Là nước được đánh giá cao trong quá trình bảo vệ di sản cả vật thể và phi vật thể, cũng như tham gia rất tích cực vào việc xây dựng chính sách UNESCO về di sản thế giới và phát triển bền vững, nhưng Việt Nam cũng đang đứng trước những thách thức lớn trong việc bảo tồn di sản. UNESCO đã chỉ ra những thách thức này và khẳng định sẽ có những hỗ trợ cụ thể, trong Hội nghị “Bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa Việt Nam vì sự phát triển bền vững” vừa diễn ra tại Hà Nội.
Những lo lắng về sinh kế cho cộng đồng dân cư bản địa
Theo đánh giá của UNESCO, một số di sản của Việt Nam đứng trước thách thức về ổn định cuộc sống cho cộng đồng dân cư bản địa. Ông Michael Croft, Trưởng Đại diện UNESCO tại Việt Nam cho biết, trong khuyến nghị gần đây của Trung tâm Di sản Thế giới (UNESCO) với di sản thế giới Vịnh Hạ Long, có đề cập đến những lo ngại về các cộng đồng cư dân được tái định cư tại phường Hà Phong kể từ tháng 6-2014. Trong khi vẫn chưa có báo cáo đánh giá tình hình sau tái định cư, trong báo cáo của tỉnh Quảng Ninh năm 2016 thông qua Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng lưu ý về việc một số hộ gia đình đang gặp nhiều khó khăn trong việc thích nghi với môi trường sống mới và phải quay lại Vịnh thực hiện “các hoạt động bất hợp pháp”. Những lý do được người dân phản ánh là thiếu các cơ sở hạ tầng công cộng như chợ, trường học nằm xa vị trí khu tái định cư, cảng cá, bến đỗ tàu thuyền (12km).
Tương tự, với Phong Nha - Kẻ Bàng, đây là di sản thế giới tự nhiên đặc thù với các dân tộc thiểu số đã sống qua nhiều thế hệ trong khu vực rừng/lõi với nhiều hoạt động sinh hoạt truyền thống. Những nhóm này, bao gồm cả người Rục có nguy cơ bị tách biệt khỏi nhịp phát triển xã hội do các quy định bảo vệ nghiêm ngặt ngăn cản họ tiếp cận các hang động và thu hái lâm sản trong khi họ đang khó tìm được chỗ đứng trong chuỗi giá trị du lịch.
UNESCO đánh giá, các chương trình gần đây nhắm vào đối tượng dân tộc thiểu số - nhóm dễ bị tổn thương nhất – đều chưa xem xét đến phương pháp tiếp cận văn hóa có nhạy cảm, dẫn tới việc xói mòn và có nguy cơ làm loãng đa dạng văn hóa, đặc biệt là hậu quả của các dự án tái định cư. Du lịch ở Phong Nha – Kẻ Bàng phát triển, nhưng họ có nguy cơ bị cách ly khỏi nhịp phát triển xã hội và mất đi nguồn mưu sinh truyền thống trong khi hầu như không có cơ hội hưởng lợi từ nguồn thu di sản.
Sức ép từ phát triển và cuộc sống hiện đại
Hội An là thí dụ điển hình nhất của sức ép này. Nhu cầu phát triển của một đô thị hiện đại đã khiến Hội An gặp phải sức ép từ phát triển du lịch và hạ tầng. Ông Michael Croft đánh giá, sự gia tăng của các công trình bê tông và xây dựng trong vùng đệm nằm rất gần đô thị cổ, cùng sự gia tăng nhanh chóng của các khách sạn và cơ sở hạ tầng chung quanh thị trấn, giao thông quá tải và thiếu sự phối hợp của các lực lượng chức năng tạo gánh nặng lên vùng lõi chật hẹp của di sản.
Ảnh: Tấn Nguyên.
Mới đây nhất, công trình Công viên văn hóa Ấn tượng Hội An (ảnh trên) trong quá trình thi công đã vấp phải sự phản ứng dữ dội của dư luận bởi những lo ngại ảnh hưởng trực tiếp đến khu vực I – khu vực bảo tồn nghiêm ngặt, cũng như những tác động lên dòng chảy của sông Thu Bồn. Mặc dù, công trình này được biết là đã nằm trong quy hoạch, nhưng điều này cũng cho thấy ngay cả quy hoạch cũng phải phù hợp với điều kiện thực tế của di sản.
Một thực tế nữa tại Hội An, là trở ngại đối với cư dân trong khu vực phố cổ khi bị hạn chế cải tạo nội thất cho những ngôi nhà của mình.
Cũng liên quan đến nhu cầu phát triển du lịch, sự việc xây dựng lối đi bất hợp pháp trong núi Cái Hạ tại Tràng An (Ninh Bình) cũng khiến UNESCO lo ngại. Mặc dù đánh giá cao những hành động kịp thời của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trong việc xử lý vụ việc này, nhưng UNESCO vẫn khuyến nghị trao quyền cho Ban quản lý Di sản thế giới và tiếp cận tích cực hơn trong việc cung cấp các hướng dẫn, cũng như đối thoại với cả khu vực tư nhân và người dân địa phương để cải thiện việc thực thi pháp luật và ngăn chặn vi phạm tương tự trong tương lai.
Quần thể di tích cố đô Huế, theo đánh giá của UNESCO, mặc dù áp lực phát triển ít nặng nề hơn, nhưng UNESCO vẫn đề xuất nên xây dựng kế hoạch quản lý cảnh quan theo hướng đổi mới theo tiêu chí cảnh quan văn hóa, vì giá trị của di sản không chỉ nằm trong các yếu tố di sản riêng lẻ, mà còn là mối quan hệ tượng quan và phòng thủy, phản ánh triết lý độc đáo của Việt Nam, nhấn mạnh sự hài hòa giữa con người và thiên nhiên.
UNESCO cũng đề xuất chung về việc cần phải xây dựng những hướng dẫn cụ thể có tính đến cách tiếp cận dựa trên quyền và việc tuân thủ những nguyên tắc bảo tồn di sản. Ông Michael Croft khẳng định: “UNESCO không chỉ dừng ở mức cố vấn mà sẽ tiếp tục có những hỗ trợ cụ thể đối với công tác bảo tồn di sản ở Việt Nam”.
Theo TUYẾT LOAN/nhandan.com.vn