Nhằm góp phần khôi phục dòng tranh Đông Hồ có lịch sử hơn 400 năm trước nguy cơ mai một, mới đây, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTT và DL) đã đồng ý với đề xuất của tỉnh Bắc Ninh về việc xây dựng hồ sơ “Nghề làm tranh dân gian Đông Hồ” trình UNESCO đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp.
Học sinh trải nghiệm làm tranh Đông Hồ tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam.
Phai nhạt “vàng son”
Từ rất lâu, cùng với tranh làng Sình, Kim Hoàng, Hàng Trống… tranh Đông Hồ là dòng tranh dân gian đặc sắc được in từ ván khắc gỗ, do người dân làng Đông Hồ (xã Song Hồ, huyện Thuận Thành, Bắc Ninh) sáng tạo, sản xuất và phát triển thành làng nghề. Gắn bó và thể hiện khá chân thực, sinh động phong tục cổ truyền, tập quán, lao động và sinh hoạt của người dân Việt Nam, tranh Đông Hồ thường mang những hình ảnh dân dã, hồn nhiên, như: đám cưới chuột, đàn lợn, gà, thiếu nữ hứng dừa, cậu bé thổi sáo trên lưng trâu hay cảnh đánh ghen của đôi vợ chồng trẻ… Nét đặc sắc của tranh dân gian Đông Hồ còn ở mầu sắc tự nhiên từ cây cỏ như đen, xanh, vàng, đỏ và chất liệu giấy in (bồi điệp trên giấy dó). Cũng bởi phản ánh được những nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc mà tranh Đông Hồ có được sức sống lâu bền và sự cuốn hút đặc biệt với nhiều thế hệ người Việt cũng như du khách nước ngoài. Với những giá trị đặc sắc của mình, tranh Đông Hồ đã từng được xuất khẩu ra nhiều nước trên thế giới. Khoảng từ năm 1990 trở lại đây, trước nguy cơ mai một và thất truyền của hàng loạt làng nghề truyền thống trong nước bởi sự thay đổi về nhu cầu thẩm mỹ và sức ép của kinh tế thị trường, làng tranh Đông Hồ cũng không là ngoại lệ. Tranh không còn mang tính thuần Việt mà dần bị thương mại hóa khi mầu sắc sử dụng chuyển sang loại mầu công nghiệp, giấy mất độ óng ánh của vỏ sò điệp, các bản khắc mới không được tinh tế như bản cổ, thậm chí có những bản đã loại bỏ phần chữ bên cạnh phần hình khiến tranh không còn trọn vẹn về ý nghĩa… Ngày nay, đến với chợ tranh Đông Hồ, du khách chẳng còn được thấy cảnh tấp nập bán mua, cảnh mọi người, mọi nhà đều chuộng tranh như ngày xưa. Người làng Hồ vẫn phơi giấy, nhưng giấy đó lại để làm… vàng mã! Qua nhiều thế kỷ, có 17 dòng họ quy tụ về làng Đông Hồ, xưa tất cả đều làm tranh. Song giờ đây chỉ còn hai gia đình nghệ nhân Nguyễn Đăng Chế và Nguyễn Hữu Sam cùng con cháu là vẫn theo nghề, quyết gìn giữ di sản truyền thống. Là nghệ nhân đời thứ 20 theo nghiệp tranh của gia đình, năm 2007, ông Chế thuê mảnh đất bên bờ sông Đuống để xây dựng Trung tâm văn hóa dân gian truyền thống, đưa “xưởng tranh” lớn này trở thành điểm du lịch quen thuộc của nhiều đoàn khách tham quan trong nước và ngoài nước. Số bản khắc ông dày công sưu tầm, phục chế, sáng tác ngày một nhiều và phong phú thêm; đến nay, gia đình ông đã có hơn 1.000 bản khắc gỗ, trong đó 20 loại tranh mới vẽ, như: Bác Hồ với thiếu nhi, Bắt phi công Mỹ, Đào mương chống hạn... Tuy đã để người con trai lập phòng tranh ở Hà Nội, mở rộng thị trường tiêu thụ, song ông Chế vẫn không khỏi lo lắng trước nguy cơ mai một của dòng tranh...
Hy vọng sự hồi sinh
Những năm qua, tỉnh Bắc Ninh đã cố gắng bảo vệ, phát huy giá trị văn hóa của tranh dân gian Đông Hồ. Từ năm 2014, tỉnh đã phê duyệt đề án “Bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa tranh dân gian Đông Hồ giai đoạn 2014 - 2020, định hướng đến năm 2030”; nhằm xác định hiện trạng và nguy cơ mai một; đồng thời nâng cao nhận thức, hành động của chính quyền và nhân dân địa phương trong việc bảo vệ, phát huy giá trị văn hóa của tranh dân gian Đông Hồ. Bên cạnh đó, Bắc Ninh khuyến khích các doanh nghiệp chú trọng đẩy mạnh các tua du lịch về Thuận Thành, tuyến chùa Dâu - chùa Bút Tháp - làng tranh Đông Hồ và hoạt động quảng bá tranh tới các trường học, thị trường quốc tế… Tháng 3-2017, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh đã phê duyệt đề cương chi tiết xây dựng hồ sơ ứng cử quốc gia đề nghị UNESCO đưa nghề làm tranh dân gian Đông Hồ vào danh sách di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp và Bộ VHTT và DL đã có văn bản đồng ý với đề xuất của UBND tỉnh. Đây là tín hiệu đáng mừng để người dân Đông Hồ nói riêng và người yêu tranh Đông Hồ nói chung có thể hy vọng và chờ đợi sự hồi sinh, tỏa sáng trở lại của một dòng tranh dân gian đặc sắc.
Về làng tranh giờ đây, thấy dẫu trong thời kỳ gian khó, bà Nguyễn Thị Oanh (sinh năm 1960) - con dâu nghệ nhân Nguyễn Hữu Sam, cũng là nữ nghệ nhân duy nhất của dòng tranh làng Đông Hồ vẫn say sưa, miệt mài với nghề. Ngoài các bản khắc cổ của cha ông, bà sáng tạo thêm một số bản khắc mới. Bà Oanh cho biết, tuy các công đoạn kỹ thuật vẫn như xưa nhưng do sự thay đổi của thị hiếu thẩm mỹ và nhu cầu thưởng thức nên chất lượng của tranh Đông Hồ ngày càng được chú trọng hơn, đa dạng về thể loại, kích cỡ. Tuy còn khó khăn, bà vẫn luôn tự hào về dòng tranh truyền thống của cha ông và quyết tâm cùng con cháu tiếp tục làm tranh. “Dù vất vả đến đâu, gia đình tôi vẫn kiên trì gìn giữ và truyền nghề cho con cháu, để dòng tranh Đông Hồ mãi được lưu truyền, góp phần bảo lưu bản sắc độc đáo của văn hóa Việt Nam”, nghệ nhân Nguyễn Thị Oanh khẳng định.
Bài và ảnh: NGUYỄN PHƯƠNG
Theo nhandan.com.vn