Sáng 23-7, tại TP Cần Thơ, diễn ra hội nghị chuyên đề “Hệ lụy của việc mua bán, vận chuyển, tàng trữ thuốc lá nhập lậu đối với kinh tế và trật tự an toàn xã hội” năm 2018, do Hiệp hội Thuốc lá Việt Nam phối hợp Ủy ban MTTQVN TP Cần Thơ tổ chức.
Thuốc lá lậu bị bắt và tiêu hủy ở Vĩnh Long.
Theo Hiệp hội Thuốc lá Việt Nam, trong nhiều năm qua, ngành thuốc lá đã có đóng góp tích cực cho nền kinh tế, hàng năm nộp ngân sách khoảng 20 nghìn tỷ đồng, tạo công ăn việc làm cho hàng triệu lao động và tích cực cho công tác xóa đói giảm nghèo, an sinh xã hội... Tuy nhiên, trong khi sản xuất, kinh doanh thuốc lá trong nước được quản lý chặt chẽ bởi các quy định của pháp luật, thì hiện nay, việc buôn lậu thuốc lá lại đang có dấu hiệu gia tăng, gây thất thu ngân sách Nhà nước hàng chục nghìn tỷ đồng mỗi năm và gây mất trật tự xã hội...
Ông Nguyễn Triết, Tổng Thư ký Hiệp hội Thuốc lá Việt Nam nhận định, nguyên nhân buôn lậu thuốc lá ngày càng manh động, bất chấp sự kiểm soát của pháp luật là do thuốc lá có sức hấp dẫn, gọn nhẹ, dễ vận chuyển, lợi nhuận cao, trốn tất cả các loại thuế, gồm: thuế tiêu thụ đặt biệt 70%, thuế giá trị gia tăng 10%, thuế nhập khẩu 135%...
Trung tá Nguyễn Quốc Khởi, Phó trưởng Phòng Cảnh sát Kinh tế, Công an TP Cần Thơ cho biết, trong sáu tháng đầu năm 2018, Công an TP Cần Thơ đã tiến hành kiểm tra, phát hiện và bắt giữ 58 vụ với 50 đối tượng có hành vi tàng trữ, vận chuyển, mua bán thuốc lá điếu nhập lậu, thu giữ gần 77 nghìn bao thuốc lá.
Nhiều đại biểu cho biết, dù phương thức, thủ đoạn hoạt động của loại tội phạm này không mới nhưng rất tinh vi, như: xé lẻ, phân tán, ngụy trang bằng nhiều kiểu. Còn đối tượng buôn lậu thuốc lá chủ yếu là nhóm cư dân biên giới không có việc làm ổn định, thông thạo ngôn ngữ, địa bàn để tham gia vận chuyển thuê hàng lậu, các đối tượng thường xuyên qua lại biên giới...
“Khi các lực lượng chức năng bắt giữ sẵn sàng chống trả bằng bạo lực để cướp hàng. Chỉ trong tháng 3-2018, các nhóm vận chuyển thuốc lá lậu đã tấn công gây thương tích nghiêm trọng cho nhiều chiến sĩ công an khi bị bắt quả tang tại Đồng Nai, Bình Dương để tháo chạy. Những đối tượng này gây không ít sợ hãi và thương vong cho người dân vô tội khi vận chuyển thuốc lá lậu bằng các “xe bay” trên đường”, ông Triết nói.
Nhiều đại biểu cho rằng, tình hình buôn lậu thuốc lá sẽ còn diễn biến phức tạp, nhất là các vùng biên giới và chưa thể giải quyết triệt để, nhất là khi tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với thuốc lá điếu lên 75% sẽ tạo điều kiện cho thuốc lá nhập lậu giá thấp sẽ tiếp tục tràn vào Việt Nam.
Mặc dù từ ngày 1-1-2018, Bộ luật Hình sự năm 2018 chính thức có hiệu lực, quy định, các hành vi buôn lậu, vận chuyển, kinh doanh hàng cấm là thuốc lá điếu nhập lậu có số lượng từ 1.500 bao trở lên sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Tuy nhiên, các “con buôn” cũng thường “lách” quy định này bằng cách xé nhỏ kiện hàng ra dưới mức 1.500 bao để đối phó.
Để phòng chống buôn lậu thuốc lá đạt hiệu quả tích cực, Hiệp hội Thuốc lá Việt Nam cho biết, sẽ kiến nghị Chính phủ, Bộ Tài chính xem xét tạm thời chưa thực hiện phương án tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với thuốc lá.
Đồng thời, sẽ kiến nghị Chính phủ, Bộ Y tế, Bộ Tài chính nghiên cứu cơ chế tài chính cho phép trích khoảng 50% Quỹ Phòng chống tác hại của thuốc lá cho công tác phòng chống thuốc lá nhập lậu. Bởi hiện nay, Quỹ Phòng chống tác hại của thuốc lá có khoảng 300 tỷ đồng và được sử dụng toàn bộ cho các hoạt động phòng chống tác hại của thuốc lá. Trong khi đó, hoạt động chống buôn lậu thuốc lá lại gặp không ít khó khăn mà không có nguồn kinh phí và không được sử dụng quỹ.
Theo Bài, ảnh: BÙI QUỐC DŨNG/nhandan.com.vn