát triển tương lai của di sản, việc thực hiện cần xuất phát từ nhận thức đúng về vai trò của truyền thông trong bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa trong tình hình biển đảo đang có nhiều chuyển biến phức tạp như hiện nay. “Bên cạnh đó, cần tranh thủ sự giúp đỡ của các cơ quan chuyên môn về nghiệp vụ, khoa học, kỹ thuật và công nghệ, tranh thủ sự đóng góp của các nhà khoa học để đưa ra được định hướng truyền thông cho các giá trị di sản biển đảo phù hợp với tình hình hiện nay”, lãnh đạo một cơ quan di tích chia sẻ.

Cần thẳng thắn nhìn nhận lâu nay hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị di sản biển đảo còn chưa được quan tâm. Vì thế, đẩy mạnh hoạt động truyền thông để thực hiện nhiệm vụ quảng bá di sản biển đảo là đòi hỏi cấp thiết, cần được tập trung và giải quyết có hiệu quả trong thời gian tới.

(Ông DƯƠNG MINH VĨNH, Giám đốc Bảo tàng tỉnh Cà Mau)

Theo  VỸ TƯỞNG/baovanhoa.com.vn

Tệp đính kèm