Thực trạng nghề truyền thống trồng dâu, nuôi tằm, ươm tơ, dệt lụa và nghề dệt thổ cẩm trên địa bàn tỉnh Quảng Nam hiện nay như thế nào là nội dung chính của hội thảo về nghề truyền thống dâu tằm Tơ lụa - Thổ cẩm Quảng Nam do UBND tỉnh Quảng Nam phối hợp cùng Công ty Cổ phần Tơ lụa Quảng Nam vừa tổ chức tại Hội An.
Phát biểu khai mạc tại Hội thảo, ông Lê Trí Thanh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam khẳng định: "Nghề trồng dâu nuôi tằm, ươm tơ dệt lụa, thổ cẩm không đơn giản là tạo ra hàng hóa phục vụ cho nhu cầu con người, đời sống xã hội mà nó còn hàm chứa trong những sản phẩm đó những giá trị về văn hóa, về tinh thần, về cốt cách của người dân xứ Quảng, kể cả vùng đồng bằng lẫn vùng núi cao. Chúng ta hoàn toàn tự hào về ngành nghề này…”.
Du khách tham quan mô hình ươm tơ dệt lụa tại Làng lụa Hội An
Tuy nhiên sau một thời kỳ hưng thịnh thì có một thời gian do thị trường bấp bênh, khó cạnh tranh, mẫu mã còn hạn chế, chưa thực hiện được chuỗi liên kết nên hai ngành nghề này đã dần dần đi vào tàn phai, để lại niềm tiếc nuối cho người dân địa phương. Thời gian gần đây, khi đã có những tín hiệu tích cực từ thị trường, đã xuất hiện nhiều người đến đầu tư kinh doanh sản xuất các mặt hàng tơ lụa gắn với phát triển du lịch, gắn với nghiên cứu phát triển công nghệ cao trong lĩnh vực trồng dâu nuôi tằm, ươm tơ dệt lụa, đồng thời dệt thổ cẩm cũng được các tổ chức quốc tế quan tâm hỗ trợ nhiều trong thời gian qua. Chính vì vậy mà hoàn toàn có khả năng phục hồi lại hai nghề này. Hội thảo lần này là dịp để những nhà đầu tư, các nhà nghiên cứu, nghệ nhân cùng ngồi lại trao đổi, đề xuất các giải pháp về xúc tiến thương mại, phát triển sản phẩm du lịch hỗ trợ khôi phục, phát triển nghề truyền thống thổ cẩm, trồng dâu, nuôi tằm, ươm tơ, dệt lụa ở Quảng Nam.
Du khách mua sắm sản phẩm thổ cẩm tại làng Zara ( Nam Giang)
Nhìn nhận về thực trạng nghề truyền thống dâu tằm tơ lụa trên địa bàn tỉnh Quảng Nam, ông Lê Muộn, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Nam cho biết: Hiện toàn tỉnh chỉ còn khoảng 11 ha đất trồng dâu với khoảng 30 hộ canh tác, tập trung ở một số xã của huyện Duy Xuyên. Một phép tính được đưa ra, giá kén hiện nay khoảng 110.000 đồng/kg, phải mất 3 kg tằm mới được 1 kg kén; trong khi đó 3 kg tằm bán thực phẩm được khoảng 160.000 đồng, chưa kể công lao động và chi phí ít hơn. Các hộ trồng dâu nuôi tằm chủ yếu là nuôi để bán thực phẩm vì thời gian chăm sóc ngắn hơn, thị trường tiêu thụ, giá bán cũng tương đối ổn định. Tuy nhiên, đây chỉ là giải pháp tình thế. Vấn đề quyết định cho việc khôi phục và phát triển nghề dâu tằm, tơ lụa đó chính là sự ổn định về đầu ra của sản phẩm. Về nghề truyền thống dệt thổ cẩm, hiện ở Quảng Nam còn khoảng 182 hộ với 262 lao động là đồng bào dân tộc thiểu số tham gia với mức thu nhập bình quân dưới 1 triệu đồng/người/tháng. Đây là những chỉ số buộc chính quyền địa phương, ngành chức năng và liên quan phải suy nghĩ.
Tại hội thảo, các đại biểu đặc biệt quan tâm đến giải pháp phát triển sản phẩm du lịch hỗ trợ khôi phục làng nghề truyền thống thổ cẩm, dệt lụa ở Quảng Nam. Một số giải pháp nhằm bảo tồn, duy trì và phát triển các làng nghề này được các đại biểu đề xuất, trong đó đặc biệt nhấn mạnh không được loại bỏ yếu tố văn hóa ra khỏi sản phẩm.
Quang cảnh hội thảo
Theo Sở VHTTDL Quảng Nam, trong số 16 làng nghề thủ công truyền thống ở Quảng Nam có 2 làng nghề thổ cẩm (Zara, và Cơ tu), 2 làng nghề trồng dâu, nuôi tằm, ươm tơ dệt lụa (Mã Châu, Đông Yên). Hàng năm, các làng nghề này thu hút khoảng hơn 1.000 lượt khách tham quan mua sắm, ước tính doanh thu từ du lịch khoảng hơn 1 tỉ đồng. Giải pháp phát triển kinh tế làng nghề gắn với phát triển du lịch là một trong những giải pháp hiệu quả trong việc khôi phục nghề, vừa góp phần bảo tồn và phát huy giá trị của làng nghề, vừa tạo việc làm tăng thu nhập cho người dân và thúc đẩy du lịch, dịch vụ phát triển bền vững.
Để giúp người dân địa phương tham gia trong chuỗi cung ứng sản phẩm du lịch, Sở VHTTDL đã mở nhiều lớp đào tạo về hướng dẫn nâng cao kỹ năng nghề truyền thống, kỹ năng nghề du lịch, xây dựng và quản lý thương hiệu cho các làng nghề tại địa phương; tổ chức các hội thi, triển lãm sản phẩm làng nghề... Một số sản phẩm đã hỗ trợ gắn dấu xác thực “Crafted in Quang Nam”. Các tổ chức quốc tế như ILO, JICA, FIDR... cũng đã triển khai các Chương trình dự án hỗ trợ có liên quan đến phát triển nghề, các làng nghề dệt thổ cẩm gắn với du lịch như: Dự án tăng cường hoạt động du lịch tại các huyện sâu trong đất liền ở Quảng Nam do ILO, SILT tài trợ; Dự án phát triển sản phẩm thủ công dấu ấn và du lịch làng nghề tại Quảng Nam do Quỹ Tín thác Hàn Quốc tài trợ với sự phối hợp với các đối tác có liên quan; Dự án hỗ trợ phát triển nông thôn dựa trên sự chủ động của cộng đồng dân tộc thiểu số huyện Nam Giang...
Tuy nhiên, hội thảo cũng thừa nhận việc phát triển du lịch làng nghề vẫn còn nhiều lúng túng, gây những tác động tiêu cực tới môi trường làng nghề. Sản phẩm du lịch đang được khai thác tại các làng nghề còn đơn điệu, chủ yếu là tham quan, xem trình diễn một số công đoạn sản xuất thủ công và được nghệ nhân hướng dẫn tham gia vào quá trình sản xuất. Sản phẩm lưu niệm để du khách mua sắm còn đơn điệu, dịch vụ bổ trợ khác còn ít. Đặc điểm chung nhất là phần lớn du khách đến tham quan các làng trên do công ty lữ hành đưa đến, thời gian tổ chức tour tham quan tại làng ngắn do hạn chế về sản phẩm, dịch vụ.
Để du lịch làng nghề trở thành sản phẩm du lịch đặc trưng của tỉnh Quảng Nam, theo ý kiến của nhiều đại biểu tại hội thảo thì nên tập trung vào các giải pháp chính, như: Quy hoạch các làng nghề theo nhóm nghề, đặc biệt làng nghề truyền thống gắn với các di sản tạo thành điểm du lịch làng nghề; dựa vào quy hoạch để quản lý và phát triển các điểm du lịch làng nghề. Nghiên cứu thị trường và phát triển sản phẩm du lịch làng nghề, trong đó đẩy mạnh khai thác ngày càng tăng du khách đến từ Châu Âu, Bắc Mỹ; phát triển các thị trường mới gồm: Nga, Thái Lan và các nước ASEAN, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản. Coi trọng và xúc tiến mạnh mẽ vào thị trường khách nội địa
BOX: Ông Lê Thái Vũ- Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Tơ lụa Quảng Nam dẫn chứng về chính mô hình Làng lụa Hội An của đơn vị đón khoảng hơn 3 triệu lượt khách trong, ngoài nước đến tham quan, tìm hiểu nghề tơ lụa truyền thống, mua sắm, thưởng thức văn hóa, ẩm thực. Từ thực tế mô hình hoạt động của Làng Lụa Hội An, có thể khẳng định giải pháp chính cho sự phát triển đạt hiệu quả cao vẫn là phải gắn nghề Tơ Lụa - Thổ Cẩm với phát triển du lịch và dùng du lịch làm đòn xeo thúc đẩy, ổn định nghề.
Theo Khánh Chi/baovanhoa.com.vn