Thời gian qua, lực lượng chức năng các cấp liên tục phát hiện hàng nghìn vụ việc liên quan hoạt động kinh doanh hàng giả, gian lận thương mại, buôn lậu, nhưng kết quả chưa tương xứng tình hình thực tế. Sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 17, các địa phương đồng loạt “ra quân” quyết liệt và đã phát hiện nhiều vụ việc vi phạm.
Ông Đàm Thanh Thế, Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo 389 trao đổi với phóng viên.
Hiện nay, tình trạng sản xuất, vận chuyển, tàng trữ, buôn bán hàng hóa không nguồn gốc xuất xứ, hàng giả, hàng kém chất lượng, như: phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, xăng dầu… còn diễn ra ở nhiều nơi. Một số mặt hàng như: dược phẩm, thực phẩm chức năng, mỹ phẩm, dược liệu, vị thuốc cổ truyền giả, không rõ nguồn gốc… đang có chiều hướng gia tăng, xuất hiện nhiều trên thị trường và đã bị các cơ quan chức năng phát hiện.
Điển hình là vụ việc Vinaca, các đối tượng đã sử dụng bột than tre để lừa người tiêu dùng và quảng cáo có công dụng hỗ trợ điều trị ung thư. Đáng trách hơn, có cả tình trạng một số hiệp hội trao tặng thương hiệu sản phẩm cho doanh nghiệp nhưng chưa kiểm chứng, dẫn tới việc doanh nghiệp sử dụng những tấm bằng để lừa người tiêu dùng.
Bên cạnh đó, hiện nay mô hình hoạt động, buôn bán qua mạng rất phổ biến mà chưa có phương thức nào có thể kiểm soát được chất lượng hàng hóa nếu bị trộn lẫn đã ảnh hưởng đến quyền lợi người tiêu dùng.
Trước tình hình trên, ngày 13-7-2015, Trưởng Ban Chỉ đạo 389 quốc gia đã ký ban hành công điện số 90/CĐ-BCĐ 389 về việc phát động mở đợt cao điểm đấu tranh chống buôn lậu, sản xuất, kinh doanh hàng giả là dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng.
Sau hơn hai năm triển khai, lực lượng chức năng các cấp đã phát hiện, xử lý hơn 12 nghìn vụ việc vi phạm, thu nộp ngân sách Nhà nước hơn 75 tỷ đồng, trị giá hàng hóa vi phạm 99,233 tỷ đồng, khởi tố hình sự 17 vụ án với 29 đối tượng.
Nhưng theo ông Đàm Thanh Thế, Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, thì kết quả này chưa tương xứng với tình hình thực tế đang diễn ra. Tỷ lệ phát hiện, xử lý còn thấp, vi phạm diễn ra ngày càng phức tạp với nhiều phương thức thủ đoạn tinh vi, phạm vi rộng khi các đối tượng đã lợi dụng những bất cập về cơ chế chính sách, những sơ hở trong công tác quản lý để hình thành các đường dây, băng nhóm sản xuất, tiêu thụ các mặt hàng vi phạm. Thực tế trên đã gây những tác hại nghiêm trọng đến sức khỏe và đời sống của người tiêu dùng, làm nhiễu loạn thị trường, tổn hại sản xuất kinh doanh.
Chính vì vậy, ngày 19-6-2018, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 17/CT-TTg về tăng cường đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng thuộc nhóm hàng dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, dược liệu và vị thuốc y học cổ truyền.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, các địa phương, các lực lượng chức năng phải quán triệt sâu sắc và đề cao trách nhiệm trong đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, nhất là nhóm hàng liên quan chăm sóc, nâng cao sức khỏe con người, phải xác định đây là nhiệm vụ quan trọng vừa cấp bách vừa lâu dài. Qua đó, phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, phối hợp chặt chẽ giữa các ngành, các cấp, các lực lượng chức năng, triển khai đồng bộ các biện pháp và kiên quyết đấu tranh từng bước đẩy lùi tệ nạn này.
Ngay sau đó, Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 đã xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện Chỉ thị 17; cùng với đó, các Bộ Y tế, Tài Chính cũng có văn bản chỉ đạo cơ quan y tế, hải quan tăng cường kiểm tra, kiểm soát đối với dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, dược liệu, vị thuốc y học cổ truyền.
Hai địa phương trọng điểm là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh đã ra quân quyết liệt. Trong đó, TP Hồ Chí Minh tuần vừa qua đã kiểm tra, phát hiện 58 cơ sở kinh doanh có nhiều vi phạm. Còn tại Hà Nội, chỉ riêng ngày 6-7, Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội đã phát hiện 10 điểm kinh doanh mỹ phẩm trên địa bàn toàn Thành phố, thu giữ 2.028 sản phẩm mỹ phẩm các loại của nước ngoài không có hóa đơn chứng từ.
Điển hình, tại cửa hàng “Skin House”, 19 Nguyễn Phong Sắc, Phường Dịch Vọng Hậu, quận Cầu Giấy, Hà Nội do ông Trần Văn Tiến là chủ kinh doanh, đoàn kiểm tra phát hiện có 396 sản phẩm do nước ngoài sản xuất không có hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc; tại cơ sở kinh doanh mỹ phẩm, 22 Chùa Bộc, quận Đống Đa, Hà Nội do bà Đặng Thị Thu Thùy làm chủ hộ kinh doanh, phát hiện có 608 sản phẩm mỹ phẩm không có hóa đơn chứng minh nguồn gốc…
Ngoài ra tại một số địa điểm khác, lực lượng QLTT phát hiện nhiều sản phẩm có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu hàng hóa đang được bảo hộ tại Việt Nam.
Vấn nạn hàng giả, hàng kém chất lượng, gian lận thương mại đã tồn tại từ nhiều năm nay và các đối tượng liên tục có những thủ đoạn, hành vi để tiếp tục vi phạm. Thậm chí, tại nhiều địa phương, lực lượng chức năng sau khi phát hiện và xử phạt một chủ cơ sở sản xuất hàng giả thì ít lâu sau, đối tượng này lại tiếp tục vi phạm. Bởi lẽ hiện nay, mức xử phạt, chế tài xử lý hành chính một số hành vi vẫn còn thấp so lợi nhuận thu được. Chính vì vậy, nhiều đối tượng luôn sẵn sàng tâm lý… nộp phạt nếu bị lực lượng chức năng phát hiện để tiếp tục vi phạm.
Theo Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo 389, Đàm Thanh Thế, cần xem lại chế tài xử lý hiện nay, nếu chế tài xử lý quá nhẹ, chỉ phạt vài triệu đồng so với lợi nhuận trong việc sản xuất, kinh doanh các mặt hàng giả, kém chất lượng thì chưa tương thích với thực tế mà cần có chế tài xử lý mạnh, đủ sức răn đe các đối tượng vi phạm, một số vụ việc nghiêm trọng cần phải đưa ra xử lý hình sự.
Theo KHÁNH BĂNG/nhandan.com.vn