Cập nhật: 12/07/2018 15:00:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Với định hướng phát triển thành một Tổng công ty xuất, nhập khẩu và thương mại nội địa lớn của Thủ đô và đất nước, sau khi cổ phần hóa, Tổng công ty Thương mại Hà Nội (Hapro) đã triển khai nhiều bước đi đột phá mở rộng thị trường xuất khẩu, gia tăng kim ngạch xuất khẩu; đồng thời thực hiện các giải pháp nâng cao hiệu quả kinh doanh hệ thống bán lẻ trong nước.

Đại diện Hapro giới thiệu sản phẩm tại Hội chợ Kintex (Trung Quốc).

Chủ động xây dựng nguồn hàng xuất khẩu

Vừa trở về sau chuyến công tác nước ngoài tại Dubai, Tổng Giám đốc Hapro Vũ Thanh Sơn cho biết: Đơn vị vừa đưa một số mặt hàng nông sản của Việt Nam vào bán tại hệ thống siêu thị lớn tại một số thị trường được đánh giá là “khó tính” nhưng rất tiềm năng, gồm xuất khẩu 2.000 tấn gạo vào thị trường Mỹ và Các Tiểu vương quốc A-rập thống nhất (UAE), 20 tấn vải thiều Thanh Hà (Hải Dương) vào Malaysia...

Xuất khẩu nông sản, nhất là mặt hàng gạo vốn là thế mạnh của Hapro nhiều năm nay, nhưng trước đây, cũng như các doanh nghiệp trong nước khác, Hapro thường bán hàng qua một số công ty vừa và nhỏ tại UAE, sau đó các doanh nghiệp này bán lại sản phẩm cho các chuỗi siêu thị hoặc nhà phân phối khác tại quốc gia này. Vì vậy, các doanh nghiệp Việt Nam thường xuyên bị ép giá bán, mặt khác, do qua nhiều khâu trung gian, cho nên sản phẩm khi tới tay người tiêu dùng bị đội giá rất nhiều.

Vừa qua, Hapro đã làm việc, giao dịch với hai chuỗi siêu thị lớn tại UAE để cung cấp trực tiếp 50 công-ten-nơ gạo, dưới hình thức đóng bao 5 kg, 10 kg/bao với bao bì thiết kế đẹp, ghi rõ thương hiệu và chỉ dẫn địa lý cho các chuỗi siêu thị này để phân phối tại UAE, cũng như tại các nước trong khu vực Trung Đông và châu Phi. Qua đó, các sản phẩm của Việt Nam được bán trực tiếp tới được tay người tiêu dùng, với giá hợp lý, chất lượng được bảo đảm. Ngoài ra, việc giao dịch với các chuỗi siêu thị lớn sẽ giúp doanh nghiệp bán được hàng với số lượng lớn, ổn định và bền vững, cũng như việc thanh toán được bảo đảm đúng tiến độ và uy tín.

Với mặt hàng vải thiều, đây là lần đầu đặc sản này được đưa vào các siêu thị bán lẻ, mà không qua các khâu trung gian phân phối. Tham tán thương mại Việt Nam tại Malaysia Phạm Quốc Anh cho biết: Mặt hàng vải thiều Việt Nam được người tiêu dùng nước bạn đón nhận, khả năng tiêu thụ tương đối tốt. Sau lô hàng đầu tiên, phía bạn quyết định tăng cường lượng hàng nhập khẩu từ Việt Nam để bán ở thủ đô Cu-a-la Lăm-pơ và các bang lân cận. Dự kiến trong thời gian tới, 20 công-ten-nơ vải thiều (mỗi công-ten-nơ khoảng 10 tấn) sẽ được đưa sang thị trường này để phục vụ người tiêu dùng. Thành công từ xuất khẩu vải thiều mở ra cho Hapro một hướng đi mới, đó là đẩy mạnh xuất khẩu hoa quả, rau, củ tươi. Sắp tới, đơn vị tiếp tục xuất khẩu chanh không hạt, cà-rốt sang UAE; xuất khẩu ớt tươi, các loại rau vụ đông... sang thị trường Malaysia. Việc đưa nông sản Việt Nam vào hệ thống phân phối nước ngoài không chỉ giúp nâng cao giá trị sản phẩm và thu nhập cho nông dân, mà còn góp phần quảng bá thương hiệu nông sản Việt Nam trên thị trường quốc tế.

Người tiêu dùng mua vải thiều tại siêu thị Hapromart trong Tuần lễ vải thiều Thanh Hà - Hải Dương tại Hà Nội.

Sau khi tổ chức thành công đại hội cổ đông, xác định định hướng phát triển đơn vị thành một tổng công ty xuất nhập khẩu và thương mại nội địa lớn của Thủ đô và đất nước, Hapro đã triển khai ngay một số giải pháp để tạo sự bứt phá trong xuất khẩu, phấn đấu đến năm 2020, tỷ trọng kim ngạch xuất khẩu chiếm 80% tổng doanh thu của tổng công ty; đưa thương hiệu xuất khẩu Hapro trở thành thương hiệu quốc tế hàng đầu tại khu vực, đưa kim ngạch xuất khẩu năm mặt hàng gồm: gạo, hạt tiêu, hạt điều, cà-phê và thủ công mỹ nghệ nằm trong năm doanh nghiệp xuất khẩu hàng đầu của cả nước.

Lãnh đạo Hapro cho biết: Thời gian tới, để chủ động nguồn hàng xuất khẩu, bảo đảm chất lượng, quy cách, đáp ứng những đơn hàng lớn với tiêu chuẩn khắt khe về vệ sinh an toàn thực phẩm của các khách hàng nước ngoài, đơn vị tập trung đầu tư xây dựng vùng nguyên liệu và nhà máy chế biến nông sản. Doanh nghiệp hạn chế xuất khẩu nguyên liệu thô, đẩy mạnh việc chế biến thành phẩm, đóng gói mang thương hiệu Hapro để xuất khẩu trực tiếp các hàng hóa vào chuỗi trung tâm thương mại, siêu thị tại nước ngoài nhằm nâng cao giá trị nông sản Việt.

Để cụ thể hóa định hướng nêu trên, Hapro đang từng bước triển khai xây dựng một số nhà máy chế biến hàng nông sản như: nhà máy chế biến hạt điều, nhà máy chế biến hạt tiêu; nhà máy xay xát gạo tại Đồng Tháp... Đầu tư xây dựng các vùng trồng vải, trồng rau, củ, quả theo tiêu chuẩn VietGAP, áp dụng công nghệ cao trong sản xuất tại các tỉnh Hải Dương, Bắc Giang, Sơn La... tạo nguồn hàng xuất khẩu vững chắc. Tăng cường xúc tiến thương mại để phát triển, mở rộng thêm các thị trường xuất khẩu lớn, có tiềm năng..., phấn đấu đến năm 2020, tổng công ty có thị trường xuất khẩu mở rộng tới 80 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.

Nâng cao hiệu quả kinh doanh hệ thống bán lẻ trong nước

Mặc dù có nhiều cố gắng, nhưng hiệu quả kinh doanh của hệ thống bán lẻ trong nước mang thương hiệu Hapromart, Haprofood và các cửa hàng chuyên doanh các mặt hàng thuộc Tổng công ty Thương mại Hà Nội thời gian qua chưa đạt như mong muốn, chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế hiện có của doanh nghiệp. Chiến lược phát triển của Hapro sau khi cổ phần hóa nêu rõ, cần tập trung phát triển thị trường trong nước với hệ thống siêu thị Hapromart, Haprofood và hệ thống các cửa hàng ăn uống dịch vụ, đẩy mạnh phát triển hệ thống hạ tầng thương mại tại Hà Nội và các tỉnh, thành phố trên cả nước.

Để thực hiện mục tiêu này, đơn vị triển khai thực hiện các nhóm giải pháp cơ bản sau. Đó là rà soát, cơ cấu lại mạng lưới các siêu thị, cửa hàng Hapromart, Haprofood, cửa hàng chuyên doanh theo hướng nâng cao năng lực cạnh tranh bằng chất lượng dịch vụ và nguồn hàng hóa đa dạng, phong phú. Ngoài mạng lưới các cửa hàng hiện có, đơn vị sẽ thuê thêm các địa điểm phù hợp để phát triển kinh doanh và thực hiện nhượng quyền thương hiệu. Đơn vị tăng cường kết nối với các nhà cung cấp và trở thành đại lý phân phối cho nhiều nhà sản xuất có uy tín trên thế giới. Tiến hành chuẩn hóa hệ thống quản trị trong toàn hệ thống.

Tổng Giám đốc Hapro cho biết, tương tự như cách tạo nguồn hàng xuất khẩu, để chủ động được nguồn hàng hóa đưa vào hệ thống bán lẻ của đơn vị, doanh nghiệp đầu tư xây dựng các cơ sở vệ tinh, các vùng nguyên liệu cung cấp, hoặc đặt hàng các trang trại chăn nuôi để có nguồn nông sản, thực phẩm tươi, an toàn mang thương hiệu riêng của đơn vị. Mới đây, tại Hội nghị “Hà Nội 2018 - Hợp tác, đầu tư và phát triển”, Hapro đã ký Biên bản ghi nhớ hỗ trợ tiêu thụ nông sản, thực phẩm giữa Tổng công ty và các tỉnh Hải Dương, Bắc Giang, Sơn La.

Theo đó, các tỉnh sẽ chỉ đạo các doanh nghiệp, hợp tác xã sản xuất các sản phẩm an toàn theo quy định để đưa sản phẩm vào hệ thống phân phối, về phía Hapro, đơn vị sẽ tạo điều kiện hỗ trợ cao nhất việc tiêu thụ các sản phẩm nông sản, ký hợp đồng tiêu thụ sản phẩm trong hệ thống phân phối của doanh nghiệp. Ngay sau sự kiện này, Tổng công ty đã phối hợp UBND tỉnh Hải Dương tổ chức sự kiện “Tuần lễ vải thiều Thanh Hà - Hải Dương tại Hà Nội” đưa đặc sản này vào hệ thống siêu thị Hapromart và Intimex, được người tiêu dùng Thủ đô đón nhận.

Với những định hướng sản xuất, kinh doanh đúng đắn, cách làm bài bản, căn cơ, hy vọng rằng thời gian tới, Tổng công ty Thương mại Hà Nội gặt hái nhiều thành công đáng ghi nhận trong lĩnh vực xuất, nhập khẩu và kinh doanh bán lẻ trong nước, góp phần tạo thêm nhiều việc làm, tăng thêm thu nhập không chỉ cho người lao động của đơn vị, mà còn cho nông dân các vùng nguyên liệu trong nước, qua đó nâng cao giá trị và quảng bá thương hiệu hàng nông sản Việt Nam trên thị trường quốc tế.

Sáu tháng đầu năm 2018, bên cạnh việc tích cực triển khai các bước của quy trình cổ phần hóa, tổ chức thành công đại hội cổ đông lần đầu, Tổng công ty Thương mại Hà Nội tiếp tục duy trì tốc độ phát triển trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, mở rộng thị trường, đạt kết quả như sau: - Kim ngạch xuất khẩu đạt 63,6 triệu USD, tăng 43% so với cùng kỳ năm 2017. Trong đó, Công ty mẹ - Tổng công ty đạt 63,1 triệu USD, đạt 57% kế hoạch năm 2018, tăng 52% so với cùng kỳ năm trước.

- Tổng doanh thu đạt 2.676 tỷ đồng, tăng 27% so với cùng kỳ năm 2017. Trong đó Công ty mẹ - Tổng công ty đạt 2.022 tỷ đồng, đạt 57% kế hoạch năm 2018, tăng 52% so với cùng kỳ năm 2017. 

Theo HẢI THANH/nhandan.com.vn

Tệp đính kèm