Sáng 28/7, tại thành phố Sơn La, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam phối hợp với Bộ Công an và Ủy ban Nhân dân tỉnh Sơn La tổ chức Lễ míttinh hưởng ứng “Ngày toàn dân phòng, chống mua bán người 30/7” năm 2018 với chủ đề "Phòng, chống mua bán người thông qua di cư trái phép."
Các đại biểu đối thoại về công tác phòng, chống mua bán người. (Ảnh: Nguyễn Chiến/TTXVN)
Đây là sự kiện quan trọng nhằm huy động sự tham gia của các cấp, các ngành, các đoàn thể, tổ chức xã hội tích cực tham gia đấu tranh, ngăn chặn tội phạm mua bán người và hỗ trợ, giúp đỡ nạn nhân bị mua bán tái hòa nhập cộng đồng an toàn và bền vững trong bối cảnh tội phạm mua bán người trên thế giới và khu vực đang trở thành vấn đề ngày càng phức tạp.
Theo thống kê của Cục Phòng chống ma túy và tội phạm, Bộ đội Biên phòng, từ năm 2011-2017, các cơ quan tiến hành tố tụng trong nước đã phát hiện, xử lý 2.748 vụ mua bán người với 4.110 đối tượng, số người đã bị mua bán là 5.984 người. Trung bình mỗi năm, có khoảng gần 900 người bị mua bán, trong đó 92% nạn nhân là phụ nữ và trẻ em.
Phát biểu tại buổi lễ, Thiếu tướng Nguyễn Duy Ngọc, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát, Bộ Công an cho biết, tội phạm mua bán người đang xảy ra trên phạm vi toàn quốc. Đáng chú ý, tình trạng mua bán người thông qua di cư trái phép ra nước ngoài có xu hướng gia tăng. Trung bình mỗi năm, ở Việt Nam, khoảng 400 vụ phạm tội bị phát hiện, liên quan đến 500 đối tượng, lừa bán hàng ngàn nạn nhân.
Nhiều nạn nhân bị đưa vào các ổ chứa mại dâm, hôn nhân cưỡng ép, lao động bất hợp pháp,.. không chỉ ảnh hưởng xấu đến đạo đức, nòi giống, lối sống, thuần phong, mỹ tục, pháp luật mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến an ninh, trật tự của đất nước và là mối quan tâm, lo lắng của toàn xã hội.
Ảnh trưng bày tại Triển lãm ảnh "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa gắn với công tác phòng, chống mua bán người.” (Ảnh: Nguyễn Chiến/TTXVN)
Sơn La là tỉnh miền núi phía Bắc, có 274km đường biên giới, hoạt động mua bán người, đặc biệt là mua bán phụ nữ, trẻ em ngày càng diễn biến phức tạp. Trong giai đoạn 2011-2015, các lực lượng chức năng của tỉnh Sơn La đã phát hiện 30 vụ, 58 đối tượng, giải cứu 63 nạn nhân. Từ năm 2016-2018, các lực lượng chức năng của tỉnh đã phát hiện 27 vụ với 45 đối tượng, lừa bán 41 nạn nhân.
Phát biểu tại buổi lễ, bà Tráng Thị Xuân, Phó Chủ tịch thường trực Ủy ban Nhân dân tỉnh Sơn La, khẳng định thời gian tới, tỉnh Sơn La sẽ đẩy mạnh hơn nữa các hoạt động phòng, chống mua bán người, trong đó tập trung thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 48 ngày 22/10/2010 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tội phạm trong tình hình mới; Chương trình phòng, chống tội phạm mua bán người giai đoạn 2016-2020; chỉ đạo các lực lượng công an, biên phòng phối hợp chặt chẽ với các lực lượng ngoài tỉnh điều tra, xác minh, xử lý tội phạm mua bán người, kịp thời giải cứu nạn nhân và làm tốt công tác tiếp nhận, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán sớm được trở về.
Tại lễ míttinh, đại diện lãnh đạo Bộ Công an, Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam, Công an tỉnh Sơn La… đã tham gia đối thoại về công tác phòng, chống mua bán người, thể hiện tinh thần trách nhiệm cũng như quyết tâm của các cơ quan chức năng trong việc đẩy mạnh phòng chống tội phạm mua bán người. Đặc biệt là sự vào cuộc của các tổ chức xã hội trong việc tuyên truyền về phòng, chống mua bán người tại cộng đồng.
Theo NGUYỄN CHIẾN (TTXVN/VIETNAM+)
https://www.vietnamplus.vn/canh-bao-nan-mua-ban-nguoi-thong-qua-di-cu-trai-phep-ra-nuoc-ngoai/516092.vnp