Bảo vệ những vùng núi giàu tiềm năng phát triển du lịch trước sự xâm lấn gây biến dạng, suy thoái của chính các hoạt động du lịch, là vấn đề cần được đặt ra với nhiều khu vực hiện nay. Trong đó, không thể không nói đến vùng núi Ba Vì thuộc huyện Ba Vì, Hà Nội.
Ảnh minh hoạ (Internet)
Nhìn từ “đại công trường”!
Tại một số điểm đến nổi tiếng khu vực trung du miền núi, thu hút đông đảo du khách bởi cảnh quan hùng vĩ, cây cối xanh tốt, đa dạng, thời tiết mát mẻ, dễ chịu, các loại dịch vụ ngày càng hoàn thiện…, đang diễn ra một thực trạng đầy mâu thuẫn.
Đó là, chính sự phát triển mạnh mẽ các hoạt động du lịch dựa trên tiềm năng, đặc trưng, vẻ đẹp độc đáo của địa hình, môi sinh, khí hậu, thời tiết… của một địa bàn, khu vực, lại gây tác động tiêu cực, ảnh hưởng đến những tiềm năng, đặc trưng, vẻ đẹp ấy.
Không ít điểm du lịch tiêu biểu như thị trấn Sa Pa, huyện Sa Pa, Lào Cai, thị trấn Tam Đảo, huyện Tam Đảo, Vĩnh Phúc… đang có nguy cơ như vậy. Và thực tế, các hoạt động phục vụ cho sự phát triển du lịch ở đây, đã làm ảnh hưởng đến cảnh quan thiên nhiên, vốn được coi là một lý do, một sức hút khiến du khách tìm đến.
Những năm qua, hoạt động xây dựng ngày càng diễn ra nhiều hơn ở các địa bàn này. Hàng loạt khách sạn, nhà nghỉ, nhà hàng đồ sộ, nhiều tầng mọc lên, chen chúc hai bên những con đường, con dốc nhỏ. Nhiều tòa nhà được nâng thêm tầng để đón thêm du khách đang ngày một đông hơn. Các khối nhà, dãy nhà xây dựng theo nhiều hình thức, diện mạo, màu sắc, họa tiết khác nhau, thiếu sự thống nhất, chuyển tiếp, tạo nên những bản “đồng ca” lộn xộn, khúc khuỷu, trở thành những bức tường bê tông, gạch, đá, kính đầy góc cạnh và thô cứng, lấn lướt vẻ tươi đẹp, dung dị và hoang sơ của những con dốc, hàng cây, sườn núi, che bớt cảnh quan khoáng đạt của những dải núi đồi bao quanh khu vực.
Tại Sa Pa, những tòa nhà, biệt thự xây từ thời Pháp, hài hòa nép bên những rặng thông, cùng với nhà thờ đá thanh mảnh, đường nét giản dị, trở nên bé nhỏ, lọt thỏm trước những khối nhà mới hiện đại, sừng sững choán hết cả không gian. Nơi điểm đến thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước này, hệ thống cáp treo lên đỉnh Fansipan được xây dựng nhằm đưa được nhiều và nhanh các du khách lên tham quan, ngắm cảnh, trải nghiệm cảm giác trên “mái nhà Đông Dương”. Nhưng dáng vẻ tự nhiên của khu vực đỉnh núi đã không còn do bị hệ thống bậc thang, lan can, sàn đá, gỗ bao kín cùng nhiều công trình đồ sộ khác.
Tại Tam Đảo, những tầng xanh nối tiếp nhau lên cao của các hàng cây, vườn cây, vạt hoa giữa những con đường nhỏ, dần bị thu hẹp, che lấp bởi nhà cửa đã và đang tiếp tục mọc lên. Và khi đã “lạc” vào “mê cung” công trình này, thì người ta dễ có cảm giác đang trở lại phố xá, đô thị chật hẹp, ngột ngạt, đang ngày càng thêm ồn ào bởi lượng người đông đúc và nhịp độ xây dựng hối hả.
Nghĩ đến tương lai vùng núi thiêng
Những điểm đến như trên, là minh chứng sinh động cho sự phát triển du lịch mạnh mẽ với nhiều hình thức tổ chức, dịch vụ đi kèm, nhằm đáp ứng nhu cầu vui chơi, giải trí của người dân khi mức sống tăng lên, điều kiện giao thông, phương tiện di chuyển thuận lợi. Tuy nhiên, cũng là thí dụ cụ thể cho hệ quả không tốt khi vẻ đẹp thiên nhiên bị “gặm nhấm”, hao mòn, và hoạt động du lịch nhuốm đậm hơn màu sắc thực dụng.
Đó chính là những thực trạng đáng để cảnh báo đối với những khu vực, điểm đến khác cũng giàu tiềm năng, có khả năng được khai thác, tận dụng để phát triển du lịch, và thực tế đang được khai thác, để ý. Như vùng núi Ba Vì, cũng gọi là vùng núi Tản Viên, thuộc huyện Ba Vì, Hà Nội, với cảnh quan hùng vĩ, uy linh của núi Tản sông Đà; với màu xanh và hệ thống động thực vật đa dạng của Vườn quốc gia Ba Vì; với khí hậu mát mẻ trên cao; nguồn suối khoáng tự nhiên cùng các hồ đầm rộng lớn; cùng những đặc sắc của văn hóa các làng quê Việt, Mường, Dao quanh khu vực chân núi, mang nhiều nét đặc thù về phong tục tập quán, lễ hội, ngôn ngữ, ẩm thực… của cư dân miền núi, bán sơn địa. Đặc biệt khi địa bàn này lại gần trung tâm Hà Nội và nhiều tỉnh thành đồng bằng sông Hồng, với giao thông thuận lợi, có nguồn du khách tiềm năng khổng lồ và nhu cầu vui chơi, giải trí, nghỉ dưỡng được nâng cao.
Những năm qua, trên địa bàn huyện Ba Vì khu vực quanh chân núi Ba Vì, và ở cả các huyện, thị xã lân cận, có sự phát triển của các dịch vụ nhà hàng, điểm mua sắm, nhà nghỉ, khu vui chơi, nghỉ dưỡng, resort… phục vụ du lịch. Một số khu nghỉ dưỡng lâu năm được nâng cấp. Nhiều điểm di tích văn hóa, lịch sử được tôn tạo, mở rộng. Khu vực này hứa hẹn sẽ càng thu hút du khách khi thêm nhiều điều kiện phục vụ, đáp ứng được bảo đảm, được nâng cao. Xu hướng này sẽ còn phát triển mạnh hơn. Tuy nhiên, nhìn sang nhiều điểm đến trên cao khác đang tấp nập, ồn ào và trở nên ngột ngạt, biến đổi hình dáng, rất nên lường trước một kịch bản không hay có thể xảy đến với cảnh quan thiên nhiên vùng núi thiêng Ba Vì.
Những gì đang được nhận ra, cảm thấy rõ hơn từ nhiều khu du lịch nổi tiếng, đáng để các cấp lãnh đạo thành phố Hà Nội, ngành du lịch, văn hóa, giới chuyên môn và người dân sở tại, sớm có sự hợp tác nghiên cứu, xây dựng định hướng phát triển du lịch ở khu vực núi Ba Vì một cách khoa học và nhân văn, cùng với những chính sách, cơ chế chặt chẽ của Thủ đô. Trong đó, hệ thống vườn - rừng phải được tuyệt đối bảo vệ, phát triển; địa thế, địa hình tự nhiên của thắng cảnh và không gian tọa lạc di tích phải được tôn trọng; khu vực chân núi phải được khoanh vùng ranh giới, vùng đệm nhằm giữ cho hoạt động xây dựng không gây ảnh hưởng đến cảnh quan, môi trường; việc xây dựng, phát triển hệ thống khách sạn, nhà hàng, nhà cao tầng, khu dịch vụ, giải trí… trong tương lai, phải có sự thẩm định và kiểm soát chặt chẽ về các tiêu chuẩn kỹ thuật, hình dáng, màu sắc, phối cảnh tổng thể… để có sự hài hòa với cảnh quan thiên nhiên và những nét đặc trưng văn hóa địa phương.
Nơi Ba Vì núi Tản thực sự là di sản thiên nhiên kỳ vĩ của không chỉ Thủ đô, đồng thời là khu vực quy tụ, kết nối, lan tỏa dòng chảy của các di sản văn hóa lâu đời khu vực phía Tây Hà Nội và rộng hơn thế. Thiên nhiên nếu bị khai thác cho mục đích tổ chức dịch vụ du lịch đến tận độ, đến cùng kiệt, đến biến dạng thì sẽ không còn là chính nó nữa. Và như vậy, cũng không quá xa xôi, người ta có thể nhìn thấy nguy cơ suy thoái thiên nhiên, dẫn đến suy giảm về du lịch do không bảo đảm được tính bền vững.
Nghiêm trọng hơn, là những suy thoái về thiên nhiên, cảnh quan, môi trường còn tác động xấu đến đời sống, sinh hoạt người dân, thậm chí cả hoạt động xã hội, văn hóa nói chung của địa phương sở tại. Sự thả nổi, buông bỏ, thiếu khảo sát, đánh giá kịp thời cùng những quan niệm dễ dãi, thực dụng, cách làm theo kiểu lợi dụng trong phát triển du lịch dựa trên nền tảng thiên nhiên, rất có thể gây hại đối với thiên nhiên ngay từ trong suy nghĩ, và có thể biến thành hiện thực trong thời gian không quá xa.
Theo DƯƠNG XUÂN/nhandan.com.vn