Cập nhật: 20/07/2018 09:38:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Được sự trợ giúp từ các chuyên gia Hồi sức tích cực, BV Bạch Mai, một bệnh nhân sốc phản vệ mức độ nguy kịch ở Phú Thọ đã thoát chết ngoạn mục nhờ những trái nhân hậu và những thầy thuốc có tinh thần thép.

9 giờ sáng ngày 13/5/2018, Khoa Cấp Cứu và Chống Độc - BVĐK Hùng Vương (Phú Thọ) tiếp nhận bệnh nhân nữ Mai Thị L. (sinh năm 1984, trú tại huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang) trong tình trạng hoàn toàn tỉnh táo, Glasgow 15 điểm, các chỉ số sinh tồn, mạch, nhiệt độ huyết áp hoàn toàn bình thường, bệnh nhân tự đến bệnh viện bằng xe máy.

Qua khai thác sơ bộ người bệnh kể, trước đó, ngày 10/5 bệnh nhân đi khám và được bác sĩ chẩn đoán viêm dạ dày, qua test HP thấy dương tính, bệnh nhân được chỉ định dùng thuốc Hilan kit dạng uống. Sau dùng thuốc tại nhà chị L. thấy nổi ban đỏ ngoài da, sưng nề nhẹ vùng mặt. Qua điện thoại bệnh nhân được tư vấn có thể chị L. bị dị ứng nên cần tạm dừng sử dụng thuốc và quay trở lại bệnh viện kiểm tra. Tuy nhiên, sau dừng một ngày thấy hiện tượng dị ứng giảm nên chị L. lại tiếp tục sử dụng thuốc, cũng giống như lần trước, sau khi uống các hiện tượng sẩn ngứa, ban đỏ, sưng nề lại xuất hiện với mức độ nhiều, dày, khó chịu hơn lần sử dụng trước, lần này bệnh nhân đã trở lại bệnh viện theo lời khuyên của bác sĩ.

Qua thăm khám, nhận định đây là trường hợp dị ứng với Hilan kit (clazythromycin, metronidazol, pantopeazol) nên bác sĩ Nguyễn Thị Xuân Thủy trực cấp cứu ra y lệnh cho bệnh nhân tiêm tĩnh mạch 01 lọ Dimedrol, 01 lọ Methylprednisolon. Sau tiêm khoảng 20 phút bệnh nhân không những không giảm mà tình trạng dị ứng có chiều hướng tăng lên. Ngoài các triệu chứng ban đầu, xuất hiện thêm tình trạng mẩn ngứa nhiều vùng mặt, phù nhẹ môi, nhận định bệnh nhân có thể đã xuất hiện tình trạng phản vệ với các thuốc chống dị ứng vừa sử dụng và xuất hiện triệu trứng Phù quincke (Phù mạch), mặc dù chưa có những bằng chứng đầy đủ như thở rít, nói ngắt quãng,… nhưng trên lâm sàng bệnh nhân đã có những diễn biến xấu có thể đe dọa đến tính mạng.

Các nhân viên y tế đang ép tim, cấp cứu ngừng tuần hoàn cho bệnh nhân L.

BS Thủy tiếp tục ra y lệnh cho sử dụng 01 ống Dimedrol và 1/2 ống Adrenalin, sau dùng thuốc bệnh nhân vẫn tỉnh táo, trả lời đúng các câu hỏi của bác sĩ. Tuy nhiên khoảng 02 phút sau bệnh kêu mệt, khó chịu, choáng váng, chóng mặt và gần như ngay lập tức bệnh nhân rơi vào tình trạng sốc, chân tay co quắp, tím tái, hai mắt trợn ngược, chỉ số SpO2 tụt dần, nhân viên y tế bắt mạch cảnh thấy đập rời rạc rồi ngừng hẳn.

Xác định bệnh nhân đã rơi vào trạng thái sốc, ngừng tuần hoàn nên bác sỹ Hà Diệu Thúy, người có mặt ngay sau khi điều dưỡng thực hiện y lệnh đã phát tín hiệu cấp cứu khẩn cấp – Báo động đỏ toàn bệnh viện, toàn bộ kíp trực đã được huy động, bệnh nhân được ép tim liên tục, sốc điện, đặt nội khí quản, thở máy PEEP cao, tiêm thuốc vận mạch Noradrenalin, Adrenalin liều cao. Sau gần một giờ ép tim, cấp cứu liên tục bệnh nhân có mạch trở lại nhưng yếu, rời rạc, hôn mê sâu, trước tình trạng cực kỳ nguy kịch của người bệnh, kíp trực đã mời hội chẩn toàn viện với sự tham gia của ban giám đốc.

Tất cả đều thống nhất nhận định: Đây là một trường hợp phản vệ nguy kịch, ba loại thuốc đã sử dụng đều đúng phác đồ của bộ y tế nhưng người bệnh không hồi phục mà diễn biến liên tục theo chiều hướng xấu, tiên lượng rất nặng, nguy cơ tử vong cao.

Bác sĩ từ Hà Nội lên Phú Thọ "ứng cứu" kịp thời

Trước những diễn biến bất lợi như đã mô tả, lãnh đạo bệnh viện đã tổng hợp các diễn biến từ khi tiếp nhận đến giai đoạn hiện tại (Lúc 11 giờ 30 phút ngày 13/5) để báo cáo và xin ý kiến của GS.TS Nguyễn Gia Bình - chủ tịch Hội Hồi sức cấp cứu Việt Nam, Nguyên Trưởng khoa Hồi sức tích cực - BV Bạch Mai (Hà Nội). GS. Bình đồng quan điểm với lãnh đạo và các thầy thuốc của bệnh viện tuyến cơ sở và nhận định: Đây là một trường hợp phản vệ, mặc dù được cấp cứu đúng cách nhưng người bệnh đã rơi vào tình trạng sốc, ngừng tuần hoàn và thuộc loại rất nguy kịch, nguy cơ tử vong rất cao, người bệnh cần được chuyển đến khoa hồi sức tích cực để can thiệp càng sớm càng tốt, nếu về kịp bệnh nhân có thể sẽ áp dụng hồi sinh bằng tim phổi nhân tạo (ECMO).

Và để an toàn hơn trong quá trình vận chuyển, ThS.BS Phạm Thế Thạch, một chuyên gia giàu kinh nghiệm trong lĩnh vực hồi sức tích cực được GS. Bình điều động lên hỗ trợ các thầy thuốc ở Phú Thọ. Tuy nhiên lúc này, trước áp lực của cuộc chạy đua với thời gian, một bài toán khá mạo hiểm nhưng sẽ an toàn hơn là ở BVĐK Hùng Vương dưới sự hướng dẫn, trợ giúp từ xa của các chuyên gia hàng đầu Việt Nam trong lĩnh vực hồi sức, một xe cứu thương với đầy đủ các trang thiết bị hồi sức gồm: máy thở, máy sốc tim, monitor… toàn bộ các thuốc cấp cứu cần thiết và ê kíp cấp cứu giày dạn kinh nghiệm dưới sự chỉ huy của BS. Lương Minh Tuấn - Trưởng khoa Hồi sức cấp cứu, BVĐK Hùng Vương (Phú Thọ) sẽ vận chuyển bênh nhân về Hà Nội.

Ở chiều ngược lại, từ BV Bạch Mai, BS. Phạm Thế Thạch khẩn trương lên xe để về Phú Thọ. Khoảng gần 13 giờ chiều cùng ngày, khi xe cấp cứu đi đến IC9 thuộc địa phận thị xã Phú Thọ, BS. Thạch đã tiếp cận được bệnh nhân. Và cuộc chiến đấu cực kỳ căng thẳng để hồi sinh và giành lại sự sống cho người bệnh được tiếp tục với sự tiếp sức, phối kết hợp cực kỳ hoàn hảo giữa những thầy thuốc ở tuyến cơ sở - BVĐK Hùng Vương và những chuyên gia hàng đầu, BS. Phạm Thế Thạch - BV Bạch Mai. Một tiếng sau, bệnh nhân được đưa vào khoa hồi sức BV Bạch Mai trong tình trạng gần như mạch không, huyết áp không… vì trên đường vận chuyển, mặc dù đã làm tất cả những gì mà nền y học hiện đại ngày nay cho phép nhưng thỉnh thoảng bệnh nhân lại ngừng tim… Do đã có sự chuẩn bị từ trước nên ngay lập tức bệnh nhân đã được tập thể các chuyên gia hàng đầu của BV Bạch Mai hồi sức, cấp cứu, 14h30 bệnh nhân được áp dụng biện pháp tim phổi nhân tạo ECMO, lọc máu liên tục…

Bệnh nhân L. tại BV Bạch Mai.

Có thể nói những biện pháp kỹ thuật cuối cùng, những trang thiết bị hiện đại nhất, những chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực hồi sức, đã được huy động nhưng suốt chiều, đêm ngày 13/5 và cả ngày 14/5 bệnh nhân vẫn trong tình trạng cực kỳ nguy kịch, các chỉ số xét nghiệm biến loạn không cải thiện. Bên ngoài phòng cấp cứu những gương mặt thất thần, buồn bã của những người thân, bên cạnh giường cấp cứu những mái đầu chụm lại nhưng những ánh mắt của các thầy đã nói với chúng tôi rằng: Hy vọng cứu được người bệnh gần như đã hết…

Về khoa học chúng tôi không day dứt vì chúng tôi đã làm tất cả những gì có thể, chúng tôi đã chiến đấu bằng lương tâm, trách nhiệm, chúng tôi đã giành tất cả những gì có thể nhưng điều khiến chúng tôi không thể yên tâm vì người bệnh của chúng tôi còn quá trẻ, bạn ấy mới  bước sang tuổi 34, bên cạnh bạn ấy còn cả một gia đình, chồng và đặc biệt là các con còn quá nhỏ, nếu điều xấu nhất xảy ra, một gia đình sẽ tan vỡ, một  người chồng sẽ cô đơn và hai đứa trẻ sẽ  mất đi vòng tay ấm áp của người mẹ, một người mà trong suốt cuộc đời của chúng sẽ không ai có thể thay thế được! Nhiều người trong chúng tôi đã bật khóc, tôi và họ khóc vì xót xa vì bất lực,… và cả sự tiếc nuối nữa. Trong suốt hơn hai ngày căng thẳng ấy, chồng và những người thân của bệnh nhân, chúng tôi biết là họ còn lo lắng, căng thẳng hơn cả chúng tôi nhưng một niềm an ủi rất lớn khiến chúng tôi càng day dứt hơn đó là họ không một lời trách móc, họ chịu đựng và chờ đợi.

Trong cuộc đời làm nghề y của chúng tôi, tai biến y khoa là điều không thể tránh được nhưng đây là lần đầu tiên người thân của bệnh nhân có một sự chịu đựng, chờ đợi, một sự hợp tác kỳ lạ. Chúng tôi đã không ít lần phải đối mặt với sự chất vấn, quy chụp thậm chí là xúc phạm mặc dù về khoa học chúng tôi đâu có sai, bác sĩ không phải là thần thánh nhưng bệnh tật thì lại là quỷ dữ có phải lúc nào thầy thuốc cũng thắng?

Và hôm nay tôi ngồi để viết nên những điều đã qua, viết nên câu một câu chuyện không phải chỉ để kể về một cuộc chiến khốc liệt, một cuộc chiến giằng co giữa sự sống và cái chết mà tôi muốn chia sẻ với mọi người một điều kỳ diệu, một câu chuyện tưởng chỉ có trong cổ tích, bệnh nhân của chúng tôi, bạn Mai Thị L. đã hồi sinh, chiều ngày 16/5 trái tim của bạn ấy đã đập trở lại, các chỉ số xét nghiệm đã diễn biến theo chiều hướng tích cực hơn và điều khiến tất cả chúng tôi các thầy thuốc đều vỡ òa trong niềm vui đó là bệnh nhân của chúng tôi đã có những tín hiệu đáp ứng của hệ thần kinh.

Mặc dù còn là quá sớm để nói rằng chúng tôi đã chiến thắng nhưng rõ ràng chúng tôi đã có quyền hy vọng! Tự đáy lòng mình tôi xin được cám ơn GS.TS. Nguyễn Gia Bình, cảm ơn các thầy thuốc công tác tại BV Bạch Mai, cảm ơn tập thể các thầy thuốc BVĐK Hùng Vương, các thầy, các bạn đã mang trái tim, khối óc, lương tâm và trách nhiệm của mình, cảm ơn gia đình và người thân của BN đã và đang đồng hành cùng chúng tôi, để cùng tôi chiến đấu trong suốt những ngày qua để giành lại sự sống cho một bệnh nhân.

Phạm Văn Học

Theo suckhoedoisong.vn

Tệp đính kèm