Mới đây, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH, TT&DL) vừa đồng ý hoàn thiện hồ sơ nghề làm tranh dân gian Đông Hồ để trình UNESCO xét duyệt và đưa vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện nhân loại cần bảo vệ khẩn cấp. Tuy nhiên, theo ý kiến của nhiều nhà nghiên cứu, phần lớn dòng tranh dân gian trong nước đều đang gióng lên hồi chuông báo động, không chỉ riêng tranh Đông Hồ.
Nghệ nhân Lê Hoàn vẽ tranh dân gian Hàng Trống.
Xa dần bàn tay nghệ nhân
TS Lê Thị Minh Lý, Ủy viên Hội đồng Di sản quốc gia là người đã dành nhiều năm gắn bó với các di sản văn hóa phi vật thể. Bà quá thấm thía cái thế chênh vênh của tranh dân gian, làng nghề làm tranh dân gian trong nhịp sống xã hội quá nhanh, quá hối hả, gấp gáp như bây giờ. Bà cũng hiểu rõ vì sao Bộ VH-TT&DL đã nhanh chóng chấp thuận khi Bắc Ninh đề nghị làm hồ sơ di sản văn hóa phi vật thể đại diện nhân loại cần bảo vệ khẩn cấp trình UNESCO xem xét. Các điều tra trước đó cho thấy nghề tranh này đã bị mai một kỹ thuật khá nhiều. “Nghệ nhân giỏi nghề đang dần vắng bóng. Lớp trẻ lại không muốn học nghề, theo nghề. Vì thế tranh Đông Hồ có thể biến mất, nếu không có chính sách hữu hiệu. Nhiều kỹ thuật truyền thống cũng ra đi theo nghệ nhân, không cách gì cứu vãn được”, bà Lý buồn bã chia sẻ.
Không chỉ một mình dòng tranh Đông Hồ đối diện với nỗi lo mất nghề. Trong những ngày đầu vất vả tìm kiếm, phục dựng lại dòng tranh Kim Hoàng, bà Nguyễn Thu Hòa - Giám đốc Bảo tàng gốm sứ Hà Nội, người đam mê sưu tập những bản khắc tranh dân gian cổ cũng đau đầu trong việc kiếm nghệ nhân, tìm thợ khéo. Nhớ những ngày đầu phục dựng, in lại những bức tranh Kim Hoàng, không ai hiểu nổi vì sao giấy cứ gặp màu là tự nhiên bông xơ cả lên như mặt một tấm áo đã quá cũ. Sau này mới tìm ra nguyên nhân do người Kim Hoàng khi đó tiết kiệm màu nên pha loãng quá. Vì quá nhiều nước, phải quét nhiều lần cho đạt độ đậm nên giấy xơ hết cả lên. “Chỉ một cao thủ trong nghề tranh dân gian mới tìm ra nguyên nhân, đó chính là Lê Hoàn - con trai của nghệ nhân dòng tranh Hàng Trống Lê Đình Nghiên. Từ đó, tôi mời nghệ nhân tranh Hàng Trống sang cùng mày mò phục dựng tranh Kim Hoàng. Bản thân tranh Hàng Trống giờ cũng chỉ trông chờ vào hai bố con ông Nghiên để giữ nghề”, bà Hòa nhớ lại. Một thời gian sau, tranh Kim Hoàng đã có những bản in chất lượng như trước thời điểm bị thất truyền. Công sức của bà Hòa không chỉ nằm ở việc nghiên cứu, tìm kiếm các mộc bản, cách pha màu mà còn ở chính việc đi tìm những đôi bàn tay khéo léo của các nghệ nhân. Không có họ, mọi nỗ lực khôi phục, giữ gìn đều thất bại.
Bà Hòa cũng cho biết, ở Huế, tranh Làng Sình cũng đang báo động về tình trạng người theo nghề. “Tranh Làng Sình cũng chỉ có ông Kỳ Hữu Phước thôi. Ông ấy già rồi mà con cái thì cũng chẳng ai chịu theo nghề. Ông mất đi thì coi như tranh Làng Sình đánh dấu chấm hết” - bà Hòa buồn bã nói.
Tứ tán kho tư liệu
Tranh dân gian còn đối mặt thêm một nguy cơ nữa là tư liệu. Một nhà nghiên cứu giấu tên cho biết, cách đây hàng chục năm, các mộc bản đã bị phá hủy nhiều do bị cho đó là tàn dư của phong kiến. Số mộc bản và tranh ít ỏi còn lại sau đó bị các nhà sưu tập trong và ngoài nước “vơ vét” khá nhiều. Sau nhiều thương vụ mua bán, hầu hết số hiện vật vô giá này đang ở nước ngoài. “Thời kỳ đó, người ta mua và mang đi nhiều, bao gồm nhiều tranh quý, trong đó đặc biệt có tranh thờ của người Dao. Tuy nhiên, may mắn làm sao là ở Hà Nội có một nhà sưu tập tên Sĩ Mộc còn lưu giữ lại được kha khá”, nhà nghiên cứu này chia sẻ.
Nhưng ngay cả những tư liệu quý còn giữ lại trong nước hiện cũng được lưu trữ trong tình trạng hết sức bấp bênh. Mộc bản là hiện vật khó bảo quản, đưa thẳng vào điều hòa quá lạnh không theo dõi đúng nhiệt độ, độ ẩm có thể bị cong vênh, nhưng để điều kiện quá ẩm thì lại bị mốc. Có trường hợp, mộc bản còn bị mối xông. “Bản thân tôi cũng gặp nhiều khó khăn trong việc lưu giữ các mộc bản”, bà Hòa thừa nhận.
Có trường hợp, chính chủ nhân của những báu vật dân gian cũng không hề biết giá trị thật của nó. Chẳng hạn, khi cải tạo chùa Kim Liên, nhà chùa cho thay tranh bằng tượng nên một tác phẩm tranh Hàng Trống đã bị xếp kho. Thật may nghệ nhân tranh Hàng Trống - ông Lê Đình Nghiên, nhận ra đây là bức tranh do chính bố ông - nghệ nhân Lê Đình Liệu vẽ. Ông Nghiên sau đó đã tìm cách xin phép mang tranh về nhà, gìn giữ như một bảo vật gia đình. Bức tranh vẽ Bà chúa Thượng Ngàn này đã có nhiều người hỏi mua nhưng ông nhất quyết không bán.
Bức tranh vẽ Bà chúa Thượng Ngàn - bảo vật gia đình của nghệ nhân Lê Đình Nghiên. Ảnh trong bài: LÊ BÍCH
Đợi chờ những chính sách thiết thực
“Tranh dân gian giờ đều tan tác. Chẳng một dòng tranh nào mà không ở trong tình trạng ngấp nghé thất truyền cả. Ngày xưa in tranh giá thành vừa phải, bây giờ in máy giá rẻ hơn nhiều. Thí dụ tìm ở Huế và vùng ven, phải mua khéo mới được cái tranh họ tự in ra. Nhu cầu xã hội cũng không còn nhiều như trước. Tất nhiên là tranh dân gian đẹp nhưng nó không đứng nổi, không trụ nổi trước cơ chế thị trường”, bà Hòa nói.
Trong con số ít ỏi hiện còn tồn tại, theo bà Hòa, những dòng tranh gắn với xu hướng tâm linh ở vào tình trạng dễ thở hơn một chút. Chẳng hạn, tranh Hàng Trống được quan tâm hơn khi nhờ có nhiều tác phẩm liên quan tới tín ngưỡng thờ Mẫu. Số còn lại nếu không phù hợp xu hướng phát triển của thời đại sẽ vất vả hơn. “Người ta không theo nông nghiệp nữa thì nhiều giá trị văn hóa tín ngưỡng cũng biến đổi. Tranh thờ của dân tộc Chăm cũng dần ít đi. Người Chăm vẫn còn nhưng với học sinh, sinh viên đi học ra ngoài thành phố thì việc tổ chức lễ cúng tế đúng phong tục cổ truyền ngày càng hiếm hoi”, bà lo lắng. Chưa kể, theo bà Hòa, một cái khó khác là các dòng tranh bây giờ phần lớn chọn theo quy mô nhỏ, trong phạm vi gia đình. Vì thế để phát triển quy mô lớn là khá khó.
“Việc giữ gìn, bảo vệ khẩn cấp tranh dân gian phụ thuộc rất nhiều vào chủ trương của Nhà nước. Và nó phải được hoạch định theo một chiến lược cụ thể, bài bản và thể hiện quyết tâm lâu dài chứ không phải nay làm, mai bỏ”, ông Nguyễn Đức Bình - sáng lập viên nhóm Đình làng Việt khẳng định.
Điều này có thể thấy rất rõ trong quá trình bảo tồn tranh Đông Hồ ở Bắc Ninh và tranh Hàng Trống ở Hà Nội. Đây là hai dòng tranh đều quý, cùng đang đứng trước nguy cơ thất truyền do các kỹ thuật, thiếu nghệ nhân. Tuy nhiên, tranh Đông Hồ đã được đưa vào kế hoạch làm hồ sơ di sản cần được bảo vệ khẩn cấp, còn Hàng Trống thì chắc còn phải đợi rất lâu nữa mới có thể nhìn thấy tia sáng cuối đường hầm. “Hà Nội có quá nhiều di sản phi vật thể. Vì thế, chắc chúng tôi chưa thể làm ngay hồ sơ với tranh Hàng Trống” - ông Trương Minh Tiến, Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL Hà Nội cho biết.
PGS, TS Trang Thanh Hiền (Đại học Mỹ thuật Hà Nội) lại nhấn vào yếu tố giáo dục, như một giải pháp hữu hiệu cứu tranh dân gian. Theo bà, nên có các kế hoạch giảng dạy về tranh dân gian, từ đó đào tạo lớp công chúng mới chơi tranh, mua tranh. “Nếu không biết, không hiểu thì không yêu thích và không thể có ý thức nâng niu, bảo tồn những giá trị di sản này được”, bà nói.
TS Lê Thị Minh Lý đặc biệt nhấn mạnh vào chính sách thúc đẩy công nghiệp sáng tạo. Từ đó, các dòng tranh sẽ bước ra khỏi cái bóng của từng tác phẩm cụ thể, rồi lan tỏa qua các sản phẩm thiết kế có sử dụng họa tiết hoa văn tranh dân gian. Hiện tại, đã có nhiều người trẻ đi theo xu hướng đó. Thí dụ như giảng viên ĐH Kiến trúc Hà Nội Trịnh Thu Trang đã in một cuốn sách đồ lại họa tiết tranh Hàng Trống để có thể ứng dụng trên nhiều sản phẩm của đời sống hiện đại.
Theo NGỮ YÊN/nhandan.com.vn